Mọi doanh nhân và người bán hàng đều hiểu số lần gặp tỷ lệ thuận với cơ hội bán hàng và cơ hội tăng thu nhập. Đa số nhân viên kinh doanh hiểu tầm quan trọng của việc thiết lập các cuộc gặp với khách hàng tiềm năng để đạt mục tiêu doanh số, nhưng rất ít người trong số họ thực hiện những công việc cần thiết để các cuộc gặp đó diễn ra.
Trên thực tế, nhiều doanh nhân khẳng định sắp xếp cuộc hẹn với khách hàng không hề phức tạp hay đáng sợ.
Gọi điện thoại cho khách hàng tiềm năng không nên là việc đầu tiên trong chuỗi hành động
Lâm Hiền Minh, giám đốc một công ty dược mỹ phẩm ở Hà Nội, nhận xét rằng, đối với việc tìm khách hàng tiềm năng, phần lớn người bán hàng không có kế hoạch trước. Vì thế, khi gọi điện thoại cho một khách hàng tiềm năng một cách ngẫu nhiên, họ dễ lâm vào tình huống khó.
Người bán hàng chỉ nên gọi điện thoại cho khách hàng tiềm năng sau khi đã gửi thư hoặc mời khách hàng tiềm năng tới sự kiện. Ảnh: corporategrowth.org |
“Nếu khách hàng tiềm năng không biết bạn là ai, họ sẽ không muốn nói chuyện với bạn”, chị Minh khẳng định.
Chị Minh nói một chiến dịch tiếp cận bài bản sẽ cho phép doanh nhân tạo nền tảng chắc chắn trước khi gọi điện thoại cho khách hàng tiềm năng.
“Người bán hàng nên vạch ra toàn bộ quá trình với việc gửi thư trực tiếp và e-mail theo thời gian cụ thể. Bạn cũng có thể mời họ tới các sự kiện, hội thảo. Những hành động như thế sẽ giúp khách hàng tiềm năng có sẵn thông tin về người bán trước khi họ nhận cuộc gọi, nhờ đó khả năng họ đồng ý gặp sẽ cao hơn”, chị giải thích.
Phát biểu trước đám đông
Nói trước công chúng là việc mà nhiều người cảm thấy không thoải mái. Nhưng nếu người kinh doanh sẵn sàng nói trước công chúng, họ sẽ có cơ hội tiếp cận hàng chục, thậm chí hàng trăm khách hàng tiềm năng cùng lúc. Đó là quan điểm của Đặng Chí Dũng, giám đốc một công ty bao bì ở Hà Nội.
“Khi người kinh doanh nói trước công chúng tại sự kiện hay qua hình thức livestream trên mạng xã hội, họ nên tập trung chia sẻ các xu hướng và thách thức trong lĩnh vực mà họ kinh doanh. Sau khi nghe họ thuyết trình, người xem sẽ có cảm giác người bán là một chuyên gia có thể mang tới giá trị cho khách hàng”, anh Dũng lập luận.
Nói trước đám đông là một kỹ năng lợi hại của người bán hàng. Ảnh: speechacademyasia.com |
Kinh nghiệm của anh Dũng cho thấy, chỉ với một lần nói trước công chúng, người bán hàng có thể sắp xếp vô số cuộc gặp với khách hàng tiềm năng.
“Thành quả đó đáng để chúng ta nỗ lực và thử sức”, anh Dũng bình luận.
Nhờ mọi người giới thiệu khách hàng tiềm năng
Nguyễn Khánh Phương, người sáng lập một công ty thực phẩm sạch, khẳng định doanh nhân nên dành ít nhất 15 phút mỗi ngày để nhờ người quen, khách hàng, người thân, đồng nghiệp giới thiệu họ với những người có thể cần sản phẩm, dịch vụ mà doanh nhân cung cấp.
“Người kinh doanh nên làm việc thông minh hơn, chứ không nên làm việc cần cù hơn. Thói quen đơn giản ấy có thể dẫn tới ít nhất 5 lời giới thiệu mỗi tuần, 250 lời giới thiệu mỗi năm. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ phải dành phần lớn thời gian để sắp xếp cuộc hẹn và gặp khách hàng tiềm năng”, Phương phát biểu. Chị nói thêm rằng những lời giới thiệu từ người quen, họ hàng hay khách hàng sẽ giúp doanh nhân có những cuộc hẹn chất lượng, với khả năng chốt hợp đồng cao.
Nhạc Dương
Theo Kinh tế & Tiêu dùng