Mục tiêu lớn nhất của đời người là được hạnh phúc! Trong không khí đầm ấm của buổi gặp gỡ đầu xuân do báo TheLEADER tổ chức, thật hữu duyên, các ý kiến sẻ chia của doanh nhân đầu ngành, chuyên gia kinh tế, văn hoá đều xoay quanh bí quyết quản trị để tạo nên một cá nhân hạnh phúc, một doanh nghiệp hạnh phúc, một đất nước hạnh phúc… và coi đó như một kim chỉ nam cho mọi hành động.
Cuối tuần qua, báo TheLEADER đã tổ chức buổi Gặp gỡ đầu Xuân Kỷ Hợi 2019 với đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, đối tác truyền thông… đã gắn bó với báo từ những ngày đầu tiên thành lập đến nay.
Buổi gặp gỡ có sự tham gia của rất nhiều vị Chủ tịch, CEO các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại TP. HCM, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực giáo dục, kinh tế, văn hóa, bảo tồn, đô thị… và nhiều đối tác truyền thông đã đồng hành, chia bùi xẻ ngọt cùng báo trong khoảng thời gian hơn một năm rưỡi vừa qua.
Sự kiện không chỉ là dịp để báo thể hiện lòng biết ơn của mình với các anh chị, bạn bè thân thiết đã góp sức bằng những bài phân tích sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, cùng gầy dựng một tờ báo điện tử mang đậm dấu ấn của những nhà quản trị như một cái nhìn tích cực, tiên phong vào những vấn đề nóng bỏng của đất nước, kinh tế, xã hội và đời sống nhân văn…
TheLEADER luôn nỗ lực đồng hành với giới doanh nhân, nhà quản trị, là diễn đàn gắn bó, chia sẻ khó khăn thách thức thật sự… với đời sống doanh nghiệp và đất nước; là nơi để các nhà quản trị trong mọi lĩnh vực có thể gửi gắm tâm huyết, suy nghĩ, mong ước, tâm tư nguyện vọng của mình một cách kịp thời và thấu đáo về chuyên môn nghề nghiệp, về lĩnh vực kinh doanh mà họ đang hoạt động.
Trong không khí đầu Xuân Kỷ Hợi đầy cơ hội và thách thức, những lời chia sẻ chân tình được trả giá bằng biết bao mồ hôi nước mắt của mỗi người vô hình chung đều xoay quanh hai từ “hạnh phúc” để công ty phát triển bền vững, đóng góp nhiều nhất cho xã hội.
Nếu ‘giải mã’ được công việc quản trị sẽ có đủ thời gian tái tạo lại năng lượng cho bản thân
(Ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công)
Trong nền kinh tế thị trường, công tác quản trị rất quan trọng. Dù doanh nghiệp bạn đang trong thời điểm hội nhập hay đi ra biển lớn thì công tác quản trị vẫn có tính chất quyết định doanh nghiệp đó có phát triển bền vững hay không.
Theo tôi, “Quản trị là tập trung, điều hành là phân cấp”. Nếu các lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện đúng theo nguyên tắc như vậy, công việc quản trị sẽ giản đơn hơn nhiều, việc quản trị mục tiêu, kế hoạch không có gì ghê gớm!
Tôi luôn dành thời gian để chia sẻ những quan niệm, cách thức quản trị đúng với đội ngũ doanh nhân trẻ. Chúng tôi muốn hỗ trợ các bạn trẻ trong lĩnh vực mà mình am hiểu, nhằm góp phần đóng cho nền kinh tế nói chung. Thế hệ này, các bạn có nhiều điều kiện hơn chúng tôi. Thế hệ chúng tôi có nhiều cơ hội nhưng điều kiện lại không tốt.
Quản trị không phải là điều gì đó quá nhức đầu hay khô cằn, nếu chúng ta giải mã được nó thì vẫn có thời gian tái tạo bản thân.
Tôi từng là chủ tịch của Sacombank với 147 chi nhánh, 9 công ty, 3 quốc gia; còn hiện tại doanh nghiệp của tôi hoạt động trong 5 mảng là ngành giáo dục, năng lượng, du lịch, bất động sản, mía đường, có 10.650 cán bộ công nhân viên nhưng tôi vẫn có thời gian để đi đánh goft 1 tuần/lần.
Người không hạnh phúc sẽ không thể xây dựng được một doanh nghiệp tốt
(Ông Đỗ Duy Thái – Chủ tịch Thép Việt Pomina)
Tôi cũng như anh Thành (Đặng Văn Thành – Chủ tịch tập đoàn Thành Thành Công), bắt đầu kinh doanh từ những năm 1978, tức là cho tới thời điểm này đã hơn 40 năm. Vậy là tôi đã có 40 năm kinh doanh và 40 năm thực hiện vai trò CEO.
Gần 30 năm đầu, tôi có một bệnh là ‘ham công tiếc việc’, lúc nào cũng tất bật khổ sở chỉ nghĩ đến công việc và cứ lao đầu vào nó như một con thiêu thân. Sau này, tôi mới biết mình đã sai. Trong 10 năm vừa qua, tôi luôn tự vấn bản thân: vì sao hồi xưa mình luôn quay cuồng và lam lũ vì công việc như vậy, cuộc sống của mình đáng lẽ phải vui vẻ hơn chứ, tại sao ngày xưa mình lại ngu như vậy!?
Hơn 10 năm vừa qua, tôi đã sống chậm lại và khi sống chậm lại tôi cảm thấy mình thông minh hơn. Vừa rồi, anh Thành có tặng tôi quyển Chỉ làm những điều quan trọng, tôi rất tâm đắc với cuốn sách này.
Những điều tôi học từ cuốn sách kể trên là: sau này, tôi chỉ làm những điều quan trọng và chỉ tập trung làm một vài vấn đề trong năm, chứ không ôm đồm hết mọi chuyện. Tôi thấy như vậy sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc luôn làm việc lam lũ. Cho đến giờ, tôi vẫn tiếc 30 năm đã làm việc lam lũ đó. Ước gì ngày xưa tôi suy nghĩ được như bây giờ và sống chậm lại. Cứ từ từ thì mình sẽ thông minh hơn, còn lam lũ quá thì không thể thông minh được.
Báo chí cứ nói rằng người kinh doanh phải rất khổ sở, tôi không đồng ý lắm. Vì nếu mình khổ sở thì mình sẽ không hạnh phúc, mà mình không hạnh phúc thì không thể mang lại hạnh phúc cho người khác và không thể xây dựng doanh nghiệp tốt.
Ví dụ như tôi hay chia sẻ với các em sinh viên câu chuyện ở Cần Thơ về một bà mẹ phải một nách nuôi 4 đứa con ăn học. Tôi hỏi các em sinh viên “một bà mẹ gánh gồng suốt ngày đêm để nuôi giấc mộng cho 4 người con đều có tấm bằng đại học, bà ấy có khổ không?”. Họ trả lời “ khổ quá”. Tuy nhiên, tôi không hoàn toàn nghĩ là bà mẹ đó khổ, vì nếu bà mẹ thấy khổ sẽ không thể lam lũ từ 4 giờ sáng đến khuya như vậy. Bà mẹ đó ắt hẳn phải hạnh phúc trong tim bởi chỉ có hạnh phúc bà ấy mới làm được điều đó.
Rõ ràng, đó là ý nghĩa của từ ‘hạnh phúc’ mà sau này, khi sống chậm lại tôi mới cảm nhận được. Khi mình làm việc mà mình thấy hạnh phúc, thì chính niềm hạnh phúc đó sẽ mang lại hiệu quả trong công việc.
Ông Paul Krugman – người đoạt giải Nobel kinh tế, từng đến Việt Nam và nói chuyện tại khách sạn Sheraton. Trong buổi nói chuyện, chúng tôi đã hỏi ông, trong kinh doanh yếu tố gì quan trọng nhất, ông nói: mỗi doanh nghiệp, mỗi con người, mỗi đất nước muốn thành công thì doanh nghiệp đó, con người đó, đất nước đó trước hết phải hạnh phúc.
Bản chất của thiền cũng giống như công tác quản trị
(Bà Lê Thị Tố Hải – Chủ tịch Công ty Thiền và Yoga Trái Tim Vàng)
Tôi đang làm trong ngành yoga – thiền với tầm nhìn và khát vọng là xây dựng một ngành nghề mới thiền – yoga cho người Việt Nam. Tôi đã nói điều này 10 năm trước và ai cũng nói tôi ‘khùng’; bây giờ, tôi vẫn nói nhưng người nói tôi khùng đã ít hơn một chút.
Hôm nay, tôi được ngồi đây và nghe những bậc đàn anh chia sẻ quan điểm về công việc quản trị, với anh Thái là ‘sống chậm lại’ hay ‘làm ít thôi nhưng tập trung’, ‘từ từ sẽ thông minh hơn’ và đó cũng là tất cả về thiền.
Thiền tạo ra năng lượng và đối với con người, năng lượng quan trọng hơn bất cứ điều gì. Sức khoẻ là điều quan trọng, nhưng sợi chỉ xuyên suốt trong hệ thống sức khoẻ đó nó chính là năng lượng chạy trong cơ thể mình của mình.
Nếu một người lãnh đạo có đầy đủ năng lượng của sự tích cực, sự ảnh hưởng, sự nhịp nhàng thì người lãnh đạo đó sẽ thành công. Hoặc nếu lỡ như người đó không thành công, thất bại ập đến, họ sẽ không sụp đổ.
Tôi hay nói với các bạn trẻ: các bạn học nhiều thứ quá, nhưng lại không học các kỹ năng vượt khó để có thể bước qua những biến cố trong cuộc đời mà vẫn giữ được sự cân bằng và sức khoẻ. Cái gì cũng qua đi hết, chỉ sức khoẻ còn ở lại với chúng ta.
Quản trị là một công việc rất quyến rũ
(Chuyên gia kinh tế, doanh nhân Trần Sĩ Chương)
Nhiều người cho rằng quản trị là đề tài khá khô khan, tôi cho rằng nó không hề khô khan chút nào.
Quản trị, nói nôm na là kỷ cương mà kỷ cương thì ở đâu cũng cần. Quốc gia không có kỷ cương sẽ loạn, gia đình không có kỷ cương cũng loạn.
Doanh nghiệp không có kỷ cương thì: thứ nhất, không thể phát triển bền vững được – tức không làm giàu và không giữ tiền được; thứ hai là yếu tố kế thừa, doanh nghiệp không có hệ thống quản trị và nguyên tắc quản trị tốt thì không thể để lại tài sản cho ai được cả.
Tôi thấy công việc vừa làm giàu, vừa giữ được tiền lại có thể để lại cho bất kỳ ai mà mình muốn để lại, là một câu chuyện rất quyến rũ và không hề khô khan.
Các trường đại học phải quản trị tốt hơn
(Tiến sỹ Nguyễn Đức Nghĩa – nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP. HCM)
Các trường đại học cần phải quản trị một cách chuyên nghiệp chứ không thể quản lý như ngày xưa nữa. Bây giờ, không phải nhà nước giao chỉ tiêu cho các trường đại học bao nhiêu thì chúng ta làm bấy nhiêu, mà phải làm tốt hơn.
Trường đại học không phải là một doanh nghiệp thuần tuý, nhưng phải quản trị từ tài nguyên và các nguồn vốn ban đầu như cơ sở vật chất, nguồn lực giảng viên…để phát huy được hiệu quả cao nhất. Các trường đại học nên là một trong những thành phần dẫn dắt giới tri thức.
Mặt khác, tôi mong TheLEADER trở thành nơi để các chuyên gia – nhà trí thức hàng đầu gặp gỡ, trao đổi suy nghĩ của mình, để cùng nhau hành động vì một đất nước phát triển bền vững hơn
Trong thời đại này, quản trị niềm tin là quan trọng nhất
(Bà Huỳnh Thị Xuân Liên, Tổng giám đốc nhượng quyền thương hiệu Pepsico Vietnam)
Trong thời đại hiện nay, niềm tin của thế hệ trẻ ngày càng xuống thấp, do đó, những bậc đàn anh, đàn chị như chúng ta làm sao để có thể tạo dựng và quản trị niềm tin, thông qua công việc mình làm, thông qua từng lĩnh vực mình kinh doanh, để gầy dựng lại niềm tin và truyền đạt đến cho giới trẻ.
Chúng ta phải luôn trăn trở làm sao để tiếp tục quản trị bền vững thông qua quản trị niềm tin và làm sao để hai chữ ‘niềm tin’ được phát triển, bảo tồn tốt hơn.
Cốt lõi là quản trị giá trị của thời gian
(Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang)
Nói đến quản trị nhân sự, tài chính, thị trường, thương hiệu… đều xoay quanh cái lõi là quản trị thời gian vì thời gian chính là tiền. Quản trị thời gian giúp chúng ta phân ra mức độ quan trọng, gấp gáp của công việc. Làm thế nào để sắp xếp hàng trăm đầu việc trong ngày, phải biết cái nào là quan trọng, cái gì không quan trọng, cái gì phải tự mình làm, cái gì có thể phân công người khác làm thay, hoặc giao cho cấp dưới…. Nhà lãnh đạo muốn thảnh thơi thì chỉ làm điều quan trọng, đó là nguyên tắc cơ bản của quản trị thời gian cá nhân.
