Nguyễn Tuấn Anh vốn nổi tiếng với vai trò Giám đốc sáng lập Grab Việt Nam và CEO VinID. Tuy nhiên, sau khi rời VinID vào đầu năm 2021, ông không vội vàng tìm một bến đỗ mới mà dành 9 tháng để nghỉ ngơi và chiêm nghiệm lại cuộc sống.
Sau một năm rưỡi vắng bóng trước truyền thông, ông Tuấn Anh mới đây xuất hiện trong một sự kiện với vai trò đồng sáng lập và CEO Alpha Asimov Robotics. Theo giới thiệu của cưụ CEO VinID, Alpha Asimov Robotics là startup tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển robot giao hàng tự hành đầu tiên ở Việt Nam. Robot có kích thước dài 1 m, rộng 80 cm và cao 60 cm, di chuyển với tốc độ tương đương xe đạp, ở mức 15 – 25 km/h. Sản phẩm có tải trọng 50 kg, có thể chở 5 pizza hoặc 10 tô phở.
Từ Đà Nẵng – thành phố mà nhà sáng lập sinh năm 1982 đánh giá là đáng sống và chọn là nơi khởi nghiệp, ông Tuấn Anh đã chia sẻ vớiNgười Đồng Hànhvề dự án mới, những khó khăn và cả kỳ vọng với “đứa con tinh thần” của mình.
– Với kinh nghiệm và khả năng của mình, chắc hẳn ông đã nhận được rất nhiều lời mời làm việc sau khi rời VinID. Nhưng vì sao ông không bắt tay luôn vào một dự án khởi nghiệp hoặc đi làm cho một tập đoàn lớn mà quyết định dành 9 tháng để nghỉ ngơi?
– Thời điểm trước đó tôi đã làm việc ở khá nhiều công ty và thấy rằng mình không dành đủ thời gian cho bản thân. Vì vậy tôi nghĩ sau khi rời VinID là thời điểm tốt để cho mình một điểm dừng.
Thật ra đây cũng là xu hướng mới trên thế giới mà người ta gọi là “mini-retirement” – nghỉ hưu trong một thời gian ngắn để tái tạo lại năng lượng. Khi làm việc quá lâu, bạn có thể “burnout” (kiệt sức), vì vậy cần nghỉ ngơi để có thể hồi phục.
Trước đây, tôi vẫn thường khuyên những người bạn của mình nên dành thời gian để nhìn lại cuộc đời, ngẫm nghĩ lại xem mình sẽ đi đâu, về đâu và đã đi đúng hướng chưa. Nếu không mình sẽ bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống, mỗi ngày đi làm đầu tắt mặt tối, khó có thể nghĩ được điều gì.
– Vậy trong 9 tháng đó, ông đã học được những gì và thấy bản thân mình thay đổi ra sao?
– Tôi dành thời gian nghỉ ngơi, đọc sách báo, ngồi thiền, suy nghĩ cũng như điều chỉnh lại chế độ ăn uống. Nhờ đó tôi nhận ra nhiều điều trong cuộc sống của mình, có những điều tốt và cả điều chưa tốt. Nó giống như quá trình “strategy review” (đánh giá lại chiến lược). Cơ bản nó giúp tôi nhìn cuộc đời với một lăng kính khác, tận hưởng mọi thứ với niềm vui và cách nhìn tích cực hơn.
– Trong thời gian chiêm nghiệm về cuộc sống, khoảnh khắc nào ông nhận ra đã đến lúc mình quay lại với hành trình startup?
– Từ trước đến giờ tôi vẫn mong muốn startup, nên nó không phải là cái gì đó đến đột ngột. Tôi cũng có những ý tưởng khác nhau nhưng không phải tất cả đều khả thi, cái nào cũng cần đúng thời điểm cũng như sự ủng hộ của nhà đầu tư và thị trường.
Tôi vẫn luôn tin rằng trong tương lai robot sẽ giúp con người rất nhiều công việc khác nhau. Dần dần công nghệ sẽ giúp con người được rảnh tay, có nhiều thời gian cho bản thân và suy nghĩ về những công việc sáng tạo mà chỉ con người mới làm được. Và thực tế chứng minh điều này đang dần thành hiện thực.
Đối với ý tưởng về robot giao hàng tự hành, tôi thấy nhiều nước trên thế giới đã phát triển công nghệ này, trong đó có cả Trung Quốc – một quốc gia vốn được biết đến với giá nhân công rẻ. Tôi hiểu là đã đến lúc mình phải làm gì đó. Nguồn nhân lực của Việt Nam cũng rất giỏi nên việc ứng dụng công nghệ là chuyện hoàn toàn có thể.
Khi tìm hiểu, tôi thấy chi phí dịch vụ Last-Mile Delivery (giao hàng chặng cuối đến người dùng) rất cao. Đứng ở góc độ kinh doanh, tôi thấy điều này hoàn toàn có thể cải thiện được. Theo ước tính của Statista, thị trường Last-Mile Delivery toàn cầu đến năm 2027 đạt 200 tỷ USD. Riêng thị trường giao hàng bằng robot tự hành đến năm 2027 đạt đến 41 tỷ USD.
Trong quá trình suy nghĩ, tôi quan sát rất nhiều các vấn đề vĩ mô và thấy rằng một đất nước muốn phát triển thì phải tăng năng suất làm việc, tạo ra nhiều của cải hơn. Từ trước đến nay khi bắt đầu bất kỳ dự án nào tôi đều mong muốn có thể ứng dụng công nghệ để tăng năng suất.
Tôi bắt đầu có ý tưởng về Alpha Asimov Robotics từ tháng 9 năm ngoái và đến tháng 11 chính thức thành lập công ty. Sản phẩm hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.
– Tôi thật sự tò mò vì sao ông lại chọn cái tên Alpha Asimov Robotics cho startup của mình?
– Tên startup của tôi được lấy cảm hứng từ Isaac Asimov – một nhà văn Mỹ nổi tiếng chuyên viết về robot. Ông ấy đưa ra 3 nguyên tắc về robot. Thứ nhất, robot không được làm hại con người hoặc để mặc cho con người bị hại. Thứ hai, robot phải tuân theo mệnh lệnh được con người đưa ra trừ khi những mệnh lệnh này mâu thuẫn với điều luật thứ nhất. Thứ ba, robot phải tự bảo vệ mình với điều kiện hành vi tự vệ này không mâu thuẫn với hai điều trên.
Tôi rất thích tư tưởng đó của Asimov. Trong tương lai khi phát triển những sản phẩm robot khác nhau, tôi cũng mong muốn thực hiện theo những quy tắc đó.
– Ai là người hỗ trợ ông thực hiện dự án này?
– Cofounder của tôi là Lê Anh Sơn và công ty PhenikaaX. Khi bắt đầu, tôi thấy ý tưởng về robot giao hàng tự hành có thể mở rộng ra cả Đông Nam Á và nhiều nước khác trên thế giới, vì vậy tôi quyết định đi tìm người có thể hỗ trợ mình thực hiện dự án. Thông qua giới thiệu của Thức Vũ, tôi đã gặp được Sơn – Giám đốc của PhenikaaX.
Sơn và PhenikaaX sau đó đã đồng ý thành lập công ty mới và đóng góp công nghệ. Đội ngũ của các bạn ấy rất giỏi vì vậy chỉ trong 6 tháng chúng tôi đã ra mắt được sản phẩm thử nghiệm. Tôi rất vui khi Việt Nam có những tập đoàn lớn thật sự quan tâm và đầu tư vào ngành này. Thật ra Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực này, mọi người đang làm thật chứ không phải chỉ nói mà không làm.
– Lý do gì khiến ông quyết định chọn Đà Nẵng làm nơi khởi nghiệp cho startup mới của mình?
– Đúng như mọi người nói, tôi thấy Đà Nẵng là thành phố đáng sống. Khi sống ở đây, tôi thấy rất vui và thoải mái. Tôi lập startup ở đây còn xưởng nghiên cứu và sản xuất vẫn đặt tại Đại học Phenikaa ở Hà Nội. Tôi thấy Đà Nẵng rất chào đón các công nghệ mới, ở đây cũng có 5G – hạ tầng quan trọng để robot có thể chạy ngoài đường. Tôi hy vọng là sau khi trao đổi với các bên có thể được tạo điều kiện để thử nghiệm sản phẩm trong một môi trường phù hợp tại thành phố.
– Trong quá trình phát triển robot, kỷ niệm đặc biệt nào khiến ông nhớ nhất?
– Lúc mới làm, robot chưa được thông minh và ngay cả bây giờ nó cũng chưa thông minh lắm, nhiều khi chỉ thấy một cái bóng cây thôi nó cũng không dám đi. Điều đó đòi hỏi sự kiên trì, càng đào tạo thì robot sẽ càng thông minh hơn.
– Tại một số nước phát triển, robot giao hàng tự hành vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, còn với sản phẩm của Alpha Asimov Robotics, ông dự kiến bao lâu có thể ra mắt thị trường?
– Điều đó còn phụ thuộc vào việc thử nghiệm. Đây là sản phẩm khoa học và nó giống như nghiên cứu thuốc, cần quá trình thử nghiệm để phát triển. Nghiên cứu khoa học có hai vấn đề chính là nguồn vốn đầu tư nghiên cứu và môi trường thử nghiệm.
Trước đây, khi Google Maps mới vào Việt Nam, sản phẩm cũng không thông minh lắm nhưng hiện nay đã phát triển lên rất nhiều. Lý do nó thông minh hơn là vì nhiều người sử dụng và dạy nó. Robot cũng vậy, mình càng dạy thì nó càng thông minh. Điều này đòi hỏi một môi trường thử nghiệm gần như thật. Bản thân công nghệ lõi trên thế giới đã có, Việt Nam cũng đã làm được rồi, nhưng nó sẽ chỉ dừng ở mức độ demo nếu không được đào tạo và cho cơ hội.
– Cụ thể thì robot của ông hiện đã phát triển đến cấp độ nào?
– Xe tự hành có 5 cấp độ, hiện robot của Alpha Asimov đang ở cấp độ 3 – chạy tự động nhưng vẫn cần người quan sát và phản ứng nhanh. Chúng tôi đang cố gắng phát triển lên cấp độ 4 – tự chạy và cần rất ít sự can thiệp của con người. Những hãng lớn trên thế giới như Tesla hay Waymo đều đang kỳ vọng phát triển đến cấp độ 5 – xe chạy mà không cần sự can thiệp của con người.
– Như ông chia sẻ, ngay cả những công ty lớn như Tesla hay Waymo đều đang phấn đấu đạt cấp độ 5. Vậy nếu ai đó nói ý tưởng của ông “quá lãng mạn và mơ mộng”, ông nghĩ sao?
– Nếu tôi nói rằng sản phẩm của tôi đạt cấp độ 5 mới chạy thì đó đúng là “quá lãng mạn và mơ mộng”. Nhưng thực tế chỉ cần đạt đến cấp độ 4 là có thể chạy được rồi. Dù vẫn cần sự can thiệp của con người nhưng ở cấp độ này đã hiệu quả hơn người giao hàng bình thường rất nhiều.
Mục tiêu của chúng tôi không phải là ngay lập tức tạo ra được sản phẩm tốt hơn Tesla hay Waymo, mà chúng tôi sẽ làm cuốn chiếu. Khi có thể giải quyết bài toán kinh doanh bằng công nghệ này và có được lợi nhuận, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư số tiền đó để tạo ra sản phẩm thông minh hơn.
Nếu bảo ra sản phẩm liền chắc chắn tôi không làm được. Tuy nhiên nếu nói 2 năm nữa sản phẩm có thể chạy trên đường rồi 5 năm nữa có mặt ở khắp nơi thì tôi nghĩ có thể làm được.
