‘Đất nước phát triền bền vững phải có các doanh nghiệp phát triển bền vững’

0
536

Phát triển bền vững trong nhận thức của nhiều doanh nhân giờ đây không chỉ là tăng trưởng về kinh tế mà còn là sự tương tác của cộng đồng doanh nghiệp với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.

Các nhà lãnh đạo thuộc Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD)

Quản trị chuyên nghiệp để phát triển bền vững

Nhớ lại buổi gặp gỡ các nhà kế nghiệp ở Thanh Hoá diễn ra cách đây không lâu, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) ấn tượng mãi với nhận định của bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam về xu hướng thay đổi sang mô hình quản trị hiện đại.

Theo đó, mô hình trong doanh nghiệp giờ đây không còn là một hệ thống hình tam giác, theo kiểu chỉ đạo từ trên xuống dựa vào thứ bậc. Từ khoá trong bối cảnh hiện nay là “network”, mọi cá nhân trong doanh nghiệp đều có vai trò như nhau và tác động lẫn nhau. Thay vì thể hiện vai trò như một người làm chủ, lãnh đạo hướng đến một hình mẫu “leader” dẫn dắt sự phát triển.

Một nền quản trị như vậy sẽ khiến cho con người không bị robot hoá trong bối cảnh công nghệ đang bùng nổ, thậm chí, sẽ nhân văn hoá công nghệ và robot. Ông Lộc cho rằng, một nền quản trị chuyên nghiệp sẽ là cơ sở để doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững.

Các doanh nghiệp toàn cầu đang bước vào một thế giới đầy đầy bất ổn. Xã hội đang liên tục thay đổi, đòi hỏi mọi chính phủ, mọi nền kinh tế và mọi doanh nghiệp phải không ngừng vận động, đổi mới để bắt kịp tốc độ thay đổi. Trong vòng quay đó, theo ông Lộc, chỉ có duy nhất một hình thái phát triển được chấp nhận trên toàn cầu, đó là phát triển bền vững.

“Để phát triển bền vững, không thể thiếu sự đóng góp của doanh nghiệp. Và ngược lại, doanh nghiệp cần phát triển bền vững để đảm bảo cho tương lai của chính mình”, ông Lộc nhận định tại hội thảo “Quản trị doanh nghiệp bền vững trong một xã hội đang thay đổi”.

Nhìn nhận lại câu chuyện phát triển bền vững trong những năm trước đây, lãnh đạo Deloitte Việt Nam cho rằng, nhiều doanh nghiệp vẫn chỉ dựa vào những chỉ số tăng trưởng về kinh tế. Tuy nhiên, tư duy này đang dần thay đổi.

Phát triển bền vững trong nhận thức của nhiều doanh nhân giờ đây không chỉ là tăng trưởng về kinh tế mà còn là sự tương tác của cộng đồng doanh nghiệp với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Để đến khi phải đối mặt với khủng hoảng, các doanh nhân sẽ biết cái gì đang bền và cái gì chưa vững.

Như ông Lộc đã nhận định, mô hình quản trị trong bối cảnh mới phải có khả năng chống chịu, tuân theo tự nhiên và nương theo xu hướng. Mỗi doanh nghiệp và doanh nhân cần làm chủ được chính mình, tự làm chủ là công cụ tốt nhất để đối phó với những biến đổi không thể nắm bắt của ngoại cảnh. Đó là một hệ thống quản trị hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo cân đối kinh tế, xã hội và môi trường.


Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam (trái) và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Như Bà Đào Thúy Hà, Giám đốc Marketing của Traphaco cho biết, công ty này lựa chọn phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: phát triển kinh tế, không ngừng quan tâm đến trách nhiệm xã hội và có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Traphaco đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đầu vào sạch và chất lượng từ rất theo tiêu chuẩn GACP-WHO, áp dụng công nghệ cao trong quản trị và sản xuất, mang lại nguồn thu nhập tốt và ổn định cho bà con miền núi.

“Nhấn mạnh đến công nghệ trong thời kỳ 4.0 mà dường như quên đi các yếu tố tự nhiên là sai lầm. Các năng lực cần thiết cho con người trong bối cảnh hiện nay không chỉ là chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc mà còn là chỉ số tình yêu, và đặc biệt là chỉ số về khả năng thích ứng – yêu cầu quan trọng của mọi mô hình quản trị”, ông Lộc nói.

Đó cũng là lý do cho những nỗ lực của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) trong việc thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI).

CSI là một công cụ quản trị doanh nghiệp ưu việt, tập hợp các chỉ tiêu thiết yếu trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội – môi trường mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần nắm bắt và thực hiện áp dụng linh hoạt vào các hoạt động lập kế hoạch, quản trị, vận hành sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực quản trị, thích ứng với sự thay đổi.

