“Đi chợ” sành sỏi như Shark Phú: Hỏi liên tục và ép giá sát ván, chốt thành công “nửa giá” vào startup dầu lạc Tâm Trường Sinh với Shark Liên

0
284

Không sắc sảo như các startup trẻ về công nghệ thường xuyên tiếp xúc với giới đầu tư, founder Đỗ Hồng Quân của startup sản xuất dầu lạc Tâm Trường Sinh khá lúng túng khi đứng trước các Sharks. Nhưng nhờ sản phẩm tốt, dòng tiền tốt và thị trường tiềm năng, Tâm Trường Sinh vẫn được Shark Phú và Liên đồng đầu tư.

“Đi chợ” sành sỏi như Shark Phú: Hỏi liên tục và ép giá sát ván, chốt thành công “nửa giá” vào startup dầu lạc Tâm Trường Sinh với Shark Liên

Như một quy luật bất thành văn, kể từ đầu mùa đến giờ, hễ startup nào mà Shark Phú hỏi dồn dập, vặn đủ thứ với khuôn mặt khá căng thẳng, là ông sẽ xuống tiền đầu tư. Phải chăng đây là một ‘mẹo’ để có được giá tốt của ông chủ Sunhouse?

Như trong thương vụ Tâm Trường Sinh, founder Đỗ Hồng Quân dường như đã mất hết tinh thần từ những câu hỏi liên tục từ Shark Phú cũng như chê bai từ các Shark khác; nên dù Shark Phú và Liên chỉ trả chưa đến nửa giá mà anh đã đưa ra, anh chỉ yếu ớt “mặc cả” từ 35% xuống 30% và rồi nhanh chóng bỏ cuộc.

Mục tiêu trở thành doanh nghiệp số 1 Việt Nam về sản xuất các sản phẩm về lạc năm 2025

Các doanh nghiệp nông nghiệp hiếm khi lên chương trình Shark Tank để gọi vốn vì nhiều nguyên do, năm nay cũng thế. Ngoài DH Foods, thì Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Dịch vụ Nông nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp thứ hai lên gọi vốn ở mùa này, dù chương trình đã đi tới tập 13.

Theo chia sẻ của nhà sáng lập Đỗ Hồng Quân, công ty hiện đang sở hữu quy trình sản xuất lạc hữu cơ khép kín bao gồm sản xuất lạc giống, sản xuất máy nông nghiệp trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến dầu lạc mang thương hiệu Tâm Trường Sinh.

Về lý do đến với khởi nghiệp, founder này cho hay: anh đã có 19 năm làm ở Bộ Nông nghiệp và sau khi nghỉ để ra ngoài làm về sản xuất máy móc nông nghiệp, anh nhận thấy bà con nông dân thường bị thương lái ép giá khi mua nông sản. Thế nên, với mong muốn giúp đỡ người nông dân, anh nhận bao tiêu lại sản phẩm cho bà con và tiến hành chế biến thành dầu lạc.

Các sản phẩm lạc được sản xuất theo quy trình hữu cơ 100%, không hóa chất. “Quy trình đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Khoa học Công nghệ giao các chương trình để chuyển giao cho các địa phương“, anh Hồng Quân thông tin.

Về doanh thu và lợi nhuận: công ty được thành lập từ tháng 7/2012, tổng doanh thu đạt trên 41 tỷ đồng, riêng năm 2020 là 11,5 tỷ đồng, lợi nhuận từ 16-45%, tùy theo từng loại sản phẩm.

Thường xuyên lúng túng trước những vặn hỏi về thuật ngữ chuyên môn của Shark Phú, startup dầu lạc Tâm Trường Sinh vẫn ra về với 10 tỷ đồng - Ảnh 1.

Sản phẩm chủ lực và mô hình kinh doanh của công ty Nông nghiệp Việt Nam mang lên giới thiệu trên Shark Tank.

Về vùng trồng: diện tích trồng lạc được gần 60ha, phân bố ở nhiều khu vực, cả miền Nam, miền Trung và miền Bắc, nhưng tập trung chính ở Nam Định và Tây Ninh. Vùng trồng được cải tạo hữu cơ, đất thường được cải tạo sau 3 năm để đảm bảo tính hữu cơ của sản phẩm, các khu vực trồng độc lập, tách khỏi khu vực các giống cây trồng khác.

Trả lời lý do vì sao không tự xin cấp đất để sản xuất mà phụ thuộc vào đất của nông dân, anh Đỗ Hồng Quân cho biết: quan điểm của doanh nghiệp anh là phải giữ lại đất cho bà con nông dân, cùng bà con sản xuất và khai thác mảnh đất một cách hiệu quả nhất.

