Gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) là hình thức gọi đầu tư mới mẻ ở Việt Nam. Được đánh giá là cách làm thông minh, hiệu quả nhưng liệu crowdfunding có dành cho tất cả?
Khái niệm
Nói một cách ngắn gọn, gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) là một phương pháp gọi vốn cho doanh nghiệp bằng cách tập hợp những khoản vốn đầu tư nhỏ của các cá nhân, thường thông qua mạng xã hội và các nền tảng riêng về gọi vốn.
Phương pháp này làm tăng năng lực kinh doanh bằng cách mở rộng số lượng nhà đầu tư, vượt qua phạm vi truyền thống chỉ gồm các nhà sáng lập và nhà đầu tư mạo hiểm. Nó cho phép các công ty khởi nghiệp có tiền mà không phải chia sẻ quyền kiểm soát cho bên đầu tư.
Hầu hết các nền tảng gọi vốn cộng đồng đều đặt ra giới hạn về đối tượng nhà đầu tư và số tiền họ được phép đóng góp; nhằm bảo vệ các nhà đầu tư không hiểu biết sâu hoặc không dư dả mà đặt quá nhiều tiền vào rủi ro. Bởi trong thế giới khởi nghiệp, chuyện thành công vốn được coi là hiếm hoi.
Nhiều dự án gây quĩ cộng đồng có cơ chế “trả lãi” bằng phần thưởng, các nhà đầu tư có thể được tham gia vào quá trình ra mắt một sản phẩm mới hoặc nhận một món quà, có thể chính là sản phẩm mà họ đã đầu tư vào.
Ví dụ như trò chơi điện tử – dự án đầu tư gây quĩ cộng đồng phổ biến cho các game thủ, các nhà đầu tư thường nhận được các bản sao sớm của trò chơi như một phần thưởng.
Một trong những điểm cộng lớn khác của crowdfunding là mức huy động vốn trên một nhà đầu tư nhỏ nên họ có sự chấp nhận rủi ro nhất định. Nếu “mất trắng” cũng có thể coi như đóng góp cho cộng đồng, từ đó giảm bớt áp lực cho các startup.
Crowdfunding dành cho ai?
Tại một toạ đàm online thuộc khuôn khổ Blue Venture Award, các chuyên gia và thủ lĩnh startup đã chia sẻ nhiều ý kiến chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tế xoay quanh việc gọi vốn cộng đồng.
Chị Trịnh Khánh Hạ – Cofounder Vulcan Augmetics, Quán quân giải thưởng Doanh nhân Cộng đồng – Blue Venture Award 2018 khẳng định, đây là cách làm thông minh, hiệu quả, đặc biệt là với những startup đang có sản phẩm hữu hình, trong giai đoạn cuối của R&D (nghiên cứu và phát triển) sản phẩm; cần nguồn vốn nhất định để tiến đến sản xuất đại trà mà không phải gọi vốn từ nhà đầu tư hay quỹ lớn.
Tuy nhiên chị Hạ lưu ý, hình thức crowdfunding chỉ đạt hiệu quả cao nhất đối với những sản phẩm có tệp khách hàng rất lớn, đa số người tiêu dùng có thể tiếp cận đến. Lý tưởng hơn là đối tượng khách hàng của sản phẩm trải rộng trên toàn cầu. Bởi concept về gọi vống cộng đồng ở Việt Nam chưa thật phát triển so với các cường quốc tại châu Âu hay Mỹ. Do vậy, tỉ lệ người Việt tham gia vào các mạng lưới đầu tư còn chưa nhiều. Việc hướng đến người dùng toàn thế giới sẽ tăng khả năng gọi vốn cộng đồng thành công cho starutp.
Shark Phạm Thanh Hưng cũng cho rằng, sản phẩm dễ hiểu, có lượng khách hàng lớn là rất lý tưởng, dễ dàng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Ông chia sẻ, bản thân mình cũng đã đầu tư vào những nền tảng crowdfunding thông qua nhiều sản phẩm thú vị.
Shark Hưng chia sẻ “khẩu vị” của mình: “Tôi thường đánh giá cao những ý tưởng khởi nghiệp huy động được sự đóng góp của cộng đồng trong việc tạo ra sản phẩm, đặc biệt là có thể chạm tới những bộ phận yếu thế trong xã hội, thiếu điều kiện phát triển. Họ có thể là đối tượng tạo giá trị của sản phẩm, hoặc được sử dụng như một nguồn lao động. Bên cạnh đó là độ dễ hiểu và tính khả thi của sản phẩm”.