Văn hoá doanh nghiệp là nền tảng của phát triển bền vững

Nghĩ về những ngày đầu thành lập công ty, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, công ty đã xác định phải đặt lợi ích của khách hàng, xã hội vào lợi ích của doanh nghiệp. Nhờ có được những triết lý tương đồng với các giá trị phát triển bền vững cũng như chuyên nghiệp hoá công tác quản trị bằng việc nâng cấp các chỉ số mang tính định lượng, PNJ đã được ghi nhận và đánh giá cao trong hành trình phát triển bền vững nhiều năm qua.


Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ

Theo bà Dung, muốn doanh nghiệp phát triển bền vững, trước hết phải có một đội ngũ lãnh đạo kiên tâm để có thể vượt qua mọi sóng gió và kiên định với hành trình phát triển bền vững. Trong giai đoạn hiện nay, những nhà lãnh đạo kiên tâm sẽ đủ bản lĩnh để xem xét lại cấu trúc quản trị và nền tảng văn hoá.

“Cách đây một tuần có người hỏi tôi liệu đâu là nguy cơ trong thời kỳ Covid. Tôi thấy có hai cơ hội lớn nhất. Một là cơ hội nhìn lại chính mình, luôn đi vào bên trong, coi mình sẽ như thế nào với môi trường bên ngoài. Hai là rèn luyện tính kiên cường cho đội ngũ. Chúng tôi đã làm hai điều này để đi qua cơn bão Covid”, bà Dung cho biết.

Lãnh đạo PNJ đặc biệt coi trọng tầm quan trọng của văn hoá, cách tương tác với đội ngũ để vững từ bên trong nhằm đứng vững trước sự biến đổi khó lường của môi trường bên ngoài. Văn hoá doanh nghiệp chính là nền tảng của phát triển bền vững. Bà Dung nhấn mạnh, một đất nước phát triển bền vững khi có các doanh nghiệp phát triển bền vững.

Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam kiêm đồng chủ tịch VBCSD cũng nhìn nhận, mỗi cá nhân không thay đổi được thế giới nhưng có thể thay đổi chính bản thân mình, từ đó góp phần vì một thế giới tốt đẹp hơn.

“Lãnh đạo phải xắn tay vào làm chứ không phải giao cho cấp dưới và nghe báo cáo. Nếu phát triển bền vững thì các thành quả đem lại trong tương lai tốt hơn nhiều. Hành động quan trọng hơn lời nói, tập trung vào hành động, tạo ra các tấm gương”, ông Jacob nhận định.

Nestlé có uỷ ban về bền vững, nhóm họp hàng tháng để thảo luận, và có các nhóm công tác khác nhau để hướng đến phát triển bền vững. Công ty này cũng xác định, đồng hành cùng các bên liên quan và phát triển bền vững một cách toàn diện là chiến lược vượt qua khủng hoảng. Theo ông Jacob, khủng hoảng gây ảnh hưởng lợi nhuận nhưng không vì thế mà bằng mọi giá đạt lợi nhuận cao, khủng hoảng là thời gian để chia sẻ, không phải là lúc trục lợi.

Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, cũng tương tự như câu nói muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau, Nestlé tin rằng nếu chỉ tập trung vào kết quả lợi ích trước mắt thì khó đi xa, nhưng muốn vươn cao và xa thì phải tập trung phát triển bền vững.


Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam

Tuy nhiên, tiếp nối tinh thần của người lãnh đạo, đội ngũ nhân sự trong công ty cũng cần thấm nhần tinh thần phát triển bền vững của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những nhân sự mới vào công ty.

Ở PNJ, mỗi nhân sự mới sẽ có thời gian hội nhập, được huấn luyện và chia sẻ về các giá trị văn hoá, quy chuẩn; không chỉ giới thiệu một lần mà thông qua nhiều hoạt động khác nhau để thấm dần triết lý vào trong từng người lao động. Đặc biệt, sau thời gian thử việc đã được trải nghiệm cũng là lúc người lao động cảm nhận rõ có phù hợp với tổ chức hay không, để công ty xác định nhân sự đó có phù hợp với văn hoá tổ chức hay không.

Chia sẻ với TheLEADER, chủ tịch PNJ nói: “Văn hoá doanh nghiệp là nền tảng của sự phát triển bền vững. Nhưng lưu ý, văn hoá không bất biến mà được cập nhật theo sự lớn mạnh của công ty. Có những văn hoá nhiều năm trước không còn phù hợp, phải đào thải những tư duy cũ để cập nhật những tư duy mới. Mỗi lần xây dựng chiến lược hoạt động, PNJ đều phải xem lại văn hoá doanh nghiệp để xem có phù hợp với tình hình mới hay không”.

Trong thời gian tới, bà Dung cho rằng từ khoá dành cho các lãnh đạo doanh nghiệp sẽ là kiên định, kiên tâm để vượt qua thử thách, kiên tâm để thấy mình đang đứng đâu và làm được gì, để nhìn lại bên trong tổ chức và con người để kiên định và vững lập trường hơn trước những phong ba bão tố.

‘Đất nước phát triền bền vững phải có các doanh nghiệp phát triển bền vững’
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here