Bài viết của anh Phan Anh, CEO PA Marketing JSC, MBA Nice-Sofia Antipolis University | MA Law of Hanoi Law University đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.
1. Ý tưởng kinh doanh
– Ý tưởng đó là của bạn ấp ủ và đam mê
– Ý tưởng đó là của người khác
– Nghiên cứu thị trường và tìm kiếm thị trường ngách
– Lắng nghe các doanh nhân, người bán hàng khác
– Lắng nghe ý kiến khách hàng
– Học hỏi bí quyết: có bí quyết là có tất cả
– Học hỏi và xin truyền nghề
– Những thứ bạn thích không có nghĩa là ra tiền
– Ý tưởng đến từ các bài báo chí, nghiên cứu thị trường
– Ý tưởng đến từ sự dự đoán xu hướng và định nghĩa tương lai
2. Vốn
– Vốn rất quan trọng trong khởi nghiệp, bởi vì bạn không có vốn hoặc vốn quá nhỏ, thì bạn ít có sự lựa chọn.
– Chuẩn bị các nguồn vốn tự có, cất vào tài khoản ngân hàng hoặc quản lý cẩn thận để chuẩn bị cho việc kinh doanh.
– Chuẩn bị các nguồn vốn vay nhỏ từ nhiều người với lãi suất thấp hoặc hợp lý. Có thể đó là từ bạn bè, người thân, người làm cùng, cổ đông, nhà đầu tư, ngân hàng… trong trường hợp bạn có thể sẽ cần phải huy động thêm vốn trong quá trình phát triển.
Bạn luôn phải tiên lượng được việc này, khi nào thì cần, bao giờ thì cần, khả năng thu hồi vốn là trong bao lâu.
Lưu ý: không nên sử dụng các nguồn vốn ngắn hạn với lãi suất cao (vốn cột điện), vốn vay nóng, bạn có thể gặp phải vấn đề “chi phí quá cao”, lãi suất leo thang và mất cán cân thanh toán, hay nói một cách đơn giản là “vỡ nợ”.
Nếu như khoản đầu tư chắc chắn là sẽ lại vốn với lãi suất cao hơn, thì bạn hãy cân nhắc về việc vay vốn tại cơ sở “vốn vay cột điện” vì có thể bạn sẽ cần đến vốn đó. Tuy nhiên, cần hết sức hết sức thận trọng, và hãy xem giải pháp vốn vay cột điện là giải pháp cuối cùng. Vì bạn có thể phải trả giá cực kỳ đắt và hối tiếc.
– Nhưng vốn không cần phải lớn quá, từ vài chục triệu (30-60tr) bạn đã có thể khởi nghiệp. Liệu cơm gắp mắm nhé. Vốn của bạn phải bao gồm tiền nhập hàng hóa, tiền chi các khoản chi phí cố định hoặc biến đổi, hoặc tiền lương cho bản thân bạn và những người làm công cho bạn.
– Thời gian đầu tiên kinh doanh, bạn sẽ thấy rằng mình phải chi tiêu rất nhiều khoản (dù lớn hay nhỏ) và có thể sẽ chưa thấy tiền về ngay đâu. Nhưng cố gắng chi tiêu tiết kiệm nhất, cân nhắc các khoản chi hợp lý, đặt câu hỏi kỹ lưỡng “liệu bạn có cần mua sản phẩm đó để phục vụ công việc không, nếu không có thiết bị đó bạn có làm được việc không, cần phải tính toán kỹ lưỡng về khả năng phục hồi vốn”.
Ví dụ 1: Một vợ chồng bạn học viên của tôi tên là Hoa-Hiếu, bạn Hiếu là Trưởng phòng thiết kế nội thất của một công ty kiến trúc và nội thất. Công việc chính của bạn là đi làm thuê cho công ty với vị trí trưởng phòng Thiết kế.
Hai vợ chồng bạn còn trẻ và mới cưới, không có nhiều tiền dư giả, hai bạn vay ngân hàng số tiền là 40 triệu đồng để mua một cái máy tính để bàn cấu hình khủng dùng để thiết kế nhà cửa, nội thất cho các khách hàng lẻ để kiếm thêm thu nhập.
