Đạo đức doanh nhân thật sự tạo nên phẩm giá và danh dự của doanh nghiệp thông qua trách nhiệm và bổn phận đưa đến tay người tiêu dùng mỗi sản phẩm là mỗi sự hoàn hảo chất lượng
Thành ngữ có câu: Phi thương bất phú. Nhưng bia miệng người đời cũng nói: Gian thương bất nhân. Dân gian nói như vậy với hàm ý khinh miệt các hành vi phi đạo đức của một thiểu số người trong giới phú thương.
Việt Nam, từ lúc đổi mới hội nhập, giới doanh nghiệp – doanh nhân được thoát khỏi địa vị cấp thấp trong nền kinh tế bao cấp, và đã trở thành tầng lớp được nể trọng trong nền kinh tế thị trường.
Theo quy luật thị trường và đời sống của giới được gọi chung là doanh nhân thì đương nhiên sẽ hình thành đồng thời doanh nhân tốt và doanh nhân không tốt. Từ đó dư luận xã hội mở ra vần đề hệ trọng là đạo đức doanh nhân trong kinh doanh.
Nhưng nếu là người tường tận sẽ nhìn thấy việc dư luận xã hội Việt Nam kêu gọi đề cao đạo đức kinh doanh quá chung chung, dễ lầm lẫn hoặc đánh đồng với đạo đức cá nhân, sẽ sai biệt hơn nữa khi cho đạo đức cá nhân của người kinh doanh bao gồm toàn thể chuẩn mực đạo đức luân lý của doanh gia.
Thí dụ như trước đây có những buổi phát động quyên góp từ thiện, một hay vài doanh nhân đứng lên hứa hẹn đóng góp một khoảng tiền tài nào đó để họ được nhận sự tung hô, ghi hình lên sóng báo đài đánh bóng tên tuổi… rồi sau đó làm lơ, thậm chí xù… Việc làm tệ hại đó thuộc về chuyện mất tư cách đạo đức của cá nhân. Tất nhiên cũng có phần nào ảnh hưởng đến công việc kinh doanh và mua bán, nhưng không thuộc về phạm trù đạo đức của việc kinh doanh hay của giới kinh doanh.
Cũng như vậy, đạo đức của doanh nhân, giới doanh nhân không đơn giản là anh bỏ ra bao nhiêu tiền để làm từ thiện, làm chuyện lợi ích cho cộng đồng thì tự phong hay được tôn vinh là doanh nhân, doanh nghiệp có đạo đức tốt, tuyệt vời; bởi không ít trường hợp đồng tiền đó là lợi nhuận từ việc kinh doanh gian dối, bất chấp luật pháp thì khác gì hành vi rửa tiền của các tập đoàn tội phạm. Vậy nên tuy trân trọng các doanh nhân chân chính vì lợi ích cộng đồng mà làm mạnh thường quân, điều đó vẫn phải nhìn nhận thuộc về đạo đức cá nhân.
Đâu là đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và doanh nhân? Thật cụ thể, đạo đức kinh doanh thuộc về ý thức trách nhiệm tuân thủ nguyên tắc: Luôn sản xuất ra hàng hóa và dịch vụ với chất lượng an toàn nhất cho người, cho môi trường, phẩm lượng tốt nhất để phục vụ người tiêu dùng mà từ đó thu về lợi nhuận trong sạch nhất.
Ngày nay, hầu hết người Việt và thế giới đều biết đến chất lượng tối ưu của hàng hóa Nhật. Với các doanh nhân Nhật, từ những năm sau chiến tranh thế giới thứ 2, để phục hồi kinh tế và chinh phục thế giới trong hòa bình, người Nhật đề cao danh dự quốc gia qua từng sản phầm Made in Japan xuất ra toàn cầu.
Trong phạm vi giới doanh nghiệp, doanh gia khi họ lấy chất lượng sản phẩm làm danh dự thì đồng nghĩa giá trị cốt lõi của đạo đức doanh nhân nằm trong từng chất lượng sản phẩm hoàn hảo, tạo ra danh dự phẩm giá của từng doanh nhân, doanh nghiệp. Không đặt danh dự đạo đức trong chất lượng từng sản phẩm thì mọi hình thức quảng cáo, mua chuộc, đánh bóng trang điểm đều vô nghĩa và có khi còn tự lộ mặt gian thương khi dư luận phát hiện hoặc luật pháp kiểm tra.
Thời Việt Nam hội nhập kinh tế toàn cầu và các chính sách khuyến khích khởi nghiệp, thì không thể tuyên truyền, giáo dục mãi việc các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác, tự nguyện đề cao thực hành đạo đức, bởi ai cũng biết nếu điều khoản trong luật pháp không hướng tới sự nghiêm khắc về sự tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia thì đó là kẻ hở đầy lợi nhuận cho giới gian thương.
Về phía dư luận xã hội, người tiêu dùng càng không thể van xin các gian thương là: các ông làm ơn đừng làm hàng dỏm lừa gạt, làm hại chúng tôi, mà đơn giản người tiêu dùng phải thực hiện quyền của Thượng Đế tẩy chay thương hiệu, doanh nghiệp hoặc căn cứ trên pháp luật mà khởi kiện đòi bồi thường.
Nhà sáng lập của hãng xe đạp điện nổi tiếng, người Nhật, Bridgeston Shojiro Ishibashi đã từng phát biểu: “Hoạt động kinh doanh không chỉ nhằm mục đích sinh lợi nhuận, mà quan trọng nhất là sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu xã hội và gắn liền với các hoạt động vì con người, môi trường…”
Nói rộng thêm, doanh nghiệp, doanh nhân có mục đích lớn nhất là tìm kiếm trong từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của họ lợi nhuận sống còn. Thế nên chất lượng từng món hàng cũng là tiêu chí quan trọng hàng đầu để phân biệt đâu là doanh nhân chân chính đâu là gian thương.
Như vậy, các giá trị về đạo đức doanh nghiệp, doanh nhân không còn xét chung chung như xưa, kiểu xét như doanh nhân đạo đức phải là người không được phép đến các tửu lầu hay sòng bạc…; thậm chí xét đạo đức doanh nhân theo tiêu chuẩn đó có khi còn vi phạm quyền tự do cá nhân. Đạo đức doanh nhân thật sự tạo nên phẩm giá và danh dự của doanh nghiệp thông qua trách nhiệm và bổn phận đưa đến tay người tiêu dùng mỗi sản phẩm là mỗi sự hoàn hảo chất lượng.
(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả – Nhà văn Trần Tiến Dũng