Sự tranh chấp quyền lực, dẫn đến ly hôn, chia tài sản của vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo ở tập đoàn tư nhân kinh doanh cà phê lớn nhất nước quả là một điều xót xa, nhưng mang tính quy luật trong hoạt động quản trị doanh nghiệp.
Trong lịch sử doanh nghiệp Việt Nam, chưa có vụ ly hôn nào mà quá trình xét xử kéo dài và gây “bão” trong dư luận xã hội như cặp vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo ở tập đoàn cà phê Trung Nguyên.
Trên khắp các diễn đàn đã nổ ra tranh luận gay gắt giữa những “người ngoài cuộc”, kẻ bênh ông Vũ, người nghiêng về phía bà Thảo. Kết luận và kiến nghị phân chia tài sản cho hai bên của Viện Kiểm sát TP. HCM đã được thông tin rộng rãi và chiều nay 1/3/2019 Toà án TP. HCM sẽ tuyên ở phiên xét xử sơ thẩm.
Ở đây, chỉ nhận định việc ly hôn này với một góc nhìn khác, góc nhìn quản trị doanh nghiệp: Vì đâu nên nỗi?
Lệnh ông, cồng bà
Năm 2007, ông Đỗ Hoà (hiện là Giám đốc công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị), rời chức vụ Giám đốc Chiến lược và Marketing Châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Shell về thử sức làm CEO ở Trung Nguyên theo lời mời của ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Nhưng chỉ mấy tháng sau, ông Đỗ Hoà nộp đơn xin từ chức với lý do mà sau này ông thổ lộ trong một cuộc toạ đàm về công ty gia đình là “tôi rời Trung Nguyên vì không được thực hiện đúng chức năng của CEO và không có thực quyền.”
Thời điểm ông Hoà còn làm ở Trung Nguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo về mặt chức danh là Phó tổng giám đốc thường trực của công ty và là “cấp phó” của ông Đỗ Hoà vì ông Hoà là Tổng giám đốc. Nhưng mặt khác, bà Thảo nắm toàn bộ tài chính của công ty và là Phó chủ tịch Hội đồng quản trị nên là người có quyền ra lệnh cho ông Đỗ Hoà.
Không ít kiến nghị, chương trình của ông Hoà, kể cả ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch công ty, bị bà Thảo bác, không thực hiện được. Ví dụ, đầu năm 2008, ông L.N, xin thôi viêc. Ông L.N. là bạn thân của ông Đặng Mơ (đã qua đời), bố của Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông đã đồng cam cộng khổ với lãnh đạo Trung Nguyên từ thời kỳ đầu và cũng là người từ TP. HCM được phân công ra Hà Nội điều hành, có công lớn trong việc khai phá thị trường miền Bắc. Ông Đỗ Hoà làm văn bản kiến nghị thưởng 300 triệu đồng, ông Vũ bút phê nâng lên 500 triệu đồng. Văn bản này đến tay bà Thảo, bà bác, không chi.
Không chỉ ông Đỗ Hoà, giám đốc các bộ phận thuộc Trung Nguyên cũng hoang mang vì trên đầu có hai thủ trưởng bất đồng triền miên, nhiều người chỉ làm một thời gian ngắn rồi thôi việc. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tất nhiên là người “đau đầu” và cảm thấy khó xử nhiều nhất vì có những việc, những chương trình ông hứa với đối tác, bạn bè không thực hiện được. Có những lúc bất đồng cao điểm, hai người không nhìn mặt nhau, chỉ “bút đàm”: Hai người ghi ý kiến trên giấy giao thư ký chuyển qua, chuyển lại.
Về phía bà Thảo, là người điều hành công việc hàng ngày, đứng tên hầu hết tài khoản ngân hàng của Trung Nguyên, không phải bà hành động không có lý. Bà cảm thấy “xót” khi ông Vũ chi tiêu phóng tay, và thực hiện không ít thương vụ không thành công. Ông Vũ là người mê ô tô, lúc còn sinh viên nghèo mỗi tối ông thuê xe bồn chở nước lên đồi cao để tưới cây cà phê ở các trang trại lấy tiền công. Đến lúc trở thành “vua cà phê”, ông sắm dàn siêu xe hàng trăm tỉ, có chiếc chỉ chạy một hai lần rồi để trong kho cho bụi bám. Ông mê ngựa, nhưng là ngựa giống nước ngoài, nhập hàng chục con, tốn hàng triệu đô la, nuôi cả bầy ở trang trại M Đrắc. Và nhiều chuyện “phóng tay “ khác nữa…
Nên nhớ là Trung Nguyên khởi nghiệp từ cà phê nhưng không chỉ kinh doanh cà phê, trước đây kinh doanh nhiều thứ khác, nhưng thất bại, phải quay lại tập trung phát triển mặt hàng cà phê là giá trị cốt lõi của tập đoàn. Ông Vũ kinh doanh đất đai thì chỗ thắng chỗ thua, sản xuất kinh doanh trà ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) thua sạch, mở Trungnguyen International ở Singapore với tham vọng trở thành chợ đầu mối xuất cà phê và nông sản Việt Nam ra toàn thế giới tốn hàng triệu đô la nhưng không thành công.
Vũ còn nghe theo gợi ý của một doanh nhân nổi tiếng mở hệ thống G7 Mart “cải hóa” tiểu thương bán bách hóa trên đường phố thành hệ thống cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven nhưng cuối cùng thất bại hoàn toàn, phải giải tán.