– Với hệ thống đường xá tại Việt Nam như hiện nay, sản phẩm robot giao hàng tự hành liệu có khả thi?
– Đúng là đường xá cũng là một vấn đề. Tuy nhiên, AI không phân biệt khó dễ, nó được dạy ở đâu thì quen ở đó. Nếu được dạy ở Việt Nam thì sẽ chạy được. Bên cạnh đó, những con robot này cũng không ra đường lớn ngay lập tức, chúng sẽ được đào tạo và thử nghiệm theo trình tự. Không phải từ 0 đến 100 mà sẽ là 0 đến 1 rồi 1 đến 2. Mình cứ tiến chậm mà chắc như thế, khi phần này yên tâm rồi mới tiếp tục làm phần khác.
– Ngoài đường xá, startup của ông gặp những khó khăn gì trong quá trình phát triển sản phẩm?
– Cái này nói chung là không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, những linh kiện và thiết bị có độ chính xác cao chỉ có vài nhà cung cấp thôi, rất là hiếm. Tuy nhiên, nếu mình thành công, có thể sản xuất được với quy mô lớn thì có thể hỗ trợ nhiều ngành liên quan phát triển.
– Nghe những điều ông chia sẻ thì dường như dự án này là một vụ đặt cược đầy rủi ro và tốn kém?
– Đúng là rất rủi ro và tốn kém nhưng quy mô và lợi ích nó đem lại rất đáng để làm. Tôi tin rằng nếu không phải là tôi thì cũng sẽ có người khác làm.
– Công việc hiện tại của ông có nhiều khác biệt so với thời còn làm lãnh đạo ở những công ty lớn?
– Mô hình nào cũng có sự khác biệt và vì sự khác biệt đó tôi mới muốn làm. Mọi người thường phân biệt startup với công ty lớn, nhưng khi tôi làm Grab thì đâu có ai biết đó là công ty gì cho tới khi nó nổi tiếng. Tất cả các công ty lớn đều qua giai đoạn startup, vì vậy tôi thấy không cần phân biệt doanh nghiệp lớn với startup.
Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ cứ mạnh dạnh startup, các công ty muốn lớn đều phải qua giai đoạn nhỏ. Nếu nhỏ mà thất bại thì thôi nhưng nếu phát triển được thì mình cứ tiếp tục làm.
– Mục tiêu trong 10 năm tới của ông là gì?
– Nếu nói về mục tiêu xa hơn 10-20 năm nữa, tôi muốn làm tất cả những thứ có thể giúp con người giải phóng khỏi những công việc lặp đi lặp lại. Tôi sẽ cố gắng quan sát cuộc sống của con người từ lúc thức dậy, ăn uống, đi làm… từ đó dự đoán những công nghệ cần thiết cho cuộc sống tương lai. Khi làm xong robot này chúng tôi sẽ làm tiếp những sản phẩm robot khác.
– Việt Nam luôn được biết đến với những nhân sự rất giỏi về công nghệ nhưng hiện vẫn chủ yếu đi làm thuê hoặc gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Theo ông, cơ hội nào để các sản phẩm công nghệ Việt Nam ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế?
– Việt Nam có rất nhiều nhân sự giỏi nhưng cần tập hợp các anh em lại, đánh mũi nhọn. Khi mình đánh vào một mảng thật tốt, đem lại nhiều ứng dụng cho cuộc sống sẽ có tiền để tiếp tục đầu tư và xin các cơ chế thử nghiệm. Thành công đó cũng có thể trở thành động lực thúc đẩy các bạn trẻ cùng làm. Các bạn trẻ thời 4.0 có rất nhiều ý tưởng hay và tôi tin rằng nếu được tạo điều kiện, Việt Nam sẽ có những sản phẩm công nghệ tốt xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới trong tương lai.
– Cảm ơn ông.
Theo Diệu Tuyết