Bên cạnh đó còn quản trị thời gian toàn hệ thống vì tiền chỉ là kết quả cuối cùng. Nhiều người hiểu lầm quản trị thời gian là chấm công. Không phải là quản lý giờ giấc làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà quản lý giá trị của thời gian. Ở cấp nào phải làm công việc tạo ra đơn giá xứng với tiền lương của cấp đó, không thể có mức lương 10.000 ngàn USD lại làm việc chỉ tương xứng với mức 500 USD.
Nói đến quản trị giá trị của thời gian, phải đề cập đến quản trị hạnh phúc nữa. Không chỉ đợi đến khi đã có nhiều tiền, mà chúng ta phải được hạnh phúc ngay trong lúc này, sự phân bổ thời gian cân bằng giữa công việc và hạnh phúc quyết định sự thành công của mỗi người.
Đây là thách thức không nhỏ với người lãnh đạo. Nhà lãnh đạo phải dành thời gian đi đánh golf, du lịch, hưởng thụ thiên nhiên, thiền… để tái tạo năng lượng tinh thần. Với riêng tôi, chơi saxophone và piano cũng là cách để quản trị hạnh phúc.
Các starup và SMEs rất yếu về mặt quản trị
(Ông Lâm Minh Chánh – đồng sáng lập Group Quản trị và khởi nghiệp)
Các bạn startup kể cả các SMEs Việt đều không có nền tảng về quản trị và rất yếu về mặt quản trị. Thường thì các bạn chỉ biết tạo ra một sản phẩm hoặc đam mê một sáng tạo gì đó, rồi cứ bắt tay vào làm. Trong đầu họ thường không có bất cứ một phương án hoặc phương thức quản trị, quản lý cụ thể nào ngoài sản phẩm và ước mơ của họ.
Do đó, các bạn doanh nhân trẻ rất cần các anh chị. Nếu các anh chị muốn chia sẻ công việc quản trị với đàn em, với giới startup, xin mời đến với cộng đồng của chúng tôi.
Phát triển bất động sản bền vững thông qua yếu tố xanh và thông minh
(Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM)
Trong thời gian gần đây, ngành bất động sản có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng cũng lắm thách thức. Theo suy đoán của tôi, năm 2019 sẽ là năm đầy thách thức với giới bất động sản.
Tương lai, ngành bất động sản sẽ phát triển theo xu thế bền vững và có trách nhiệm. Muốn thế, các doanh nghiệp cần phải đi cùng lúc hai con đường: phát triển bất động sản xanh – đề cao tính bảo vệ môi trường và bất động sản thông minh.
Tiếng nói công luận thông qua báo chí đã giúp hiệu quả bảo tồn cao hơn
(Chuyên gia bảo tồn Nguyễn Thị Hậu)
Chúng tôi luôn cố gắng làm đúng cái nghề mà xã hội đã đào tạo, để có thể đóng góp thiết thực cho xã hội. Chưa có năm nào vấn đề bảo tồn lại có nhiều chuyện không vui như năm nay. Chưa bao giờ tôi lại mong mỏi sẽ có một năm an lành như đầu năm nay, vì trong tháng giêng, chúng ta đã có quá nhiều câu chuyện không vui về mặt xã hội.
Tôi rất cảm ơn báo chí, trong đó có TheLEADER đã đồng hành cùng với những nhà nghiên cứu, góp tiếng nói để bảo tồn di tích lịch sử văn hoá của TP. HCM nói riêng và các di sản văn hoá đất nước nói chung.
Trong năm vừa qua, chúng ta đã có hai thành công: thứ nhất là giữ được nhà thờ Dòng tu Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm, sắp tới sẽ được làm hồ sơ di sản thành phố; thứ hai, tạm thời, cho đến bây giờ, Dinh Thượng Thư chưa bị phá và chúng ta đang tích cực vận động để công trình này có được cái quyết định chính thức như nhà thờ ở Thủ Thiêm.
Qua kinh nghiệm từ nghề bảo tồn vài năm gần đây, tôi thấy tiếng nói từ cộng đồng thông qua báo chí rất quan trọng. Tất nhiên, đó phải là tiếng nói có hiểu biết chứ không phải nói theo kiểu cảm xúc, và sự hiểu biết thông qua các kênh báo chí có giá trị rất lớn. Tôi nhận thấy, người nghiên cứu như chúng tôi cần quan tâm hơn đến phương thức công luận này để có thể đạt được hiệu quả bảo tồn cao nhất.