Tất nhiên, trong kinh doanh, thắng thua trong các thương vụ là chuyện bình thường, nhưng sở dĩ nhắc lại vì đây là một trong những nguyên nhân gây ra bất đồng, căng thẳng trong điều hành tập đoàn của hai vợ chồng Vũ – Thảo.
“Phân vai” không rõ
Trả lời báo chí và viết trên trang Facebook cá nhân, bà Lê Hoàng Diệp Thảo hay nhấn mạnh ông Vũ đã biến đổi tính cách trong điều hành doanh nghiệp và cư xử với bà và các con từ khi ông “thiền nhịn ăn” 49 ngày và tu luyện mấy năm trên trang trại M’Đrắc. Điều này đúng một phần, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Đúng một phần ở chỗ nhiều người trực tiếp tiếp xúc với ông, nói chuyện với ông mười mấy năm trở lại đây cảm thấy ông “hoang tưởng” và “vĩ cuồng”. Chuyện ông nhịn ăn 49 ngày là chuyện sau này. Ông Vũ theo một thứ chủ nghĩa mà triết học Hy Lạp gọi là chủ nghĩa bái vật, linh thiêng hóa, thần thánh hóa một loại vật chất nào đó.
Có một thời gian khi văn phòng Trung Nguyên ở đường Hồ Văn Huê, TP. HCM, ông Vũ lập bàn thờ hạt cà phê ở sảnh công ty buộc nhân viên ra vào phải cung kính. Khẩu hiệu quảng bá cà phê Trung Nguyên luôn đi kèm những chữ như “đổi đời”, “huyền thoại”. Ông muốn cà phê – một thức uống thông thường – trở thành đạo cà phê, muốn biến Buôn Ma Thuột thành “thánh địa” cà phê. Lãnh đạo Starbucks có doanh số cao hơn hàng trăm lần cũng không dám nghĩ tới đạo cà phê như ông Vũ. Và năm ngoái, ông xuống núi sau khi đã “thông linh”, ông xưng “qua” với mọi người chỉ muốn nói những điều “thiện lành”.
Mặc dù tâm trí ông Vũ khác thường như vậy nhưng bộ máy công ty do ông lãnh đạo vẫn vận hành tốt và có lợi nhuận. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra việc tập đoàn bị cắt ra, cặp đôi quyền lực tranh chấp liên tục quyền điều hành, dẫn đến ly hôn, chia tài sản thuộc về công tácquản trị doanh nghiệp. Cho đến ngày 25/2/2019 vừa qua, trước tòa, ông Đặng Lê Nguyên Vũ còn tỏ ra hậm hực chuyện mà rất nhiều năm qua, theo ông, ông bị lấn quyền. Ông nói đi nói lại “vợ chồng phải rõ ràng, chồng phải ở trên, vợ phải ở dưới”. Ông còn nói bà Thảo bị “ma lực” dẫn dắt, chỉ biết tiền và quyền.
Trung Nguyên là một gia đình nhỏ, nhưng kinh doanh lớn, không phức tạp bằng những doanh nghiệp cha mẹ, con cái, dâu rể cùng làm việc trong một doanh nghiệp. Cặp đôi quyền lực này “phân vai” không rõ và không chuyên nghiệp hóa hoạt động quản trị. Chủ tịch tập đoàn kiêm Tổng giám đốc chịu trách nhiệm gì? Giải quyết những công việc gì, quy mô công việc tới đâu, trách nhiệm ra sao? Bà Phó chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc cũng vậy. Định mức chi tiêu, giải ngân cũng phải quy định và xác định rõ trách nhiệm trong từng thành viên ban lãnh đạo, tránh kiểu “lệnh ông, cồng bà”.
Phải có quy tắc ứng xử để tránh xử lý công việc theo cảm xúc, và chèn lấn quyền lực. Vợ chồng có lợi thế hơn người ngoài tham gia lãnh đạo doanh nghiệp vì có quan hệ tình cảm, có trách nhiệm với con cái, dễ bàn bạc giải quyết những bất đồng trong kinh doanh. Đối đáp nhau trước tòa , mọi người thấy ông Vũ, bà Thảo đều có cá tính mạnh. Nhưng quản trị là một khoa học vận hành theo những quy tắc để đạt đến hiệu quả, không “phục vụ” cá tính của người nào. Ở Mỹ và Nhật, có những doanh nghiệp có nhiều người thân, ban lãnh đạo phải lập bộ quy tắc ứng xử như cẩm nang mà mọi người phải tuân thủ.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp gia đình chiếm 25% GDP, giữ vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế đất nước. Nhiều doanh nghiệp mà cặp vợ chồng song hành với nhau khi khởi nghiệp, sau đó phát triển lên quy mô tập đoàn, cùng tham gia điều hành tập đoàn nhưng vẫn “cơm lành canh ngọt” nhờ biết cách ứng xử và phân công trách nhiệm trong điều hành.
Sự tranh chấp quyền lực, dẫn đến ly hôn, chia tài sản của vợ chồng Vũ – Thảo ở Trung Nguyên, một tập đoàn tư nhân kinh doanh cà phê lớn nhất nước quả là một điều xót xa, nhưng mang tính quy luật trong hoạt động quản trị doanh nghiệp.