Những lo lắng khi mở cửa Internet 20 năm trước đã trở thành hiện thực. Bây giờ chúng ta có rất nhiều tranh luận: quản lý DN nước ngoài thế nào, như Uber, grab chẳng hạn. Điều này rất khó, ngay cả Mỹ cũng chưa có câu trả lời là hành xử như thế nào với các DN Internet. Theo tôi, trong 10 năm tới vai trò của Internet sẽ vượt xa tầm ảnh hưởng của nội dung số (tin tức, xem phim, quảng cáo…), những trận chiến thuộc về những ngành mới, mà Uber, Grab đang là những ví dụ nóng hổi trên thị trường. Các DN nội dung số không thể nói “làm sao tui khổ quá, không được bình đẳng với DN nước ngoài”.
Bản chất sâu xa của Internet ngoài việc liên quan đến khái niệm mở cửa là thay đổi mô hình kinh doanh. Một tranh cãi nóng hổi gần đây là chuyện Google, Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam. Theo tôi nên nhìn vấn đề sâu hơn, Việt Nam không thể nào cấm cửa các dịch vụ lớn của nước ngoài.
Sẽ luôn có sự mâu thuẫn giữa các DN Internet công nghệ và các ngành nghề kinh doanh truyền thống, mâu thuẫn đó là quá trình phát triển bình thường của kinh tế xã hội. Ngày hôm nay có thể tranh luận nhưng 10 – 20 năm nữa nó đã trở thành chuyện bình thường, cho dù hiện tại DN trong nước phải cạnh tranh vật vã.
Ngay các nước phát triển cũng chưa có giải pháp để kiểm soát quyền lực của các công ty Internet như Google, Facebook, Amazon, Alibaba… Mỹ chỉ mới điều trần quốc hội, tại châu Âu thì các tòa án kinh tế đang tìm cách kiểm soát, cân bằng từ thuế đến các quy định về kiểm soát dữ liệu, đảm bảo thông tin cá nhân, thì tôi nghĩ Việt Nam cũng đừng quá lo về các vấn đề này. Chúng ta có lợi thế là đi sau, sẽ tìm cách học hỏi thêm. Điều quan trọng là tiếp tục tháo gỡ càng nhiều rào cản cho các DN nếu muốn hội nhập, tận dụng.
Mười năm tới sự thay đổi của Internet sẽ khủng khiếp hơn nội dung số hay thông tin hiện nay, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến khoảng 40-50% GDP thay vì hiện tại mới 2-3% GDP. Thậm chí DN phải chấp nhận thực tế là sẽ có sự tham gia của rất nhiều DN nước ngoài bởi VN là một thị trường hấp dẫn. Khi nhà đầu tư vào sẽ tạo ra dịch vụ công nghệ mới thì mọi người cùng hưởng lợi.
Doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư nhiều vào những lĩnh vực mới sẽ chiếm 40 – 50% GDP trong 10 năm tới. DN trong nước chắc chắn sẽ phải cạnh tranh với các DN nước ngoài vào Việt Nam, nhưng thị trường rất rộng lớn. Với các dịch vụ nội địa thì DN trong nước vẫn có lợi thế trong việc bám sát và hiểu rõ khách hàng của mình. Mặt khác, hiện DN Internet Việt Nam ra thế giới còn chậm. Các DN thành công ở thị trường quốc tế vẫn mang tính thời điểm và may mắn chứ chưa mang tính tổng thể với chiến lược lâu dài.
Vậy khi Internet đã mở thì phải mạnh dạn bước ra thế giới. Dù khó vẫn phải mở rộng thị trường, gia tăng năng lực của chính mình.
* Lê Hồng Minh – Chủ tịch Công ty VNG. Bài viết do Hoàng Duy ghi