Chuyên gia Australia: ‘Startup Việt cần có tư duy quốc tế ngay từ ý tưởng’

0
626

”Nhiều startup Việt nếu sang Australia sẽ không thể thành công”, chuyên gia Tony Wheeler chia sẻ tại chuỗi hội thảo về khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội. Sự kiện diễn ra trong hai ngày 11và 13/8, với các chủ đề về ”Họp mặt hệ sinh thái khởi nghiệp” và ”Đầu tư thiên thần – Vì sao khởi nghiệp Việt cần có nhà đầu tư thiên thần đồng hành”.

Tony Wheeler là cố vấn phát triển khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia về đổi mới sáng tạo tại Australia. Ông có 25 năm kinh nghiệm trong vai trò xây dựng, quản trị, cố vấn và tư vấn cho các dự án khởi nghiệp và công nghệ.

Tư duy quốc tế

Ông Tony cho hay, hiện nay, nhiều startup Việt mang giải pháp không có tính toàn cầu. Theo ông, các công ty khởi nghiệp cần có ”tư duy quốc tế” (go global) ngay từ khi hình thành ý tưởng, cũng như phải được tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với thị trường thế giới thông qua các hoạt động gặp gỡ, đào tạo với đội ngũ cố vấn, chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm quốc tế.

Vị chuyên gia Australia cũng đưa ra thống kê, tại nước này, các sản phẩm được sản xuất phục vụ thị trường nội địa chiếm hơn 83%, tại Mỹ là 10%, tại Anh là 2%, còn lại 4% tại các khu vực khác. ”Australia đang bỏ lỡ nhiều thị trường tiềm năng khác trong khu vực như Đông Nam Á, Đông Á”. Theo ông, Việt Nam cần tận dụng các thị trường quốc tế để phát triển hết tiềm năng. 

Theo đó, vai trò của nhà nước được ông Tony nhấn mạnh: ”Nhà nước cần cung cấp những nguồn vốn ban đầu, kết nối mở rộng thị trường, xây dựng hệ thống nhà đầu tư và đặc biệt là xây dựng một cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cùng các chương trình ưu đãi về thuế, visa,… dành riêng cho các thành tố trong hệ sinh thái”.

Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cần hợp tác hơn là cạnh tranh

Mô hình khởi nghiệp như tại Silicon đang dần kém hiệu quả khi có sự cạnh tranh lớn giữa các thành viên”, vị chuyên gia này nhận định tại hội thảo ngày 11/8, đồng thời đánh giá cao các mô hình khởi nghiệp sáng tạo mới, đề cao sự hợp tác như tại Israel, Mỹ, Anh. ”Chỉ khi các thành viên trong hệ sinh thái kết hợp, làm việc cùng nhau, khởi nghiệp lúc đó mới thành công”, Tony đưa ra lời khuyên.

Chuyên gia khởi nghiệp Tony Wheeler chia sