Có nhiều người lương khá cao, thu nhập từ nhiều nguồn nhưng mỗi tháng không bỏ ra được đồng nào tiết kiệm. Nhưng cũng có những người lương thấp hơn, thu nhập ít ỏi nhưng họ lại để ra được số tiền tiết kiệm đáng khâm phục.
Như thế, điều quan trọng nhất ở đây không phải là lương bạn kiếm được bao nhiêu mà chính là cách bạn kiểm soát, chi tiêu hợp lý để tiết kiệm được khoản dư mỗi tháng.
Dưới đây là nguyên nhân khiến bạn đi làm mãi mà vẫn nghèo “rớt mùng tơi”:
1. Không lập kế hoạch chi tiêu
Chi tiêu vô độ, không tính toán, không có kế hoạch chi tiêu là yếu tố hàng đầu khiến bạn “méo mặt” mỗi khi cuối tháng. Do đó việc cần làm là phải tạo thói quen lập kế hoạch chi tiêu. Nếu có ngân sách chi tiêu, bạn sẽ biết chắc chắn tiền của mình đi về đâu, chính đáng hay là lãng phí, chi tiêu những khoản có cần thiết không.
Lấy mốc đầu tháng hoặc khi nhận lương, bạn cần vạch ra các khoản chi tiêu trong tháng, những khoản bắt buộc và những khoản chi tiêu khác có thể loại bỏ hoặc cắt giảm. Sau đó, chỉ cần thực hiện theo kế hoạch một cách nghiêm túc thì bạn sẽ có thể thành công.
2. Chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm được
Đây là lỗi mà khá nhiều người mắc phải. Bạn kiếm được nhiều tiền mỗi tháng nhưng bạn chi tiêu cũng tương xứng với nó thì bảo sao bạn có thể tiết kiệm được?
Việc không có kế hoạch chi tiêu cùng với tính cách bốc đồng, bạn sẽ sẵn sàng chi những khoản tiền cho những hàng hóa mình thích hoặc đồ Sale off hấp dẫn cho dù thực tế không cần dùng đến chúng. Hoặc bạn sẵn sàng chi trả cho một chuyến du lịch bất ngờ không có kế hoạch trước để rồi cuối cùng, số tiền đã tiêu còn âm vào cả tiền đang có, lại chờ tiền lương về bù vào…
Thay vì xem khoản thu nhập tăng thêm bạn kiếm được như là một lý do để mạnh tay chi tiêu, hãy cố gắng dùng số tiền đó để đầu tư hoặc tiết kiệm.
3. Không có tài khoản dự phòng
Bạn chỉ có lương mỗi tháng và ngoài ra không có thêm bất cứ khoản nào khác. Tháng nào chi tiêu hết tháng đó, lại chờ mấy đồng lương tháng tiếp theo. Nguyên nhân của sự nghèo túng này là do bạn không có một tài khoản dự phòng. Số tiền dự trữ nên có là bằng 6 tháng thu nhập của bạn hoặc chí ít cũng phải 3 tháng trở lên.
Nếu như không thể để ra một khoản dự trữ như vậy, khi cần đến tiền, bạn chắc chắn sẽ phải chạy đôn đáo để vạy mượn và rơi vào cảnh nợ nần. Nợ nần chồng chất là một trong những nguyên nhân khiến bạn khó giàu lên, nhưng bạn lại không nhận ra điều này.
Do đó ngay từ bây giờ mỗi tháng hãy để tiết kiệm ra 50% số tiền lương, nếu không thể thì có thể bắt đầu từ 20% để có 1 khoản dự phòng cho bản thân. Dần dần số tiền tăng lên thì bạn sẽ giàu có hơn.
4. Bạn đang… trên mây
Trên mây nghĩa là bạn luôn trông chờ một điều gì đó kì diệu hoặc một người tốt bụng nào đó sẽ xuất hiện và giúp bạn trở nên giàu có một cách vô điều kiện, ví dụ như cho bạn thừa hưởng số tài sản thừa kế từ một người họ hàng (rất) xa giàu nứt đố đổ vách, được tăng lương với một mức khủng…
Đó chỉ là viễn cảnh trong phim mà thôi, hãy trở lại thực tế khốc liệt này. Thực tế, chẳng có ai giúp được bạn ngoài chính bản thân bạn.
Vì vậy, hãy tỉnh ra ngay từ bây giờ và học cách quản lý cuộc sống, tiền bạc cũng như kiểm soát chuyện chi tiêu, tiết kiệm của mình.