Chắc chắn mỗi chúng ta ai cũng đều ít nhất mắc 1 trong những sai lầm khi thuyết trình dưới đây. Không ai sinh ra đã là một diễn giả tài giỏi, đấy luôn là kết quả của sự rèn luyện mà bước đầu tiên là biết được những sai lầm để mà tránh.
1. Thiếu chuẩn bị kỹ càng
Đây là lỗi cơ bản hầu như ai cũng mắc. Bạn cho rằng diễn thuyết chỉ cần nói những ý chính gạch đầu dòng, những điều qua loa, không cần hiểu kỹ, nếu không nhớ đã có slide hỗ trợ, nếu có người phản hồi sẽ “tùy cơ ứng biến”… Tuy nhiên đó là suy nghĩ chủ quan và sai lầm.
Trước khi thuyết trình bạn phải phân tích trước để biết đối tượng người nghe là ai, đang muốn gì để có sự chuẩn bị nội dung cũng như hình ảnh minh họa phù hợp.
Sau khi hoàn thành nội dung và slide phải có sự đọc lại, biên tập lại nội dung, bổ sung hình ảnh minh họa và dành thời gian nhẩm lại bài nói, ôn tới ôn lui cho nhuần nhuyễn. Có như vậy bạn mới tự tin hơn, nhớ lâu hơn và không bị ấp úng khi nói trước đám đông.
2. Thiếu một thông điệp rõ ràng
Rất nhiều người thuyết trình với hàng chục trang bản thảo, hàng chục slide nhưng cuối cùng vẫn mơ hồ về 1 thông điệp rõ ràng muốn gửi gắm, cuối cùng muốn nói về nội dung gì, có mục đích gì…
Không nắm rõ được thông điệp cốt lõi mình muốn nêu bật qua nội dung bài thuyết trình thì bạn không bao giờ có thể thuyết trình được mê say cũng như truyền đạt được nó đến người nghe thấu hiểu và cảm nhận.
3. Lạm dụng slide PowerPoint
Nhiều người coi thuyết trình là việc đọc lại các slide PowerPoint đã được “nhồi” vô số chữ nghĩa, hình ảnh vào đó. Và việc duy nhất khi đứng trước đám đông là đọc lại những slide đó. Điều đó rất tệ hại vì cho thấy bạn chẳng hiểu gì nội dung cả mà chỉ đọc như con vẹt từ những gì hiển thị.
Tốt nhất nên trình bày PowerPoint sáng sủa, ngắn gọn và ít chữ, có hình minh họa sinh động, còn lại những lời diễn giải là bạn tự hiểu và nói ra.
4. Thiếu cảm xúc, nhiệt huyết
Phải thực sự yêu mến chủ đề mình nói, phải dồn mọi cảm xúc, phải thổi ngọn lửa nhiệt tình vào những gì bạn muốn chia sẻ thì bài nói của bạn mới có cảm xúc, lòng nhiệt huyết.
Nếu thiếu cảm xúc, sự say mê và nhiệt huyết thì tất cả những gì bạn nói chỉ như cơm nguội đều đều, như 1 bài học thuộc lòng từ sách mà thôi. Khán giả sẽ chán mà bỏ đi khi bạn chưa kịp trình bày hết các slide.
Vì thế hãy nói bằng tất cả say mê và hứng thú của mình, những cảm xúc ấy sẽ giúp bạn “che đậy” được những gì còn vụng về trong kỹ năng thuyết trình của mình.

5. Lẩn tránh ánh mắt của khán giả, thiếu tương tác
Thuyết trình phải tự tin, lôi cuốn nhưng bạn lại tỏ cho mọi người thấy mình không tự tin, không bản lĩnh và còn run sợ khi lẩn tránh ánh mắt của khán giả.
Và cũng vì sự thiếu tự tin mà bạn thiếu tương tác với khán giả, không nhìn thẳng vào mắt người nghe, không có những hoạt động khuấy động không khí, truyền nhiệt huyết tới mọi người. Bài diễn thuyết vì thế sẽ không lôi cuốn, hấp dẫn, không đọng lại gì trong đầu người tham gia.
6. Lỗi trang phục, ăn mặc luộm thuộm
Một lỗi thường mắc nữa khi nói trước đám đông là lỗi trang phục, ăn mặc luộm thuộm. Trang phục khá quan trọng, nó giúp bạn tỏa sáng, tự tin hơn trước mọi người nhưng nếu bạn ăn mặc không phù hợp, không đứng đắn thì sự cảm mến bước đầu của người khác dành cho bạn là không còn. Ấn tượng ban đầu không tốt thì nội dung sau bạn nói cũng khó đi vào tai người nghe.
7. Kết thúc bài nói nhạt nhẽo
Có thể bạn dành tâm huyết cho bài nói của mình nhưng nếu kết thúc không tương xứng, chưng hửng sẽ làm người nghe hẫng hụt. Hoặc bạn kết thúc bài diễn thuyết bằng câu nói đơn giản, nhạt nhẽo thì vô hình sẽ làm cho người khác thấy mọi nội dung trước đó cũng trở nên không quan trọng.
Do đó hãy tìm cách kết thúc thú vị, bất ngờ, vui vẻ để ai cũng có ấn tượng tốt về bài diễn thuyết của bạn.