Vậy nên, công ty Nông nghiệp Việt Nam đã tự hoàn thành chuỗi cung ứng: bắt đầu từ cung cấp lạc giống, cung cấp máy móc cho người nông dân – lúc gieo giống cho đến khi thu hoạch, sơ chế và chế biến dầu lạc tinh chế. Cách làm này giúp bà con nông dân giảm 20-30% chi phí so với lao động thô sơ truyền thống.

Quy trình sản xuất là tập trung ruộng đất của bà con, bà con có đất, chúng tôi có công nghệ và bao tiêu đầu ra thay vì trước đây nhà nào sản xuất nhà nấy trong sản xuất cũng như bán nông sản. Cách hợp tác này giúp chúng tôi có quy mô, diện tích rất lớn để làm. Ngoài ra, giúp cho bà con còn công lao động“, anh Hồng Quân chia sẻ.

Sản phẩm chính hiện nay của doanh nghiệp là lạc thương phẩm, dầu lạc và xì dầu. Anh Hồng Quân cũng tiết lộ, dầu lạc thương hiệu Tâm Trường Sinh đã bán ra thị trường, bắt đầu xuất khẩu sang Nga và Hàn Quốc.

Mục tiêu tăng trưởng: đến năm 2025, công ty sẽ trở thành doanh nghiệp số 1 Việt Nam về sản xuất các sản phẩm về lạc, với quy mô diện tích trên 1.000 ha, tổng doanh thu 100 tỷ/1 năm, lợi nhuận 25-30%, mức độ tăng trưởng 30-35%/1 năm. Theo đó, anh đến Shark Tank Việt Nam để kêu gọi số vốn 10 tỷ cho 15% cổ phần.

Điểm yếu lớn nhất là về thương hiệu

Trong quá trình thảo luận, Shark Phú là người hỏi nhiều nhất và luôn tỏ ra khó chịu vì founder không trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi hoặc không hiểu câu hỏi. Shark Phú hỏi thêm về tỷ trọng doanh số, tổng tài sản hiện có. Anh Hồng Quân nêu cụ thể: việc bán máy có tỷ trọng doanh số lớn nhất.

Tỷ trọng doanh số năm 2020: tiền bán máy là 6 tỷ và tiền bán dầu là hơn 1 tỷ. Để phát triển về dịch vụ máy, anh cũng đang hợp tác với các hợp tác xã cho nông dân thuê máy, giúp giảm chi phí để trồng 1 sào lạc từ 700.000 đồng xuống còn 500.000 đồng.

Thường xuyên lúng túng trước những vặn hỏi về thuật ngữ chuyên môn của Shark Phú, startup dầu lạc Tâm Trường Sinh vẫn ra về với 10 tỷ đồng - Ảnh 2.

Sản phẩm dầu lạc với thương hiệu Tâm Trường Sinh.

Tổng tài sản: tổng tiền mặt hiện nay của doanh nghiệp là hơn 1 tỷ, tổng tài sản cố định là 16 tỷ bao gồm toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị để sản xuất cơ khí, có một đơn vị đang nợ doanh nghiệp hơn 2 tỷ.

Về tiềm năng của thị trường: hiện nay, Việt Nam là nước sản xuất lạc đứng 30 trên thế giới, chỉ chiếm 1% với sản lượng 400.000 tấn/năm và phải nhập khẩu 260.000 tấn/năm.

Là một loại hạt có giá trị dinh dưỡng cao nên nhu cầu lạc trên thị trường thế giới rất lớn, rất nhiều nước đang nhập khẩu dầu lạc, giá cũng đang tăng dần. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 200.000 hecta đất trồng lạc và 90% đang làm thủ công. “Một tương lai rất lớn để phát triển“, anh Hồng Quân khẳng định.

Phần mình, Shark Liên đánh giá rất cao ý tưởng và hệ thống của startup, cũng như mô hình này sẽ giúp đỡ cho người nông dân rất nhiều. Shark Liên bộc bạch, đầu ra nông sản với người nông dân vô cùng khó và founder này đã góp phần giải quyết được bài toán này. Shark Liên cũng đánh giá cao ý thức bảo vệ môi trường của startup khi sử dụng chai thủy tinh đựng dầu lạc thay cho chai nhựa.

Shark nữ này cũng thể hiện sự đồng cảm với startup khi bố của bà cũng từng học tại Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Mong muốn đồng hành cùng với startup, đặc biệt là hứa hẹn mang sản phẩm này vào châu Âu, Shark Liên đã đưa ra đề nghị 10 tỷ cho 35% cổ phần. Bà Liên cho răngf, cả hai đều là họ Đỗ và họ Đỗ của cả nước chắc chắn sẽ mua sản phẩm của anh.

