Đó là lời cảnh báo của bà Tô Hồng Trang – Đồng sáng lập Digiworld cho những doanh nghiệp Việt đang bị cuốn vào phong trào áp dụng công nghệ 4.0 một cách mù quáng.
Sau 2 năm bùng nổ cụm từ “cách mạng công nghiệp 4.0”, bây giờ, việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động kinh doanh gần như là việc bắt buộc phải làm với tất cả doanh nghiệp lớn – vừa – nhỏ – startup tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc gì cũng có mặt trái của nó, ngay cả phong trào tưởng như vô cùng “lành mạnh” này.
Theo nhiều chuyên gia trong ngành, hiện có không ít doanh nghiệp Việt đang khá bối rối, vì không biết áp dụng công nghệ vào các hoạt động của doanh nghiệp mình cụ thể như thế nào và có không ít trường hợp lại áp dụng “quá tay” tới 8.0, như ví von của Tô Hồng Trang – Đồng sáng lập Digiworld trong sự kiện Unlock yourself to reach further vừa tổ chức vào ngày 20/12.
“Chuyển đổi số đang thay đổi thế giới kinh doanh. Tuy nhiên, chuyển đổi số như thế nào còn phụ thuộc vào việc, doanh nghiệp của bạn thuộc kiểu truyền thống như Coopmart hay ra đời dựa trên nền tảng công nghệ như Lazada.
Bởi khi chuyển đổi số, cách của các doanh nghiệp truyền thống khác doanh nghiệp công nghệ, nếu bạn không tỉnh táo, nhảy ngay từ 0.4 đến 4.0, bạn có thể bị ‘gãy chân’, sẽ gặp rất nhiều gian khó và tốn rất nhiều tiền”, bà Tô Hồng Trang cảnh báo.
Chuyển đổi số đơn giản là làm sao quản lý vận hàng doanh nghiệp một cách khoa học thông qua nền tảng công nghệ; số hóa có thể bằng Exel, hệ thống ERP, các phần mềm – software, ứng dụng – app. Ví dụ, trước đây Coopmart quảng cáo chủ yếu bằng tờ rơi – offline, bây giờ họ còn sử dụng cả kênh online; họ cũng bắt đầu quản lý hàng tồn kho bằng phần mềm ERP, chỉ cần thông qua smartphone có thể biết còn bao nhiêu hàng tồn kho – số lượng từng chủng loại – thời gian…
Từ kinh nghiệm của mình, nhà đồng sáng lập Digiworld cho rằng, để có thể chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần chú ý những điều sau đây.
Chuyển đổi số là điều nên làm, nhưng nếu công ty bạn hoạt động vẫn chưa có quy trình hoặc các quy trình vẫn chưa được chuẩn hóa thì không nên làm, vì rõ ràng công ty bạn chưa xong 1.0 làm sao có thể lên ngay 4.0?!
Bà Trang lấy một ví dụ cụ thể: có công ty nọ phát triển rất nhanh, chỉ trong 5 năm, họ có 10.000 nhân viên, trong đó có 200 quản lý cấp trung như là cửa hàng trưởng; nhưng, công ty này vẫn chưa hề có bất cứ một quy trình làm việc chuẩn nào cho các quản lý cấp trung, để tất cả đều biết nhiệm vụ mỗi ngày – mỗi tháng – mỗi năm của mình là gì, một người làm một kiểu.
Thế nên, việc cấp bách của họ là phải xây dựng các quy chuẩn làm việc cho từng bộ phận – vị trí chứ không phải là chuyện chuyển đổi số. Khi chưa có nền tảng cơ bản như công ty này, nếu để yên có khi chỉ hỏng 1, còn số hóa có thể hỏng hết 200 nhân sự.
Tiếp theo, các doanh nghiệp nên số hóa cái gì và ưu tiên cái gì? Nếu doanh nghiệp về sản xuất thì nên ưu tiên số hóa ở các mảng liên quan đến sản xuất như quản lý nguyên liệu – kho hàng, tương tự nếu công ty chuyên về dịch vụ hay thương mại thì hãy số hóa trước những bộ phận liên quan trực tiếp đến ngành nghề chính của mình.
