Có một bạn trẻ vừa inbox than thở rằng yếu tố nhân sự sao mà nhức đầu quá. Nhất là trong giai đoạn khởi nghiệp. Chỉ muốn buông xuôi tất cả.
Xin chào mừng bạn đến với thế giới của những người mê kinh doanh, thích làm chủ, những người mà muốn hay không muốn cũng phải đương đầu với yếu tố con người một cách trọn vẹn nhất. Vì nó làm bạn mất ăn mất ngủ, nó làm bạn thất bại hay thành công – chứ không chỉ làm phiền như thời còn đi làm thuê.
Biết bao nhiêu người phải nếm mùi cộng sự dù thân tín đến đâu cũng bỏ mình ra đi đúng ngay lúc dầu sôi lửa bỏng. Ngay cả bạn thân bao nhiêu năm cũng có thể trở thành…kẻ thù! Còn bà con giòng họ thì tưởng sẽ làm cho mình khoẻ hơn nhưng lại trở thành gánh nặng không thể trút ra được… Lúc đó bạn chỉ ao ước gì nguyên công ty này chỉ có một mình thôi.
Không phải thuê ai, không cộng tác với ai nữa. Đó là trường hợp điển hình của một startup đứng sát bờ vực thất bại không có liên quan gì đến sản phẩm hay thị trường.
Cho nên ngay từ đầu phải làm cho đúng. Phải mời cho đúng người để chèo chung một thuyền. Phải thuê cho đúng người, đừng ham rẻ hay đừng ham sự tiện lợi từ những mối quan hệ sẵn có. Và đừng bao giờ hy vọng người nhà hay bạn bè của mình sẽ vừa làm vừa học rồi mọi chuyện sẽ ổn thoả. Đừng xây lâu đài trên cát.
Suy cho cùng, muốn làm cái gì tốt cũng cần phải có kinh nghiệm. Muốn tổ chức, quản trị con người tốt ngay từ đầu thì trong team sáng lập hay team set-up, điều hành phải có ai đó có kinh nghiệm trong lãnh vực này. Nếu được thì kinh nghiệm từ một môi trường làm việc bài bản là tốt nhất, mới biết cách kích thích, động viên và gắn kết mọi người lại với nhau.
Gắn kết ở đây là gắn kết một cách hiệu quả chứ không phải cứ vui vẻ, hoà thuận sống chung với nhau là đủ. Làm sao cho mọi thành viên có thể nói được điều mình muốn nói, nghe được điều mình cần nghe và hiểu được những giá trị chung của tổ chức thì mới khó. Khi đó mọi khó khăn đều có thể chung tay vượt qua.
Trở lại câu than thở của bạn trẻ trong inbox của tôi, không có gì là quá trễ. Nếu từ đầu chưa làm đúng lắm thì bây giờ phải làm lại cho đúng.
Hãy đi tìm sự giúp đỡ từ những người có kinh nghiệm trong lãnh vực này. Nếu được, hãy bao gồm họ trong đội hình của mình bất cứ vai trò gì. Hãy tự trang bị thêm kiến thức về quản trị nhân sự, và quan trọng nhất, ý thức luôn sẵn sàng sống chung với lũ, trường kỳ kháng chiến với những thách thức về nhân sự. Hãy nhìn những thách thức với cái nhìn của người leo núi.
Vì yếu tố nhân sự sẽ tiếp tục làm bạn đau đầu bất kể công ty bạn có thành công như thế nào đi nữa. Nó là một phần của cuộc sống doanh nghiệp. Chỉ có điều “good problem” có khác với “bad problem” ở chỗ là bạn đã chuẩn bị như thế nào để vượt qua các chướng ngại vật phía trước.
Bài viết của anh Lý Quí Trung đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.