Tiếp theo, Shark Phú cũng bắt đầu ra deal: dù không quá thông thạo ngành này nhưng ông có niềm tin vào nhà sáng lập. Hiện tại ông đang có công ty sản xuất bánh kẹo Richy và tin vào các con số mà nhà sàn lập đưa ra, Shark Phú đồng ý đầu tư 10 tỷ đổi lấy 30% cổ phần. Doanh số năm 2020 của Richy khoảng 2.500 tỷ đồng và có hệ thống phân phối khắp Việt Nam.

Đánh giá rất cao sản phẩm và mô hình của startup cũng như nhận định tiềm năng thị trường của sản phẩm này rất lớn nhưng vì không phù hợp với lĩnh vực đầu tư, Shark Hưng và Shark Linh lần lượt tuyên bố rút khỏi deal này.

Trước khi đưa ra kết luận, Shark Bình nhận định, startup còn kém trong việc làm thương hiệu bởi Shark không thể tìm thấy thương hiệu “Lạc Tâm Trường Sinh” khi tra cứu trên Google. Vận dụng nhiều cách, Shark Bình mới tìm thấy website của công ty với cái tên lacvietnam (Lạc Việt Nam).

Shark Bình cho rằng, đây là một bài học vỡ lòng về thương hiệu mà startup nên ghi nhớ. Vì vậy, nếu như startup cần, Shark Bình sẽ giúp trong việc làm website và tư vấn thương hiệu. Còn trong lĩnh vực nông nghiệp này, Shark không hỗ trợ được nhiều nên cũng quyết định không đầu tư.

Cuộc chơi của riêng Shark Liên và Shark Phú

Thường xuyên lúng túng trước những vặn hỏi về thuật ngữ chuyên môn của Shark Phú, startup dầu lạc Tâm Trường Sinh vẫn ra về với 10 tỷ đồng - Ảnh 3.

Lúc này, Shark Liên cam kết nếu startup về với mình, bà sẽ giúp startup xây dựng lại thương hiệu ‘long lanh rực rỡ’.

Tôi có nhà máy, nhà máy tôi có 2.000 công nhân. Riêng sale (nhân viên kinh doanh) để bán ngành thực phẩm này rất tốn, phải phủ hàng nghìn sale. Ngành thực phẩm mà doanh thu chỉ từ 100 đến 200 tỷ/năm không ăn thua, mình làm phải lên 1.000 đến 2.000 tỷ“, Shark Phú nói thêm về lợi thế cạnh tranh của mình.

Để có thêm chút lợi thế khi đàm phán trong deal này, anh Hồng Quân bày tỏ: đã có một số đối tác muốn đầu tư vào nhưng chỉ đầu tư tài chính, còn anh muốn hơn. Thế nên, anh đã dừng lại tất cả các đàm phán ấy, lên Shark Tank để mong muốn có sự đồng hành của các “cá mập”. Vì vậy, anh đưa ra đề nghị mời cả 2 Shark cùng tham gia deal này.

Shark Phú đồng ý hợp tác với Shark Liên theo đề nghị của anh Hồng Quân với con số đầu tư là 10 tỷ cho 35% cổ phần. Định giá thấp hơn so với kỳ vọng, anh Hồng Quân ‘yếu ớt’ đề nghị 10 tỷ cho 20% cổ phần.

Bạn nhìn tương lai đi, cái đích bạn muốn đến là gì. Mở rộng ra bạn phải tốn rất nhiều tiền, cả xưởng và đất. Nhiều thứ lắm và tôi sẽ lo phần đấy cho bạn“, Shark Liên tiếp tục ‘thả mồi câu’.

Trước sự tấn công dữ dội và liên tục từ 2 Sharks, founder này nhanh chóng chuyển sang ‘cò kè’ 20 tỷ cho 30% cổ phần với sự tham gia của 2 Shark nhưng cả 2 Shark đều không đồng ý. Shark Phú bồi thêm, nếu muốn 2 Sharks thì phải 35% vì cộng hưởng được hệ thống phân phối và thương hiệu của 2 Shark. Sau cùng, startup chấp nhận con số 10 tỷ cho 35% cổ phần.

Quỳnh Như

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

“Đi chợ” sành sỏi như Shark Phú: Hỏi liên tục và ép giá sát ván, chốt thành công “nửa giá” vào startup dầu lạc Tâm Trường Sinh với Shark Liên
5 (100%) 1 vote

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here