Một thế hệ doanh nhân thực sự vì xã hội, nghĩ cho đường dài của cả một cộng đồng, thông qua việc nghĩ cho đường dài của từng con người xung quanh họ, giờ đây đang tạo ra một nguồn năng lượng mới: năng lượng của tình thương.
Nghĩ dài nên làm từng bước nhỏ
Tháng 6 năm 2016, khi tìm nhà đồng hành để cùng triển khai chương trình “Bật nút công dân toàn cầu” do tác giả Nguyễn Phi Vân làm diễn giả, một chương trình có mục tiêu tạo ra nhận thức mới và đúng về bức tranh kinh tế – đời sống của thế giới, về tư duy công dân toàn cầu, để giúp các bạn sinh viên, học sinh có sự chuẩn bị những hành trang cần thiết cho hội nhập quốc tế, ngay cả chính trên quê hương mình, tôi trao đổi thông tin với một đơn vị của ngành viễn thông.
Thú thật, xưa nay chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm thực hiện hoạt động cộng đồng theo phương thức này, nên tôi cũng chưa biết sẽ thuyết phục các anh chị lãnh đạo doanh nghiệp tham gia như thế nào. Từ ý tưởng và mô hình ban đầu, để đi đến triển khai trên diện rộng (30 trường đại học – cao đẳng – trung học cơ sở, tiếp cận 15.000 – 30.000 sinh viên, học sinh) trong vòng ba tháng là một con số đầy thách thức.
Cuộc trao đổi, bàn bạc, làm việc chặt chẽ giữa hai bên kéo dài hơn 2 tháng, chương trình được triển khai chính thức vào đầu tháng 9/2016. Sau ba tháng ròng rã đi qua các tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…, chuỗi chương trình “Bật nút công dân toàn cầu” đã tiếp cận và truyền cảm hứng cho hơn 15.000 sinh viên, học sinh trong 30 trường đại học, cao đẳng, trung cấp tại Đồng bằng sông Cửu Long, thổi vào các em một luồng tư duy mới.
Như nhận xét của Tiến sĩ – bác sĩ Trần Hùng Vĩ, Phó giám đốc thường trực Sở Y Tế Tiền Giang, Hiệu trưởng trường Cao Đẳng Y tế Tiền Giang: Chương trình đã giúp các em học sinh đồng bằng sông Cửu Long có thêm tư duy mới về hội nhập, góp phần xóa đi “độ ì” của các em trong khu vực này, để kịp cho quá trình hội nhập quốc tế.
Ngay trong bản thân nhà trường cũng có chủ trương đào tạo cho các em để sang Nhật làm việc khi ra trường, nhưng sự hưởng ứng của các em với chương trình còn rất chậm chạp, hờ hững. Mong rằng những chia sẻ bổ ích từ diễn giả sẽ giúp các em mở rộng tầm nhìn, chủ động chuẩn bị kỹ năng và vươn ra thế giới”.
Nhà đồng hành của chương trình, lúc này đã trở thành đơn vị đồng tổ chức của chương trình, chia sẻ rằng: Chưa có một chương trình nào mà chạm vào trái tim người nghe đến như vậy. Sau này, các bạn báo chí đùa với chúng tôi rằng, nên chuyển tên chương trình thành “Bật khóc” công dân toàn cầu, vì ở chương trình nào cũng có ai đó rơi nước mắt. Những nỗi lòng đã ở đâu đó, nén chặt quá lâu cho tới khi có ai đó đến để ôm vào, thổ lộ ra.
Khép lại một chặng đường nhiều cảm xúc với hàng trăm tin nhắn của các em sinh viên và các thầy cô giáo gửi về cho diễn giả và ban tổ chức chương trình, khép lại một chặng đường với hàng ngàn cái ôm ấm áp tình người và những giọt nước mắt, những nụ cười, những chia sẻ rút từ trong gan ruột, có thể nói, những người tổ chức như chúng tôi đã nhận lại rất nhiều. Đó chính là năng lượng của một cộng đồng đang dịch chuyển, đó là sự dịch chuyển của tư duy và tuổi trẻ, đó là sự dịch chuyển và lớn lên của tình thương. Đó là bức tranh khác, một niềm hy vọng khác.