Để crowdfund thành công
Để gọi vốn thành công, ngoài yếu tố tiên quyết là sản phẩm khả thi, tạo được giá trị cho xã hội thì các startup cần lưu ý thêm những điều sau đây:
1. Chọn nền tảng đáng tin cậy
Phía các chuyên gia khẳng định, khâu tuyển chọn nền tảng để huy động vốn là rất quan trọng. Tại những sân chơi uy tín như Indiegogo, để giữ gìn “độ tín”, các dự án thường được thẩm định kỹ lưỡng trước khi được xét duyệt. Chính quá trình này đã cung cấp cho các startup một loại “tem đảm bảo”, bước đầu dễ dàng chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư.
2. Đầu tư vào marketing
Từ chính những thất bại của mình trong quá khứ, thủ lĩnh Vulcan Augmetics khuyên các startup cần đầu tư vào marketing một cách bài bản ngay từ đầu. Nữ doanh nhân trẻ cho rằng, cần chi khoảng 10% số vốn mục tiêu để đầu tư trước vào tài liệu marketing như sản xuất quảng cáo, video… nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
Chị Hạ nhấn mạnh: “Giai đoạn 2 ngày đầu tiên ra mắt chiến dịch mang tính chất quyết định thành bại. Do vậy, trong thời gian này, đội ngũ vận hành cần túc trực ngày đêm, dùng mọi cách để promo, PR…”
Đồng quan điểm với chị Hạ, shark Thái Vân Linh lưu ý các starup không thể chỉ đưa nội dung quảng cáo lên rồi “ngồi chờ” mà cần tương tác hàng ngày, thậm chí tận dụng các mối quan hệ cá nhân để quảng bá rộng hơn cho dự án của mình.
“Không dễ gì mời các nhà đầu tư tham gia dự án. Cái khó của crowdfunding là phải đối thoại trực tiếp với khách hàng, người tiêu dùng…, cần tạo câu chuyện về sản phẩm, chứng tỏ chất lượng trong khi chưa có thương hiệu hay kinh nghiệm. Như vậy, bạn cần phải dùng cảm xúc, làm sao để thuyết phục được họ trong 2 phút. Sau đó tiếp tục dành thời gian để quảng bá dự án một cách thường xuyên, ít nhất là 4 tiếng mỗi ngày”, bà Linh nói.
Ngoài ra, một trong những yếu tố được các nhà đầu tư đặt lên hàng đầu trước khi xuống tiền đó là độ tin cậy của người đứng sau các startup. Người “ra mặt”cần có một profile “sạch”, tốt hơn là từng đạt được những thành tựu nhất định và có khả năng phân tích, thuyết phục.
3. Chuẩn hoá vận hành
Một trong điểm chung của những startup gọi đầu tư thành công là có sẵn bộ máy vận hành bài bản, khoa học. Chị Nguyễn Hồng Ngọc Bích – Thủ lĩnh của Cricket One, startup sản xuất protein từ dế – Quán quân Blue Venture Award 2019 cho biết, ngay từ đầu cần đặt ra một tiêu chuẩn nhất định cho mô hình kinh doanh của mình, tránh suy nghĩ “nhỏ thì sao cũng được”.
“Chúng ta nên thực hiện quy chuẩn khắt khe, đạt sự ổn định ngay từ quy mô nhỏ. Không nên nghĩ mình còn nhỏ mà lơi lỏng, tới đâu hay tới đó. Nhất là khi có ý định tiến ra quốc tế, dù mình là công ty nhỏ nhưng đã có sản phẩm với chất lượng ổn định thì mọi dự định sau đó sẽ thuận lợi hơn”, chị Bích cho hay.
4. Hiểu rõ thị trường
Hầu hết mọi startup đều bắt đầu cuộc chơi với số vốn hạn chế. Do vậy, dù nhắm đến thị trường nào đều cần tập trung tìm hiểu rõ về thị trường đó về mặt pháp luật, văn hoá, thói quen tiêu dùng… để tránh đầu tư quá nhiều vào những hạng mục không cần thiết.
Chị Bích đưa ra ví dụ: “Nhiều công ty sản xuất những sản phẩm tương tự như chúng tôi mất rất nhiều tiền, công sức để có được những chứng chỉ về chất lượng, trong khi thị trường mà họ nhắm đến lại không quá quan tâm đến những loại giấy tờ này. Từ đó dẫn đến phí hoài thời gian, công sức, tiền bạc… mà không được gì cả.”
5. Tham khảo ý kiến mentor
Theo shark Hưng, một trong những điểm yếu của các startup là quá lạc quan về khả năng được thị trường chấp nhận, dẫn đến không lường trước được các khó khăn, vấn đề có thể xảy ra. Như vậy, dù ý tưởng về sản phẩm có hay nhưng vẫn có thể thất bại.
Để tránh tình huống này xảy ra, các startup cần tham khảo ý kiến của những mentor, có thể là những người đi trước, chuyên gia,… Đây là những người sẽ gợi mở phương án giải quyết phù hợp, giúp bạn nhìn nhận vấn đề rõ ràng và đa chiều hơn.
Hoàng Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị