CEO của Shondo cho rằng ở thời điểm hiện tại omnichannel là kênh phù hợp với tình thế hiện tại.
Start-up mở màn cho Shark Tank Việt Nam mùa 5 tập 2 là Trần Phạm Thông Hiệp, CEO và Founder của Shondo – thương hiệu giày xăng-đan dành cho giới trẻ. Thông Hiệp cho biết anh đến chương trình để kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần và tự đưa ra 3 lý do thuyết phục các Shark là mẫu mã đẹp, khác biệt; thị trường giày dép ở Việt Nam rất tiềm năng và Shondo đã bán được hơn 1 triệu đôi giày và hiện đang có 20 cửa hàng, 2 nhà máy sản xuất và hàng trăm đại lý bán hàng trên toàn quốc.
Giữa màn thương thảo của anh Hiệp và các Shark, Shark Hưng hỏi tại sao Shondo lại mở thêm 20 điểm bán mà không bán online hoặc trên các nền tảng e-commerce. Shark Hưng cho rằng, nếu startup càng đầu tư xây dựng hệ thống flagship (cửa hàng lớn và hiện đại để tạo trải nghiệm cho khách hàng) thì họ sẽ càng “chết” vì chi phí cố định bởi “không làm gì mở mắt ra đã phải trả tiền thuê nhà rồi trả tiền nhân công, nhân sự”.
Trên sóng truyền hình, anh Hiệp trả lời rằng anh muốn mở thêm nhiều cửa hàng vì giá bán và khách hàng có thể trải nghiệm trước và quay lại mua online. Anh cũng chia sẻ thêm mục tiêu của anh là mở phủ toàn quốc vì đối tượng khách hàng chính là học sinh, sinh viên.
Hậu chương trình, CEO Shondo đã đăng bài chia sẻ thêm trên Facebook những góc nhìn chiến lược khác mà chưa được nhắc đến trên chương trình, tiếp tục phản bác ý kiến của Shark Hưng.
Trước hết, anh khẳng định Shondo không phải là hàng tiêu dùng mà là một đơn vị sản xuất đồ thời trang: “Shondo không phải hàng tiêu dùng, Shondo định vị mình là hàng thời trang, Shondo cũng không đi theo chiến lược cạnh tranh chi phí thấp. Hầu như các brand quốc tế từ Nike,Adidas đến Zara, H&M, các hãng xa xỉ như Chanel, Gucci, Dior đều mở hàng trăm cửa hàng vật lý trải dài trên khắp thế giới. Các brand thời trang lớn ở Việt Nam muốn scale up doanh thu cũng phải mở điểm bán trải dài cả nước”
Góc cửa hàng Shondo
Anh cũng cho rằng trong thị trường ngành thời trang, doanh thu bán từ kênh online là rất ít: “Thị trường online ngành thời trang chiếm bao nhiêu % trên con số tổng các kênh mua hàng từ retail đến wholesale, chợ, siêu thị v.v… ? E là chỉ tầm 10-15%, các bạn thử làm phép tính cộng lại doanh thu/ năm của tất cả các brand lớn như Zara, Uniqlo ,H&M hay của Maison, ACFC được 2 tỷ USD chưa? Đâu đó kênh online chỉ chiếm tầm 15% tổng kênh trên thị trường mà thôi, nghĩa là có rất nhiều doanh thu đến từ retail và wholesale bị bỏ sót vì số liệu không thể thống kê được nếu khách hàng đi ra chợ mua cái áo, cái quần hay đôi dép v..v. Nghĩa là doanh thu từ online còn quá ít và các thương hiệu lớn phải mở cửa hàng để cào thêm doanh thu cũng như thể hiện vị thế thương hiệu của mình”
Anh khẳng định không thể so sánh một brand, với tầm 100-200 sản phẩm với những sàn thương mại điện tử lớn như Shopee hay Lazada được bởi khả năng scale là khác nhau rất nhiều.
Luận điểm không chỉ dừng lại ở việc doanh thu đến từ kênh online là quá ít, anh khẳng định sự phát triển của Logistics và đường xá Việt Nam còn quá kém: “Khi nhìn qua thị trường TMDT Trung Quốc việc mua hàng online chiếm đâu đó 30-50%, nhìn lại Việt Nam dự kiến đạt được con số đó e cũng tầm vài chục năm nữa, khi mà sự phát triển của Logitics, đường xá Việt Nam còn quá kém cũng như thói quen người dùng cần thay đổi nhiều. Thị trường online Việt Nam hiện nay tuy người dân sử dụng Internet cao nhưng để giải trí, làm việc, còn việc mua các mặt hàng có giá trị cao cũng còn dè chừng, rủi ro và thói quen vẫn thích đến trải nghiệm cửa hàng”
Vì thế, anh kết luận: “Không có lý do gì Shondo lại chọn chiến lược kênh phân phối chỉ bán hàng online. Mô hình omnichannel vẫn đang chiếm xu thế kinh doanh hiện tại”
Vào cuối chương trình, start-up này đã nhận lời đề nghị đầu tư 23 tỷ VND cho 30% cổ phần đến từ Shark Hùng Anh.
https://cafef.vn/ceo-startup-ban-giay-goi-thanh-cong-23-ty-tiep-tuc-phan-bac-quan-diem-cua-shark-hung-khang-dinh-van-phai-dua-vao-cua-hang-hoanh-trang-doanh-thu-online-trong-nganh-thoi-trang-la-qua-it-20220616161009307.chn
Theo Tiến Luật
Nhịp Sống Kinh tế