Với cái máy tính laptop cũ, mỗi tháng bạn Hiếu chỉ kiếm thêm được khoảng 10 triệu đồng tiền công/ tháng và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành công việc cho khách hàng vì thiết bị làm việc không đủ đáp ứng công việc.
Nhưng với chiếc máy tính để bàn chuyên nghiệp mới cấu hình khủng, bạn kiếm thêm được 20 triệu tiền công/ tháng (doanh số tăng gấp đôi), nhưng thời gian chỉ bằng 1/3 thời gian ban đầu. Như vậy vừa kiếm được nhiều tiền hơn, lại vừa tiết kiệm được thơi gian hơn, năng suất lao động cao vì thế thu nhập tốt, sau khoảng 3-4 tháng là có thể trả được ngân hàng tiền vay và lãi ra máy tính.
– Với số vốn nhỏ, bạn cần phải xoay vòng vốn nhanh nhất.
– Vốn nhỏ, bạn nên lựa chọn sản phẩm phù hợp với vốn liếng và công thức xoay vòng vốn nhanh, tức là “sáng cấy chiều gặt”, “nay cấy mai gặt”.
– Với số vốn nhỏ, đang khởi nghiệp, bạn cần cân nhắc việc mua lại các đồ dùng cũ phù hợp, ví dụ như mua nội thất bàn ghế, máy tính cho văn phòng là đồ cũ, tận dụng nhà ở làm văn phòng v.v… hãy luôn ghi nhớ: Thật tiết kiệm, thật hợp lý.
– Mua sắm các thiết bị gì, bạn đều tính đến việc làm sao thu hồi vốn nhanh nhất, “vắt các thiết bị này ra tiền ngay lập tức”, càng nhanh, càng nhiều càng tốt bạn nhé. Quan trọng lắm đó, không đùa được đâu.
Với giả thiết bạn sẽ kinh doanh quần áo trẻ em: bạn có lẽ cần một số vốn tham khảo – khoảng 100 triệu, bạn sẽ nhập sản phẩm để bắt đầu bán.
3. Kinh doanh cái gì để ra tiền? Sản phẩm hay dịch vụ? Nguồn hàng và sản phẩm.
Bạn cần chuẩn bị trả lời các câu hỏi kinh điển: ai, ở đâu, cái gì, bao giờ, khi nào… cho mỗi việc bạn làm. Bạn biết đấy, sự chuẩn bị là luôn luôn cần thiết, bởi vì người có sự chuẩn bị sẽ thành công hơn và dễ dàng thành công hơn người không có sự chuẩn bị.
Có hai hướng cơ bản là cung cấp dịch vụ hoặc bán sản phẩm hữu hình.
– Bạn cần xác định rất nhanh và chính xác là buôn bán cái gì để ra tiền? Sau đó thì sẽ đến câu hỏi “bán cho ai”, “bán ở đâu”.
* Một là) Bán dịch vụ: bạn có lợi thế gì về việc cung cấp dịch vụ? Bây giờ đồ may sẵn thì đẹp hơn, rẻ hơn, nhanh hơn, đa dạng hơn đồ may đo, nhưng vấn đề của đồ may sẵn lại là có thể sẽ cần sửa chữa lại một chút ⇒ Dịch vụ sửa chữa comple may sẵn?
Bạn xác định xem bạn có lợi thế tự nhiên, tài năng thiên bẩm, kỹ năng được đào tạo và rèn luyện của bạn có thể giúp giải quyết vấn đề nào đó của khách hàng. Lưu ý đến “quy mô thị trường”, đừng chọn thị trường dịch vụ có quá ít nhu cầu. Cung cấp dịch vụ, đặc biệt là “vốn tự có” là một hướng rất tốt để khởi nghiệp bởi chi phí đầu tư ban đầu rất thấp, rủi ro thất bại cũng thấp và không gây ra hậu quả nặng nề.
– Tự rèn luyện các kỹ năng mềm đó hoặc kết hợp với những người có kỹ năng mềm tốt để bắt đầu công việc kinh doanh từ chính dịch vụ đó. Hãy nhớ rằng, mọi kỹ năng và dịch vụ cần thiết dành cho khách hàng, có giá trị với khách hàng, bạn đều có thể bán.