Bán lẻ đa kênh là một xu hướng, nhưng tuỳ tình hình từng doanh nghiệp mà đầu tư online nhiều hơn offline hay ngược lại. Do đang trong quá trình mở rộng quy mô thông qua số lượng cửa hàng, Pharmacity cần chú trọng phần offline hơn là online và để không bị rối thì nên có một đội chuyên làm online cũng như ngân sách riêng – tiêu hết thì thôi.
Thương mại điện tử là một cuộc chơi đốt tiền, đó có thể là lý do mà Thế Giới Di Động vừa đóng cửa Vuivui cách đây vài hôm, vì thế các doanh nghiệp truyền thống cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi tham gia “chiến trường” này.
Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ không nên “đua đòi” học theo các doanh nghiệp lớn, bởi nếu bạn đầu tư vào một hệ thống công nghệ quá hoành tráng sẽ vừa không cần thiết vừa tốn quá nhiều tiền, hãy “liệu cơm gắp mắm”. Không số hóa doanh nghiệp có thể diệt vong, nhưng nên làm từ từ, phải sống trước còn đẹp để sau!
Như Digiworld, dù đã áp dụng một hệ thống ERP hiện đại nhất thế giới cách đây rất lâu, song cho tới thời điểm này, họ vẫn chưa áp dụng ERP cho mảng nhân sự, vì thấy chưa cần thiết.
Cuối cùng, các chủ doanh nghiệp không nên quá chú trọng đến công nghệ 4.0 hay 5.0, mà hãy quan tâm đến việc áp dụng công nghệ cụ thể gì thì phù hợp với nguồn lực và tạo ra sự thay đổi cho công ty. Quan trọng nữa, các chủ doanh nghiệp hãy “nghe ít, làm nhiều”, vì làm mới tạo ra được kết quả. Nếu kết quả tốt, chúng ta tiếp tục phát huy, còn chưa tốt sẽ bắt đầu bằng cách khác.
“Vai trò của chủ doanh nghiệp hết sức quan trọng, vì chỉ khi họ hiểu đúng về công nghệ cũng như sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ vào thực tiễn sản xuất – kinh doanh thì các doanh nghiệp mới đi vào dòng chảy 4.0 một cách thông minh và không bị lạc lối”, bà Tô Hồng Trang nhắn nhủ.
Bà Trần Liên Phương – Giám đốc nghiên cứu của Insight Asia cũng rất đồng tình với những quan điểm trên của bà Tô Hồng Trang.
Với những gì đang diễn ra trong thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực digital marketing, không ít doanh nghiệp Việt Nam đang “lạm dụng” công nghệ, bà Trần Liên Phương nhận định.
Đầu tiên, tại Việt Nam, Google không còn là tên của một công cụ tìm kiếm trực tuyến mà trở thành một động từ. Khi ai hỏi bất cứ điều gì, thay vì động não suy nghĩ, một bộ phận lớn bạn trẻ sẽ trả lời ‘để em Google cái đã’. Thứ hai, khi chúng ta online, không ít lần chúng ta nhận những quảng cáo rất “vô duyên” do những người làm marketing vô tâm không hề quan tâm cảm nhận của người dùng, làm ra.
Thứ ba, nhiều người có khuynh hướng phán xét sự việc ngay sau khi thấy hình ảnh trên mạng xã hội như Facebook – Zalo mà không hề dừng lại cân nhắc – cảm nhận xem sự việc – con người đó như thế nào. Để hiểu được những khía cạnh liên quan đến con người, bạn nhất định phải đối thoại trực tiếp! Muốn hiểu khách hàng mục tiêu của mình, các doanh nghiệp phải tiếp xúc trực tiếp với họ, các kênh online hay các số liệu thu thập được trên mạng nên mang tính chất bổ trợ thay vì là yếu tố quyết định.
Thứ tư, các doanh nghiệp không nên thỏa mãn với những hành vi có sẵn của khách hàng qua các con số thu thập trên nhiều kênh khác nhau – big data, mà nên đào sâu vấn đề: vì sao khách hàng làm thế và từ big data đó mình cần làm gì để cải thiện doanh số cho công ty? Thế nên, người đọc dữ liệu cũng quan trọng không kèm gì dữ liệu.
Để không bị dòng chảy công nghệ nuốt chửng, các doanh nghiệp cần biết mình là ai, cần gì và luôn tỉnh táo khi ra quyết định!