Sau Smartlog, một startup tối ưu logistics nữa lại xuất hiện trong Shark Tank Việt Nam mùa 2. Cũng tự tin và có tham vọng lớn, muốn trở thành startup Unicorn (startup kỳ lân – công ty khởi nghiệp đạt ngưỡng giá trị 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam, nhưng khác với Smartlog, Abivin đã thuyết phục được các cá mập nhờ phần trình bày rõ ràng và các dẫn chứng có cơ sở.
- 06-08-2018 Gặp gỡ người thách thức Oracle: “Indonesia có Go-Jek, Malaysia có Grab,…
- 06-08-2018 Bị từ chối đầu tư vì doanh thu thấp, lợi nhuận âm, chiến lược phát triển…
- 04-08-2018 Gặp gỡ Startup thách thức Oracle mang 1 tỷ USD sang Việt Nam trên Shark…
Xuất hiện trong tập 8 Shark Tank Việt Nam mùa 2, cặp vợ chồng trẻ Nam Long và Hoàng Anh kêu gọi 200.000 USD cho 5% cổ phần của công ty Abivin Việt Nam. Abivin là công ty B2B, cung cấp phần mềm quản lý vận tải tối ưu, có thể giúp các công ty khách hàng tiết kiệm 30% chi phí logistics.
Thuật toán giải quyết bài toán định tuyến đường đi, tiết kiệm 30% chi phí logistics
“Chúng tôi phát triển thuật toán tối ưu để giải quyết bài toán định tuyến đường đi. Có 1.000 đơn hàng, làm sao chúng ta có thể sinh ra một lộ trình tối ưu cho 40 người giao hàng? Mà trong đó phải thỏa mãn ít nhất 20 điều kiện khác nhau, ví dụ như thời gian đóng mở cửa hàng khác nhau, giới hạn về thể tích của các xe vận chuyển…,” Nam Long chia sẻ.
Theo Nam Long, thuật toán để giải quyết bài toán định tuyến đường đi của Abivin giúp chủ doanh nghiệp quản lý được quy trình vận hành trong chuỗi cung ứng, điều các công ty phần mềm khác chưa và khó có thể làm được. Đây chính là thế mạnh của Abivin.
Nam Long từng nhận được nhiều giải quốc gia, quốc tế trong toán học, tin học, vật lý; tốt nghiệp đại học Cambridge ngành khoa học máy tính và từng làm việc tại Google. Trong khi đó, cô vợ xinh đẹp Hoàng Anh tốt nghiệp International Business (Kinh doanh quốc tế) tại Phần Lan, và có background làm việc về logistics, sales và marketing.
Hai vợ chồng Nam Long và Hoàng Anh trong tập 8 Shark Tank Việt Nam mùa 2
Trước câu hỏi của Shark Thủy về con số 30% chi phí logistics tiết kiệm được cho khách hàng, Hoàng Anh cho hay con số đó là do khách hàng tự tính: “Một nhà phân phối ở Hà Nội, một chi nhánh ban đầu có 14 xe giao hàng, sau khi sử dụng hệ thống họ giảm xuống và cần đến 9 xe giao hàng thôi.”
“Và thời gian tiết kiệm được cho người điều phối viên, thay vì dành thời gian 6 tiếng planning (lên kế hoạch) trên paper (giấy tờ) để phân tuyến, họ chỉ cần ấn 1 nút trong vòng vài giây là ra. Giảm thời gian để họ operate (vận hành), tổng hợp, tracking (theo dõi), rồi báo cáo hàng ngày hàng tháng,” cô nói thêm.
Shark Dzung thắc mắc về số lượng xe tối thiểu một công ty có để áp dụng được phần mềm này. Hoàng Anh cho hay một nhà phân phối dù chỉ có 3 xe vẫn dùng được.
“Value (giá trị) họ thích nhất là họ quản lý được các xe đi đâu và làm gì. Đến đúng cửa hàng đấy, tọa độ đấy thì mới check-in được, hoặc là có OTP của cửa hàng đấy,” Hoàng Anh nhấn mạnh.
Tự tin bài toán này trên thế giới ít công ty giải được, ở Việt Nam thì không có đối thủ cạnh tranh, kể cả Smartlog vì công ty này không có thuật toán gì đặc biệt
Như thường lệ, Shark Phú hỏi về tài chính…
Abivin cho hay công ty có hai nguồn chính: một là phí phát triển và triển khai một lần. Hai là phí bản quyền phần mềm người dùng, khoảng 10 – 15 USD/user/tháng. Doanh thu công ty năm 2017 khoảng 1,4 tỷ.