Có những điều rất dễ với bạn (vì bạn là chuyên gia), nhưng lại mất nhiều thời gian và công sức với người khác, lời khuyên, lời tư vấn của bạn có thể giúp cho họ rất nhiều, rất nhanh, bạn hiểu chứ.
Ví dụ thực tế, bài học từ Phan Anh – là chính tôi; sau khi khởi nghiệp thành công với chuỗi cửa hàng thời trang trẻ em cao cấp CROWN SPACE (gần 25 cửa hàng bán lẻ) với kinh nghiệm làm việc hơn 7 năm không mệt mỏi và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thương trường, tôi đã mở công ty đào tạo và tư vấn dịch vụ marketing, bán hàng, quảng cáo trực tuyến.
Tôi cung cấp dịch vụ chính là các kỹ năng và kinh nghiệm làm quảng cáo trực tuyến, bán hàng trên Facebook, làm seo cho web, chụp ảnh sản phẩm, tung các chương trình khuyến mại, đánh hàng và tìm kiếm nguồn hàng, bởi đây là những kiến thức và kinh nghiệm mà bản thân giảng viên đã trực tiếp trải qua + với học tập tại các công ty, doanh nhân lớn, học hỏi từ sách vở. Đó là một cách ‘an toàn” để khởi nghiệp tiếp theo.
Tất nhiên là trong quá trình cung cấp dịch vụ đào tạo, tư vấn, triển khai online marketing tôi cũng phải học thêm, tự học thêm rất nhiều. Và bạn thấy đấy, trong vòng 5 năm làm đào tạo, tôi cũng đã đào tạo cho gần 10.000 học viên thông qua các lớp miễn phí, có trả phí, lớp học offline, lớp học online qua video (như các bạn đang học), và tôi cũng có thu nhập tốt. Ý tôi chỉ là lấy ví dụ thực tế để các bạn hiểu, cách chúng ta kinh doanh “vốn tự có”.
Lưu ý là kinh doanh “vốn tự có” theo hướng tích cực và hợp pháp nhé.
Bài tập cho nội dung này là: bạn hãy thử viết ra giấy hoặc đánh máy tính ra 05 ý tưởng về dịch vụ mà bạn có thể nghĩ rằng là “có khả năng triển khai cung cấp được dịch vụ cho khách hàng”.
* Hai là) Về sản phẩm hữu hình
Sản phẩm hữu hình là các loại hàng hóa cụ thể mà ban có thể cầm nắm được ví dụ như quần áo, mỹ phẩm, nước hoa, các trang thiết bị dụng cụ, đồ dùng gia đình, đồ gia dụng, thuốc thang, đồ ăn thức uống…
Bạn có thể nghiên cứu các bản báo cáo thị trường để biết được nhóm sản phẩm nào đang được mua – được bán nhiều trên thị trường hiện nay. Lựa chọn các sản phẩm dễ bán nhất, nhiều người mua nhất hoặc lựa chọn thị trường ngách như thực phẩm sạch, đồ quê, quà quê, hải sản tươi sống, thực phẩm chín, hàng homemade, handmade… hoặc là các sản phẩm phụ kiện cho các sản phẩm chính (phụ kiện điện thoại, phụ kiện thời trang, phụ kiện dành cho áo, váy…)… là những định hướng tốt.
Giá của sản phẩm được bán: chọn các sản phẩm giá phù hợp, khoảng giá từ 200-600k/ 1 sản phẩm đổ lại thì rất dễ mua dễ bán. Cao hơn một chút là khoảng dưới 1 triệu đồng, cũng dễ cho việc bán hàng của bạn. Mới khởi nghiệp, bạn đừng nên chọn các sản phẩm đắt tiền để bán, chi phí lớn, vì vốn liếng sẽ cần rất nhiều, dài hạn và rủi ro cao.
Lợi nhuận bình quân của sản phẩm từ 100-200k/ 1 sản phẩm là một con số rất tốt để thử. Tất nhiên không phải sản phẩm nào bạn cũng có mức lợi nhuận như vậy.
