FPT từng có nhiều ý tưởng công nghệ và kinh doanh đột phá, ví dụ như Trí Tuệ Việt Nam – ý tưởng na ná Facebook nhưng ra đời trước Facebook hay WeTalk có mô hình giống Wechat…
Mặc dù, theo công bố mới nhất của Bảng xếp hạng VNR500 – Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2019, FPT đã bị rớt khỏi Top 10 và rớt xuống tận vị trí 20 (do doanh thu của khối phân phối và bán lẻ không còn nằm trong doanh thu chung của tập đoàn); nhưng họ vẫn là một trong những công ty công nghệ lớn nhất Việt Nam.
Theo kết quả kinh doanh 10 tháng đầu năm 2019, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng 19,8% và 26,5% so với cùng kỳ, lần lượt đạt 22.000 tỷ đồng và gần 4.000 tỷ đồng, tương đương 83% và 90% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 10 tháng đạt 3.351 tỷ đồng, tăng 26% so cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, tất cả những điều đó vẫn không ngăn ông Trương Gia Bình – Chủ tịch và ‘linh hồn’ của FPT thi thoảng lại hối tiếc vì những gì đã bỏ qua trong quá khứ. Bởi, theo ông, nếu ông và các đồng đội có tầm nhìn dài hạn hơn, dũng cảm hơn, có thể FPT đã có những sản phẩm công nghệ tầm cỡ thế giới như Facebook hoặc WeChat.
“Nếu được quay lại tuổi 20, tôi nhất định sẽ không bỏ ‘vườn chim’ của mình. Năm 2006, sau một thời gian dài làm Chủ tịch kiêm CEO, tôi đã nói với anh em của mình là tôi muốn đi làm công nghệ.
Chúng tôi có VnExpress ở top 100 Bảng xếp hạng Alexa thế giới, thời điểm hoàng kim nhất còn đứng ở vị trí 65. Chúng tôi từng có mạng xã hội Trí Tuệ Việt Nam, tương tự Facebook và còn ra đời trước Facebook, có WeTalk tương tự WeChat, có Vimua tương tự như Tiki“, ông Trương Gia Bình thú nhận ở sự kiện Startup Việt 2019.
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT
Quá khứ thì không thể thay đổi, nên FPT và cả ông Trương Gia Bình đang dùng đủ mọi cách để “bù đắp” cho những hối tiếc của bản thân. Bây giờ, FPT đang đặt ra cho mình một mục tiêu mới là trở thành doanh nghiệp phục vụ cho nền kinh tế internet, hoạt động như một công ty startup cũng như cho ra đời những startup dùng những công nghệ mới giống Utop; ngoài ra, FPT còn muốn hỗ trợ nhiều công ty startup khác tại Việt Nam, trở thành nhưng “Kỳ lân – Unicorn” hay “Decacorn – Siêu kỳ lân”.
Theo ông Bình, nếu không có ước mơ, chúng ta sống sẽ chẳng biết làm gì. Trước đây, mục tiêu của FPT là giúp mọi người kết nối cùng nhau qua internet, nhưng bây giờ FPT hướng tới một không gian khổng lồ hơn ở ngoài kia: nền kinh tế internet – internet economy. Ước mơ của ông, trong tương lai, nghĩ tới FPT người ta sẽ nghĩ ngay tới nền kinh tế dựa trên internet.
FPT muốn giúp những doanh nghiệp của Việt Nam trở nên thông minh hơn, ví dụ như có thể tự động trả lời các nhu cầu hoặc có thể tự sửa chữa những vấn đề của mình. Hiện tại, cách làm của FPT đang giống các startup, cũng áp dụng LEAN hay quay vòng nhân sự liên tục…
“Bên cạnh đó, chúng ta không nên hỏi là blockchain sẽ thay đổi mô hình kinh doanh của chúng ta như thế nào, vì nó chắc chắn sẽ thay đổi khủng khiếp cách chúng ta làm kinh doanh trong tương lai.
Blockchain sẽ ứng dụng vào nông nghiệp để truy suất nguồn gốc, nếu nền nông nghiệp Việt Nam có thể áp dụng chúng, người dân Việt sẽ không lo nghĩ nhiều về chất lượng thực phẩm sạch. Blockchain còn hỗ trợ xuất khẩu qua biên giới“, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Utop sẽ giúp người tiêu dùng tích lũy và sử dụng điểm thưởng theo một cách thức mới mẻ và sáng tạo tại các cửa hàng và doanh nghiệp trong mạng lưới này một cách thuận tiện và dễ dàng; qua đó giúp các doanh nghiệp và các cửa hàng nhỏ lẻ mở rộng và phát triển kinh doanh.
Còn data là một loại tài sản mà các doanh nghiệp sẽ không cho – không biếu bất kỳ ai, nhất là phần data của khách hàng. Nhưng bằng công nghệ blockchain, startup Utop của FPT đã giải quyết tất cả những điểm nghẽn đó. Doanh nghiệp không cần chia sẻ data, người dùng có điểm thưởng và mua gì cũng được. Cả cộng đồng người mua lẫn người bán đều không cần chia sẻ dữ liệu.
Hiện Utop đã có nhà đầu tư (SBI Holdings – Nhật Bản), đã mở rộng thị trường ra nước ngoài cũng như có mức tăng trưởng mạnh mẽ.
Blockchain cũng có thể sử dụng để thay đổi cuộc chơi trong các ngành như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Hiện tại, TP. HCM đang thu thuế hộ Nhà nước và sẽ chuyển cho Nhà nước vào cuối năm. Nhưng nếu Nhà nước yêu cầu TP. HCM phải chuyển thuế cho Nhà nước ngay sau khi nhận được của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, thì hệ thống thu thuế của họ phải khác, lúc đó chính blockchain sẽ giải bài toàn tức thời và minh bạch ở yêu cầu mới từ Nhà nước, ông Bình nêu ví dụ cụ thể.
Quỳnh Như
Theo Trí Thức Trẻ