Ðoàn Ngọc Hiếu (sinh năm 1988, Lâm Hà, Lâm Đồng) sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông nên niềm đam mê nông nghiệp đã “ngấm vào máu” anh từ thuở ấu thơ.
Chính vì niềm đam mê đó mà anh đã theo học ngành Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Khi tốt nghiệp đại học, anh được học bổng ở lại trường học cao học. Sau đó, được giữ lại trường để giảng dạy và có nhiều cơ hội để học tiến sĩ. Thế nhưng, anh đã xác định ngay cho mình con đường khởi nghiệp: Trồng hoa.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng hạng ưu nên khi quyết định về nhà làm nông dân, bạn bè, người thân ai cũng ngỡ ngàng. Gia đình anh cũng cấm cản vì đường học của anh đang rộng mở, anh có thể dễ dàng tìm kiếm công việc với mức lương cao, trong khi đó làm nông nghiệp là đầu tư một đống tiền và đi lượm lại từng đồng.
Tuy nhiên, với niềm yêu thích và muốn áp dụng việc học vào thực tế, mà quan trọng hơn là muốn tự do khởi nghiệp, anh vẫn quyết tâm làm theo ý mình đã định.
Anh đã từng học lớp khởi nghiệp do tổ chức lao động quốc tế (ILO) tổ chức, tại đây, giấc mơ có một nông trang hoa càng làm anh quyết tâm gắn bó với nghề nông và giấc mơ làm chủ.
Với lối suy nghĩ nông nghiệp là một ngành kinh tế, nó cũng mạnh mẽ, sang trọng, hấp dẫn và dễ kiếm tiền, anh từng bước thuyết phục được gia đình mình vay vốn để mở rộng sản xuất.
May mắn hơn nhiều bạn trẻ khác, anh Hiếu sử dụng nguồn đất gia đình để thực hiện giấc mơ của mình. Từ một chàng kỹ sư nông nghiệp, Hiếu đã không ngần ngại vác cuốc, rựa đi chặt phá cây dại, san lấp mặt bằng. Anh không ngại gian khổ dầm mưa dãi nắng, xắn tay áo cùng nhân công vận chuyển vật liệu làm nhà kính, nhà lưới để trồng hoa.
Những ngày đầu mới chập chững, anh đã nếm một vố đau khi anh trồng giống hoa hồng nhưng không lường trước được thất bại. 6.000 cây giống hoa hồng bị sâu bệnh hoa rũ héo và chết, thế chấp sổ đỏ mới đủ trang trải chi phí thua lỗ.
Trong quá trình học, anh Hiếu đã được tiếp xúc với nhóm chuyên gia Hà Lan mang hoa hồng môn sang Việt Nam trồng thử nghiệm. Vì hồng môn ở Việt Nam chủ yếu người dân trồng và tự cấy mô ra nên chất lượng giống không đảm bảo.
Với khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt anh đã không ngần ngại giao tiếp đặt vấn đề với công ty chuyên cung cấp giống ở Hà Lan. Họ đồng ý nhưng cũng yêu cầu gắt gao về kỹ thuật, kiểm tra bản quyền hạt giống… Hằng năm, họ sẽ có một đội ngũ cán bộ qua Việt Nam để kiểm tra quá trình canh tác của đối tác.
Với 3 sào nhà kính và 3 sào nhà lưới khá hiện đại đầu tư với con số xấp xỉ 1 tỷ đồng, anh Hiếu đầu tư trồng 23.000 gốc hồng môn, cộng giá thể và các loại chi phí khác, vốn đầu tư có giá gần 30.000 đồng/gốc.
Do giống hồng môn rất nhạy cảm với ánh sáng, thiếu sáng cây quang hợp yếu, hoa sẽ không đẹp nên anh phải thường xuyên ở vườn, tính toán mật độ trồng phù hợp, phương pháp tỉa lá… để có được những bông hoa đạt chuẩn, được thị trường chấp nhận.
Không phụ công chăm bón khó nhọc của anh, những cây hồng môn thi nhau đâm chồi nảy lộc. Các loại hồng môn đỏ, hồng, xanh, trắng đẹp lung linh trong khu vườn.
Có sản phẩm rồi, việc tìm đầu ra cũng rất khó khăn vì hồng môn đỏ thì thịnh hành nhưng các loại màu còn lại lại quá mới mẻ trên thị trường.
Anh đã mang hồng môn đi khắp nơi, dựa vào màu sắc bắt mắt, ưu điểm lâu tàn để thuyết phục khách hàng. Dần dần, sản phẩm được thị trường tiếp nhận và ưa chuộng.
Trung bình mỗi tuần anh cắt được 3.500 bông, giá 9.000 đồng cao hơn so với hồng môn Đà Lạt vì chất lượng giống, mẫu mã hoa đẹp hơn. Hiện, sản phẩm của anh đã có mặt ở Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội, TP HCM.
Bằng sự kiên trì và vốn kiến thức nông nghiệp sâu rộng, anh Hiếu đã trở thành ông chủ trẻ chuyên kinh doanh, sản xuất hoa hồng môn ngoại.
Những gì anh có được ngày hôm nay đã minh chứng cho những nỗ lực làm giàu từ tri thức của một thanh niên trẻ, đầy nhiệt huyết. Dự định trong tương lai, anh sẽ mở rộng liên kết trồng hoa để xuất khẩu sang thị trường Nhật và một số nước châu Âu.