Bạn thử tưởng tượng như thế này: bạn bán sản phẩm 1 đô la cho 1 triệu người thì dễ hơn việc bán sản phẩm có giá 1 triệu đô la cho 1 người người thì dễ hơn.
Thị trường ngách là một khái niệm nói rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn phục vụ cho một nhu cầu cụ thể của một nhóm người cụ thể. Bạn nên khởi nghiệp hoặc bắt đầu kinh doanh với một sản phẩm dành cho thị trường ngách, vì thị trường ngách sẽ ít cạnh tranh hơn và khách hàng có nhu cầu mua hàng theo kiểu “tìm kiếm” – bạn sẽ dễ bán được hàng hơn.
Ví dụ như quần áo trẻ em là thị trường ngách của ngành thời trang. Nhưng nếu xem quần áo trẻ em là thị trường chính, thì quần áo trẻ em hàng hiệu dành cho con nhà có điều kiện là một thị trường ngách.
Ví dụ khác: nếu sản phẩm áo dài là thị trường chính, thì áo dài thêu tay, áo dài vẽ họa tiết bằng tay là một thị trường ngách.
* Thứ ba) Sản phẩm số hóa. Sản phẩm số hóa là các sản phẩm kỹ thuật số, thí dụ như phần mềm, bản nhạc, ảnh, phim, ứng dụng, sách bản mềm, các video hướng dẫn dưới định dạng kỹ thuật số. Đây là các sản phẩm cũng được xem nhiều, nghe nhiều, tải nhiều, chơi nhiều.
Nếu bạn có tài năng, bạn có thể lập trình hoặc tạo ra những sản phẩm như vậy để bán ra thị trường quốc tế hoặc tại thị trường VN. Có nhiều anh chị học viên, khách hàng quảng cáo của tôi, những người bạn của tôi viết phần mềm hoặc ứng dụng cho điện thoại, bán ra thị trường thế giới rất tốt, tất nhiên là cũng khó có thể trở thành “gã khổng lồ” được, nhưng thu nhập thụ động dành cho cá nhân thì rất là “ổn áp”.
Bài tập: Bạn hãy liệt kê từ 5-10 sản phẩm mà bạn nghĩ ngay trong đầu để mà bạn nghĩ rằng có thể bắt đầu bán được ngay. Hãy nhìn mọi thứ xung quanh bạn, suy nghĩ từ chính bạn, từ thị trường.
4. Nghiên cứu thị trường và khách hàng mục tiêu
– Nghiên cứu về sản phẩm bạn bán, nghiên cứu kỹ nhé
– Nghiên cứu về khách hàng mục tiêu: profile điển hình của của khách hàng, giới tính, tuổi tác, khu vực sống, nghề nghiệp làm việc, vùng miền; họ là người trực tiếp mua; mua nhanh hay chậm; có cần có người tác động hay người ảnh hưởng không; vì sao họ lại mua sản phẩm của bạn; động lực mua hàng là gì; lý do vì sao mua hàng; lý do vì sao không mua hàng;
– Nghiên cứu và học hỏi từ đối thủ cạnh tranh: ai, ở đâu, thương hiệu gì, họ đã và đang làm như thế nào, khách hàng của họ là ai, nhà phân phối của họ, kênh bán hàng của họ, website của họ, fanpage của họ, facebook cá nhân của người chủ v.v…. Hãy xem xét tất cả các khía cạnh một cách cẩn thận, ghi chép lại, rút ra những bài học cho mình. Làm theo, đổi mới, sáng tạo hơn.
Hãy tìm cho mình một “đối thủ cạnh tranh trực tiếp” và gần nhất với mô hình kinh doanh của bạn để “học hỏi” và “so sánh”, “đuổi theo” họ. Từ đó phát triển công việc kinh doanh của bạn tốt hơn nữa, khác biệt hơn và thuyết phục khách hàng ngay lập tức. Nếu công việc kinh doanh phát triển hơn nữa, bạn nâng “level” của đối thủ lên, để tiếp tục học hỏi người ta.
5. Công cụ marketing/ sales và các kênh bán hàng
– Bạn cần phải am hiểu một số công cụ marketing cơ bản (mô hình 7Ps) và công cụ bán hàng tốt nhất cho sản phẩm của bạn.
