Thuyết trình trước đám đông là một cách giúp doanh nhân, nhà khởi nghiệp nâng cao vị thế bản thân, tạo tiếng vang cho công ty và được mọi người công nhận là chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể. Bên cạnh những bài thuyết trình lớn, những cuộc họp, hội thảo nhỏ cũng cần có kỹ năng thuyết trình lôi cuốn.
Không nhiều người tự tin với khả năng thuyết trình của mình. Dưới đây là 5 mẹo đơn giản nhưng giúp bạn có bài thuyết trình hiệu quả và thành công.
1. Không học thuộc lòng
Đây lại là cách dở tệ khi chuẩn bị 1 bài thuyết trình. Việc nói theo những điều được ghi nhớ sẵn trong đầu sẽ khiến bạn luôn phải để ý nội dung và một không khí im lặng bao trùm nếu bạn đột ngột luống cuống “quên bài”.
Do đó, tốt hơn hết, bạn nên nhớ nội dung chính cần nói thay vì học thuộc lòng từng câu. Hãy tạo điểm nhấn cho bài nói bằng cách sử dụng thông điệp lớn, kể câu chuyện thú vị hay đưa ra những con số đặc biệt.
2. Tập nói nơi ồn ào
Trong khi nhiều người có xu hướng tìm nơi vắng vẻ, yên tĩnh nhằm tránh bị phân tâm thì cách làm này sẽ vô dụng khi bạn thực sự bước lên sân khấu.
Bởi trong thời gian diễn thuyết trước đám đông, mọi rắc rối đều có thể xảy ra, từ tiếng chuông điện thoại réo liên hồi hay tiếng la ó của khán giả vọng lên dưới khán đài.
Và bằng cách tập nói tại nơi ồn ào, bạn có thể vượt qua sự phân tâm, kiểm soát cảm xúc và biết cách điều chỉnh âm lượng giọng nói phù hợp với hoàn cảnh hiện tại trong lúc vẫn tập trung vào nội dung và thông điệp muốn gửi gắm đến khán giả.
3. Tăng tính tương tác
Tương tác sẽ tạo cho bài thuyết trình sôi nổi và hấp dẫn hơn. Khi lên kế hoạch cho bài diễn thuyết, hãy nghĩ đến những thời điểm mà bạn có thể tương tác với khán giả, thậm chí sử dụng những vật dụng, những thứ có thể lôi kéo họ tham gia vào bài nói để có thể tạo ra tương tác trực tiếp giữa hai bên.
4. Kết hợp âm thanh và hình ảnh vào bài nói
Ngoài việc không nhìn slide đọc trực tiếp, bạn nên khiến bài nói trở nên sinh động hơn bằng cách kết hợp âm thanh, hình ảnh trong lúc diễn thuyết nhằm kích thích giác quan của khán giả.
Cách này không chỉ tăng sức hút cho bài thuyết trình mà còn giúp bạn giảm bớt nội dung cần nhớ.
5. Tập trung phục vụ khán giả
Hãy thay đổi tư duy và nghĩ về việc làm thế nào để phục vụ khán giả tốt hơn thay vì lo lắng cho màn trình diễn của mình. Hãy nhớ rằng bạn có mặt ở đó là để cung cấp cho khán giả những thông tin hữu ích mà họ quan tâm.
Bạn cũng có thể trò chuyện với một vài khán giả trước lúc bắt đầu chương trình. Qua đó, bạn sẽ có cơ hội hiểu hơn về nhu cầu, sở thích, phong cách của những người tham dự sự kiện. Đây không chỉ là bước “khởi động” nhẹ mà còn là cách giúp bạn phục vụ họ tốt hơn.