Và câu hỏi với format “Nếu ông lớn nhảy vào thì…”
– Shark Phú: Những công ty đó (Coca-Cola, Pepsi – PV) họ đều có phần mềm logistics. Đội IT của họ chỉ cần cải tiến một chút là sẽ có hết những ứng dụng của em.
– Nam Long: Nếu với lý do các tập đoàn đa quốc gia đã có sẵn các hệ thống thì P&G và Cô gái Hà Lan (những khách hàng hiện tại của Abivin – PV) đã không sử dụng hệ thống này.
– Hoàng Anh: Thuật toán mà bọn em phát triển là một thuật toán trong toán học rất khó để giải được. Hiện giờ trên thế giới cũng có rất ít công ty có thể giải được.
– Shark Phú: Anh không tin Oracle họ không copy được.
– Hoàng Anh: Hiện giờ họ đang nghiên cứu hoặc là phát triển trong vòng vài năm tới. Thật ra hiện giờ bọn em đang partner (hợp tác) với họ, tại sao họ lại đuổi theo bọn em trong khi họ không partner với bọn em để làm việc đấy ạ?
– Shark Phú: Partner là họ mua em?
– Hoàng Anh: Họ mà mua em thì sẽ là một exit strategy (chiến lược thoái vốn) luôn cho nhà đầu tư.
Câu hỏi quen thuộc của Shark Phú
Hoàng Anh tự tin tuyên bố với Shark Phú “không có ai là đối thủ cạnh tranh trên thị trường,” bao gồm Smartlog – startup từng lên Shark Tank mùa 2 và mạnh miệng: “Oracle mang 1 tỷ USD qua đây nếu không thì không nói chuyện.”
“Bên đấy bọn em không consider là đối thủ cạnh tranh. Vì họ không phát triển thuật toán gì đặc biệt.”
– Shark Phú: Trước đây Shark Tank vừa có Smartlog đấy, em có biết không?
– Hoàng Anh: Bên đấy bọn em không consider (xem là) đối thủ cạnh tranh của bên em. Bởi vì bên họ không phát triển thuật toán gì đặc biệt.
– Shark Phú: Họ cũng nói là họ định tuyến, họ làm tương tự như em?
– Hoàng Anh: Em có thể prove (chứng minh) luôn là cho thử luôn để so sánh kết quả giữa hai bên.
– Shark Phú: Lúc trước anh hỏi họ nói là họ vô địch ở Việt Nam, không có ai bằng họ?
– Hoàng Anh: Các công ty lớn các tập đoàn đa quốc gia đều có department về purchasing, họ đi tìm tất cả các vendor (nhà cung cấp), thì họ cũng nói với bên em là mảng Vehicale Routing Problem (hoạt định tuyến đường) bên em đang có thế mạnh.
Hoàng Anh nhấn mạnh chưa có nhà cung cấp nào trong thị trường Việt Nam (local vendor) có thể cung cấp được giải pháp này. Và dù các đơn vị trong ASEAN cũng đang bắt đầu nghiên cứu lĩnh vực này, startup này tự tin vì ở thị trường Việt Nam.
“Ở Việt Nam có những điều kiện rất khó. Thuật toán của bọn em đã có rất nhiều điều kiện như vậy rồi,” cô nói.
Tham vọng thành startup Unicorn B2B đầu tiên của khu vực và màn tranh giành của Shark Phú và Shark Dzung
Tuy nhiên, Shark Dzung Nguyễn lo ngại mô hình B2B (khách hàng là doanh nghiệp) là trở ngại tăng trưởng cho Abivin.
“Thời gian để sales một khách hàng là bao lâu?,” Shark Dzung đặt câu hỏi. Với khoảng thời gian từ 3 – 6 tháng, thậm chí 1 năm để có 1 khách hàng mới, dù Abivin tự tin trở thành Startup Unicorn B2B đầu tiên trong khu vực, Shark Dzung vừa cười vừa lắc đầu:
“B2B nói chung là… chuối. Khoai lắm không dễ đâu”. “Một khách hàng em sell từ 3 – 6 tháng, có khi cả năm trời. Mà bây giờ cả năm trời em chỉ thu 10000 – 80.000 USD một khách hàng (phí triển khai công nghệ một lần Abivin áp dụng với doanh nghiệp khách hàng – PV) thì làm sao em trở thành unicorn được. Không lẽ em xây 100 năm?”