Thí dụ như các công cụ giúp bạn bán hàng trực tuyến là rất quan trọng, bạn cần chú trọng vào nhóm công cụ này bao gồm:
Facebook, Website; SEO; Zalo, Diễn đàn, Email, các trang thương mại điện tử… tất nhiên là bạn không cần phải giỏi tất cả các công cụ, nhưng bạn càng giỏi nhiều công cụ, bạn càng có lợi thế trong việc kinh doanh, bán hàng và khởi nghiệp. Đây là một điểm mấu chốt nữa, vì không bán được hàng thì khỏi cần phải nói thêm cshuyện gì nữa. Khỏi khởi nghiệp. Khỏi mộng mơ.
Ví dụ 2: Tôi có một người bạn tên là anh T, anh từng đạt giải thưởng về cuộc thi tay nghề nấu ăn tầm cỡ cuộc thi nghề khu vực Đông Nam á, nhưng anh tự mở nhà hàng 03 lần đều thất bại (ba lần nhé, tức là a cũng rất kiên trì và nghĩ rằng thua keo này ta bày keo khác), không có khách.
Anh sợ làm chủ đến nỗi mà giờ nói chuyện với anh, anh chỉ có duy nhất một mong muốn là “đi làm thuê cho nó lành”.
Bạn biết đấy, anh nấu ăn ngon, nhưng không có nghĩa là khách hàng sẽ đến nhà hàng của anh vì anh không nghiên cứu khách hàng, không nghiên cứu thị trường, anh nấu những thứ anh có chứ không phải những thứ khách hàng sẵn sàng cần, toàn món cầu kỳ cao lương mỹ vị. Anh cũng không có ngân sách làm marketing, quảng cáo, anh ngồi đợi khách đi qua và tạt vào nhà hàng của anh. Xin lỗi, thời hữu xạ tự nhiên hương qua lâu rồi.
Tất cả phải marketing, quảng cáo, bán hàng, chăm sóc khách hàng, có nghệ thuật và khoa học, có sự sáng tạo và nỗ lực đổi mới không ngừng nghỉ. Nếu ai còn nghĩ là “hữu xạ tự nhiên hương” thì nên xem lại, hãy nhớ là “hữu xạ tự nhiên Face”, hữu xạ tự nhiên online… tất nhiên khi sản phẩm tốt và có trải nghiệm rồi thì người ta sẽ e-wom thôi.
Ví dụ 3: Ngược lại, tôi cũng có một vợ chồng người bạn khác tên H-T. Hai vợ chồng đi học khóa học “quảng cáo và bán hàng trên FB” của tôi cách đây cũng 02 năm rồi. Và sau đó cũng có thuê bên chúng tôi làm dịch vụ quảng cáo trực tuyến, tư vấn triển khai kinh doanh cho nhà hàng đồ nướng của mình ở Hà Nội (xin không nêu tên Nhà hàng và địa chỉ).
Trộm vía, nhà hàng đồ nướng mở ra cái là có lãi ngay trong tháng đầu tiên. Sau một thời gian kinh doanh nhà hàng đồ nướng, vợ chồng HT tiếp tục mở thêm một cửa hàng đồ ăn bán đồ ăn nhanh kiểu Hàn Quốc, đây có thể coi là một dự án “khởi nghiệp” nên các bạn cần chú ý xem kỹ ví dụ này nhé.
– Sản phẩm là đồ ăn nhanh Hàn Quốc: cơm kẹp, cơm cuộn, canh kim chi, panchan… với giá bán rẻ (dành cho sv và dân công sở bình thường), món ăn được trang trí đẹp mắt, phục vụ nhanh, món ăn lại không hề phụ thuộc vào đầu bếp vì khá dễ làm.
– Nhà hàng lựa chọn trên con phố nhỏ, gần cụm 5 trường đại học tại HN (khu đại học Bách Khoa, KTQD), phí thuê nhà không quá đắt đỏ (tôi không tiết lộ con số cụ thể), trang trí đẹp mắt, đầu tư nội thất đơn giản, có chỗ checkin cho giới trẻ, mặc bộ đồ hanbok này nọ vui vui mắt (gỗ và sắt, thậm chí đồ cũ sơn lại), tổng chi phí đầu tư và thuê nhà hết 300tr. Tháng đầu tiên lãi khoảng 50 triệu sau khi trừ đi lợi nhuận. Như vậy là dự án kinh doanh rất khả thi.
