Anh Mạc Như Nhân, sinh năm 1980, không trải qua trường lớp đào tạo mỹ thuật nhưng với năng lực tự học, anh đã hành nghề trang trí nội thất. Từ Tây Sơn (Bình Định) anh chuyển vào TP HCM lập nghiệp. Sau nhiều năm thử nghiệm, anh cho ra đời nhiều sản phẩm thủ công độc, lạ với sự góp mặt của… xơ mướp.
Từ ngày bé, khi anh còn sinh hoạt trong nhà thờ, mỗi dịp lễ, tết, các bạn đều chuẩn bị những món quà tặng nhau. Vì nhà nghèo, không có tiền mua những món đồ đắt tiền nên anh phải tự ngẫm nghĩ tạo ra những món quà “độc”. Nghĩ là vậy nhưng có lúc, ròng rã mấy ngày không tìm ra được cái gì đó có phần… khác người.
Trong một lần phụ mẹ cắt xơ mướp để chùi nhọ nồi, các sợi của xơ mướp đan vào nhau rất đều, lại bền khiến anh chú ý. Anh chợt nảy ra ý tưởng làm một cái kẹp tóc từ xơ mướp. Nghĩ là làm, anh ép xơ mướp cho thẳng, cắt cho khéo, rồi nhuộm màu, sau mấy lần thất bại, cái kẹp tóc đầu tiên cũng chịu xuất hiện. Cô bạn nhận được kẹp tóc thích lắm.
Sau đó có nhiều bạn bè thấy hay hay đặt anh làm. Ban đầu là tặng chơi, sau rồi anh bán. Cách đây 20 năm, cái kẹp tóc đầu tiên làm bằng xơ mướp anh đã bán được 15.000 đồng.
Từ những sản phẩm quà tặng ngày bé, anh đã theo đuổi đam mê khởi nghiệp với xơ mướp, tạo ra những sản phẩm handmade độc đáo, thu hút.
Không được đào tạo qua trường lớp bài bản, lại làm những cái mà chưa ai làm nên tự anh phải mày mò cách xử lý nguyên liệu, thiết kế mẫu hàng.
Với thứ vật liệu mà nhiều người cho là thứ bỏ đi này, anh Nhân lại nảy ra rất nhiều ý tưởng. Với dòng sản phẩm thời trang, anh có túi đeo, nón, cả giày dép; dòng sản phẩm chăm sóc da thì anh có bộ sản phẩm massage mặt, cọ lưng…;đồ gia dụng – lưu niệm – trang trí, anh có kẹp móc khóa, miếng rửa chén, miếng chà chân, tranh, hoa khô và cả lọ cắm hoa… Các sản phẩm không được làm hoàn toàn bằng xơ mướp mà có kết hợp với các vật liệu tự nhiên khác như cỏ bàng Tây Ninh, tre nứa, lá dừa…
Ban đầu, với số vốn ít ỏi, không đủ tiền thuê nhân công, nhóm 4-5 thành viên của anh phải tìm nguyên liệu và tự tay làm. Nguyên liệu được thu mua từ các hộ gia đình chuyên trồng mướp ở Gia Lai, Đồng Nai, Bình Định. Do nguyên liệu tự nhiên nên quá trình chế biến khá lâu. Xơ mướp đủ già sẽ chắc, được bóc vỏ, tách hạt, giặt sạch, ép, phân loại và sau đó đem đi nhuộm bằng màu thực phẩm.
Đã làm ra được những sản phẩm đầu tiên nhưng khi đưa ra thị trường, hàng bị khách hàng đắn đo so sánh với các mặt hàng đa dạng mẫu mã từ nguyên liệu khác.
Tâm lý người tiêu dùng cho rằng xơ mướp là nguyên liệu tầm thường. Nhiều người không biết những sản phẩm đó được làm từ xơ mướp và chưa hiểu hết tác dụng của xơ.
Bên cạnh đó, các sản phẩm làm từ xơ mướp của anh vừa chào đời đã vấp phải hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường, không những rẻ mà còn bắt mắt, người tiêu dùng quay lưng với hàng Việt nên hàng handmade như anh lại khó sống.
Cũng vì vậy mà trong thời gian đầu, doanh thu cơ sở anh Nhân chưa ổn định, chỉ đạt mức trên 10 triệu đồng mỗi tháng.
Nhận thấy sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên, lại không sử dụng thuốc nhuộm công nghiệp, anh Nhân mang các mặt hàng đến phiên chợ xanh để tiếp cận được những người quan tâm đến sản phẩm sạch.
Hiện tại, lượng khách biết đến và đón nhận giày, ví xơ mướp cũng khá đông. Theo chia sẻ của anh Nhân, mỗi tháng, anh thu về vài chục triệu, khi nào cao có thể lên đến 80-100 triệu đồng.
Hiện tại, anh Nhân tiếp cận thị trường chủ yếu qua mạng xã hội Facebook (fanpage “Xơ Mướp Vi Lâm”). Một số người biết đến và thích thú với sản phẩm đã nhận lời làm đại lý. Anh cũng đã có đại diện bán hàng ở một số thành phố khác, ngoài TPHCM. Ngoài bán sản phẩm có sẵn, anh Nhân còn nhận đơn hàng chế tác theo yêu cầu.
Khách hàng của anh hầu như tập trung ở khu vực miền Bắc. Một số khách nước ngoài đặt hàng theo hình thức xách tay. Với đặc điểm không mối mọt, ít bám bụi, ít thấm nước nên bền màu, làm từ nguyên liệu tự nhiên, không dùng màu công nghiệp nên sản phẩm càng được nhiều người biết đến, đặc biệt những ai quan tâm đến đồ sạch.
Trong tương lai, anh Nhân cho biết anh sẽ tiếp tục phát triển để các sản phẩm từ xơ mướp sẽ mở rộng quy mô, hướng tới thị trường nước ngoài. Đồng thời, anh cũng sáng tạo mẫu mã đa dạng hơn để khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn.
Anh chia sẻ: “Điều khiến mình ưng ý và theo đuổi lâu dài là nguồn nguyên liệu xơ mướp rất dồi dào, giá trị của xơ mướp khi làm ra sản phẩm được nâng lên rất cao. Trước đây, quê mình mỗi khi có trái mướp nào già, hầu như là vứt đi, nhưng bây giờ mình đặt mua hết. Ba mẹ mình ở Bình Định làm đại lý thu mua xơ mướp với giá từ 5.000 – 10.000 đồng/cái. Mình cũng đặt một số bà con nông dân ở Củ Chi, Long An. Mướp được cái dễ trồng, mình chỉ mong sau này mở rộng thị trường, sản phẩm có đầu ra tốt hơn, mình sẽ tăng lượng thu mua, tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ.”