Giọt nước mắt của Đ
Sau chương trình, facebook của diễn giả Nguyễn Phi Vân, trở thành nơi các em chia sẻ, gửi gắm, từ chuyện học hành cho tới chuyện… cha mẹ em bỏ nhau. Tròn hai năm sau ngày diễn ra chương trình tổng kết, các thành viên đã tham gia chương trình khi ấy vẫn nối kết với nhóm, và những em sinh viên vẫn tương tác đều đặn với diễn giả. Đ, em sinh viên tôi gặp lại sau hai năm tại Sài Gòn trong sự ngạc nhiên, em nói giờ là sinh viên năm nhất của hai trường, Sân khấu Điện ảnh và Nhạc viện TP. HCM, chị ơi! Từ hồi gặp chị và chị Phi Vân, em cuối cùng đã tới đây. Nước mắt em lăn nhoè.
Đ là một trong những độc giả trẻ đầu tiên của “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, ở Cần Thơ. Cậu được bạn mách cho cuốn sách. Cậu đọc xong rồi, mua vé đi Singapore. Rồi cậu viết tâm thư cho tác giả, kể nỗi lòng của cậu. Cậu được gia đình định hướng cho học Y. Cậu học xong ngành Y và trở thành ông thầy dạy đàn ghita. Cậu đọc sách của chị Phi Vân mà cảm thấy biết ơn chị. Ngày diễn ra chương trình “Bật nút công dân toàn cầu” ở Đại học Cần Thơ, chị Phi Vân mời cậu tới. Cậu trên sân khấu, chơi đàn. Ở dưới này, nước mắt tôi lặng lẽ chảy.
Cậu đã theo chúng tôi trong nhiều chương trình của chuỗi 30 chương trình ở miền Tây. Những đêm mấy chị em ngồi chơi sau chương trình, cậu nói về ước mơ và dự tính của cậu cho trẻ em ở Cần Thơ, chúng tôi vui nhiều! Cậu nói ngày nào đó em muốn lên Sài Gòn học Nhạc viện TP, em muốn học Sân Khấu Điện Ảnh nữa. Em muốn ra thế giới bằng trái tim của mình.
Và giờ Đ ở đây, Sài Gòn, làm điều đó. Cậu nói trước khi gặp các chị, em sợ là em sẽ sợ em làm không được. Còn giờ thì em vẫn sợ nhưng em cứ làm. Em làm! Từ sau Bật nút công dân toàn cầu, em sống cuộc đời khác.
Giờ cậu học hai ngành, rồi học tiếng Anh, và học MOOC của một trường đại học thuộc Hoàng gia Anh, về âm nhạc. Cậu nói em học để trở thành người anh hướng dẫn tốt cho mấy bạn nhỏ ở Cần Thơ, mục tiêu đơn giản là kéo gần lại khoảng cách giữa Cần Thơ và Sài Gòn cho các em thôi, chị à! Nếu không có sự đồng hành của doanh nghiệp viễn thông ấy vào ngày ấy, sẽ không có những em sinh viên như Đ. Sẽ không có những bạn trẻ như Đ.
Đâu chỉ tặng sách, mà tặng họ tình thương
Chị là phó tổng giám đốc của một ngân hàng nhà nước. Mỗi dịp lễ tết, chị đều đặt hàng chúng tôi một hay vài cuốn sách để tặng cho khách hàng. Những cuốn sách chị tặng đều gửi gắm tâm tư tình cảm của chị vào đó, từ sách về tầm nhìn quản trị cho lãnh đạo, hay sách về nuôi dưỡng tình thương giữa mình với chính mình, giữa mình và người khác.
Chị tổ chức những khóa thiền cho cán bộ, công nhân viên, khách hàng, đối tác của mình. Nhiều người cho tôi hay, họ lớn lên, trưởng thành và thay đổi rất nhiều từ những cuốn sách của chị. Không phải không có những người thờ ơ, nhưng cái hạt chị gieo trong không gian kinh doanh của mình, đã thấm và nảy rất sâu trong lòng những người ấy. Ngày chị về hưu, rất nhiều anh em xúc động nói rằng, những gì chị đã để lại giờ đây thành một niềm tự hào của họ, một tài sản tình thương.
Doanh thu tốt hơn, lợi nhuận tốt hơn, kết nối với khách hàng, đối tác chặt chẽ hơn, tất cả phần thưởng này là kết quả của nỗ lực phát triển LQ (chỉ số tình thương) trong cộng đồng. Cùng nhìn về bức tranh rộng và dài, để thấy giá trị của những cánh én chấp chới chao liệng hôm nay, là một báo hiệu của mùa xuân kế tiếp: mùa của những tình thương được hun giữ, trao truyền.
Click vào đây để xem toàn bộ Đặc San Dấu ấn & Khát vọng