Xin được nói thêm là vợ chồng HT không hề biết nấu ăn, nhưng họ biết làm kinh doanh, họ thực sự có đầu óc kinh doanh “số vốn nhỏ”.
6. Nỗ lực và cố gắng của bản thân
Nỗ lực và sự cố gắng của bản thân là vô cùng quan trọng trong quá trình khởi nghiệp, làm kinh doanh. Bạn cần phải xác định các nỗ lực không ngừng nghỉ, luôn luôn học hỏi, cập nhật cái mới, cố gắng cố gắng cố gắng hơn nữa trong công việc để hướng tới sự hoàn hảo cho từng đơn hàng của từng khách hàng, tỷ mỉ trong từng công việc để đạt được sự hài lòng của khách hàng và có doanh số.
Nỗ lực và cố gắng của bản thân bạn có thể xem thêm các bài học khác trong series video này, bao gồm các bài học nói về tố chất của người làm kinh doanh và khởi nghiệp và các lời khuyên.
Bài học rút ra là: hãy xác định tư tưởng ngay về sự thay đổi, nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân.
7. Địa điểm kinh doanh
– Địa điểm kinh doanh là cực kỳ quan trọng trong nhiều ngành hàng, ví dụ đối với ngành hàng F&B (ngành hàng nhà hàng và đồ ăn, đồ uống), ngành bán lẻ thời trang và nhiều ngành bán lẻ khác. Người ta bảo buôn có bạn, bán có phường đến giờ vẫn còn đúng đấy ạ.
– Nếu bạn mới khởi nghiệp và chỉ định bán hàng trực tuyến thì bạn có thể thuê những địa điểm phù hợp với túi tiền của bạn, hoặc sử dụng địa điểm là chính nhà riêng, nhà trọ cua mình để làm văn phòng, nơi giao dịch, nơi mua bán hàng hóa, nơi tổ chức sản xuất.
– Địa điểm thì hoàn toàn phụ thuộc vào túi tiền của bạn, hãy đưa ra các tiêu chí đánh giá để xem xét việc thuê địa điểm ở đâu, xa hay gần, tính phương án kinh doanh để phù hợp .
– Nếu như lựa chọn việc sở hữu địa điểm riêng của bạn (ví dụ như thuê phòng học, phòng họp, văn phòng làm việc) hay là đi thuê lại thì cũng cần tính toán chi phí hợp lý và khả năng thu hồi vốn.
Ví dụ 6: đối với việc kinh doanh dịch vụ đào tạo và tư vấn marketing và online marketing, thực tế của bản thân tôi là trong thời gian đầu chúng tôi đi thuê phòng học của các đơn vị khác (việc thuê phòng học của các đơn vị khác tuy tiền thuê/ buổi học thì đắt đỏ) nhưng lại tiết kiệm được tiền/ tháng hơn là nếu bạn tự thuê một văn phòng làm phòng học.
Nhưng khi bạn kinh doanh tốt hơn, đông khách hàng hơn, lợi nhuận tốt hơn thì chúng tôi quyết định thuê mặt bằng và làm phòng học.
– Hoặc bạn có thể cộng tác với đối tác để tận dụng mặt bằng của họ (nếu có thể). Có một thời gian bản thân tôi thường ngồi tại các văn phòng rất xịn và đắt tiền, nhưng lại là văn phòng của các đơn vị đối tác, hai bên kết hợp và chia sẻ chi phí với nhau trong việc sử dụng văn phòng và phòng học.
Mong là các bạn hiểu ý tưởng tôi muốn truyền đạt về việc tính toán chi phí hợp lý cho địa điểm của mình.