Shark Hưng không đầu tư vì lĩnh vực B2B phụ thuộc vào người khác. Shark Linh cho rằng mình không có kinh nghiệm nhiều về lĩnh vực này và không giúp nhiều cho startup nên quyết định không đầu tư.
Shark Dzung Nguyễn nói: “Anh khá thích 2 em vì giờ anh đang tìm người làm sản phẩm – kỹ sư, công nghệ thông tin các thứ – tìm mỏi mắt. Vì anh có rất nhiều dự án mà thiếu người. Ở Việt Nam anh cũng có 1 công ty logistics và một số đối tác trong network (mạng lưới) của anh là mấy chục công ty đấy, có thể trở thành khách hàng của em.”
Shark Dzung đề nghị đầu tư 200.000 USD cho 20% cổ phần – cao hơn so với mức 10% cổ phần vì theo Shark Dzung, “anh vào anh đi xây cùng em chứ không chỉ mỗi là bỏ tiền không.”
Shark Dzung Nguyễn
Shark Phú nhận xét: “Đồng chí Dũng định giá hơn cao.”
Chủ tịch Sunhouse đưa ra offer 200.000 USD đổi lấy 20% – giống với Shark Dzung…
“Nhưng thứ nhất, anh có thêm 3 khách hàng… Tức là Richy, Sunhouse và công ty hàng hải Sài Gòn của anh…”
Shark Dzung liền ngắt lời: “Nhưng mà em thêm có 3 khách hàng có ăn thua gì đâu.”
Sau khi Shark Thủy đề nghị đầu tư 210.000 USD cho 20%, Shark Phú chủ động giảm tỉ lệ sở hữu, vẫn là 200.000 USD nhưng đổi lấy 15% cổ phần.
– Shark Phú: Có vấn đề anh thấy các em, là thiếu tư duy kinh doanh, mà cái đó anh có thể giúp các em.
– Shark Dzung: Startup cần một người như kiểu mentor cho bọn em, là một cái GPS và định hướng cho em đi xa và đạt được cái vision (tầm nhìn) sao cho nó lớn.
– Shark Phú: Em phải cẩn trọng vì anh Dũng đầu tư mấy chục công ty thì thời gian đâu mà quan tâm.
Chủ tịch Sunhouse lại nhắc lại về tư duy kinh doanh: Anh không tin là em sẽ thành công nếu không có người tư vấn cho em về quản trị. Vì anh thấy là 3 năm rồi vẫn lỗ.
– Em thấy sự khác biệt giữa một nhà đầu tư công nghệ và một nhà đầu tư truyền thống? Em chọn đi! – Shark Dzung Nguyễn đối đáp.
Abivin nghiêng về phía Shark Dzung vì vị cá mập này từng có kinh nghiệm đồng hành với startup lên mức Unicorn trong khu vực.
Sau khi đề nghị Shark Dzung giảm tỉ lệ sở hữu xuống 10% hay nâng số tiền (vẫn đổi lấy 20% cổ phần công ty nhưng với số tiền 400.000 USD) đều không được, hai vợ chồng Nam Long và Hoàng Anh chấp nhận đề nghị đầu tư của Shark Dzung: Đầu tư 100.000 USD cho 10% cổ phần, và 100.000 USD còn lại là trái phiếu chuyển đổi, lãi suất 10%.
“Chúng tôi mong muốn đưa Abivi trở thành Unicorn, có thể là số 2, số 3 của Việt Nam”, Nam Long chia sẻ sau khi gọi vốn thành công.
Vài nét về Abivin
Phần mềm quản lý vận tải tối ưu của Abivin gồm 2 thành phần chính: web app dành cho người quản lý và mobile app dành cho nhân viên giao hàng. Khách hàng hiện tại của startup này là các công ty, tập đoàn lớn trong lĩnh vực FMCG và logistics trong khu vực Đông Nam Á, gồm P&G, Frieslandcampina…
Theo 2 founder Nam Long và Hoàng Anh, tốc độ tăng trưởng doanh thu của Abivin năm 2017 tăng 243% so với năm 2016. Năm 2018 dự kiến mức độ tăng trưởng hơn 800%, tổng mức doanh thu dự kiến 5,6 tỷ đồng.
Kêu gọi đầu tư: 200.000 USD đổi lấy 5% cổ phần
Kết quả: Nhận 200.000 USD từ Shark Dzung, trong đó 100.000 USD cho 10% cổ phần, và 100,.000 USD còn lại là trái phiếu chuyển đổi, lãi suất 10%.
Thảo Thảo
Theo Trí Thức Trẻ