Hiện tại thì chúng tôi có 02 cơ sở đào tạo tại Hà Nội, có phòng studio sản xuất video khóa học, tvc quảng cáo, có trong tay các phòng học sẵn sàng thuê theo buổi, và có các đối tác mời sử dụng phòng làm việc, phòng đào tạo, văn phòng miễn phí cho chúng tôi theo cơ chế “hàng đổi hàng”. Tôi sử dụng văn phòng và phòng học của đối tác, đổi lại tôi sẽ đào tạo và huấn luyện nhân viên, cố vấn cho ban lãnh đạo và triển khai các hình thức hợp tác kinh doanh với đối tác.
– Nếu địa điểm là văn phòng và nơi làm việc thì hãy lựa chọn những địa điểm tiết kiệm nhất về chi phí, nhưng vẫn đảm bảo được những yêu cầu công việc nhất định. Hãy đưa ra các tiêu chí cụ thể và cho thang điểm để đánh giá các tiêu chí đó rồi so sánh các địa điểm lại với nhau.
– Nếu địa điểm là mặt tiền kinh doanh thì cần phải xem xét kỹ: phố nào, nhà nào, cả phố đó bán gì, cạnh mặt tiền nhà mình định thuê bán gì, chủ nhà ra sao, họ có dễ tính hay khó tính, hàng xóm có dễ tính hay khó tính; người trước họ thuê nhà họ có làm ăn được không; phố xá có đông đúc không, xung quanh là người dân ở nhà riêng hay văn phòng, dân cư lao động phổ thông hay trí thức thu nhập cao; có đối thủ cạnh tranh trực tiếp không? Có bị đường cấm không? Có chỗ để xe thuận tiện không? Tình hình an inh có tốt không.
Có một câu chuyện khác của một khách hàng thuê mặt bằng để mở quán bia, nhưng không kiểm tra kỹ “hàng xóm của mình là những ai”, nên sau khi mở quán thì quán rất vắng và thường xuyên bị cơ quan chính quyền nhắc nhở vì âm nhạc quá to hoặc ồn ào quá vì hàng xóm là các vị lão thành cách mạng.
8. Thương hiệu/ Bao bì/ Nhãn mác
Bạn cũng cần phải đặt cho mình một cái tên thương hiệu nào đó – cái tên nói lên tất cả mà. Lựa chọn đặt tên thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ, hoặc đơn giản chỉ là thương hiệu cá nhân của người bán (PhanAnhOnline).
Bạn có thể cần thiết kế bộ nhận diện thương hiệu như logo, bao bì, túi tắm, nhãn mác, biển hiệu, đồng phục v.v… để nâng cao uy tín của bạn và thương hiệu. Tất nhiên với chi phí thấp bạn có thể sử dụng dịch vụ tư vấn và thiết kế thương hiệu giá rẻ. Vì trên thị trường có những đơn vị thiết kế thương hiệu với giá 100-200 triệu/1 gói dịch vụ; cũng có đơn vị chỉ khoảng 5-10 triệu/1 gói hoặc rẻ hơn.
Nên thiết kế logo để dùng thương hiệu, nhưng chưa có đủ điều kiện in ấn các tài liệu khác thì có thể in logo ra dán vào vào hoặc là có tem mác nhìn trông nó chuyên nghiệp bạn nhé.
Bạn cũng cân nhắc về việc đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu của bạn, Chi phí đăng ký rất rẻ và thủ tục rất dễ, bạn hoàn toàn có thể tự làm được theo hướng dẫn trên mạng Internet. Bạn nộp phiếu đăng ký cho cơ quan phụ trách tiếp nhận và đăng ký hồ sơ bảo hộ sở hữu trí tuệ. Chi phí chỉ hết khoảng 1-2 triệu đồng.
Bản thân tôi cũng thường xuyên thiết kế bộ nhận diện thương hiệu cho các cá nhân kinh doanh, công ty, đơn vị với giá rất hợp lý vì tôi hiểu khó khăn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người mới làm kinh doanh. Tôi có thể cho các bạn xem một số logo tôi thiết kế như thương hiệu Eva Sports; Hoa quả Ưu Đàm, shop bán hàng Nhật Kawako; Mật ong Beelove; My My Giầy…
Bạn nên cân nhắc đầu tư hạng mục này, vì nó cũng thực sự cần thiết cho việc kinh doanh, bán hàng của bạn.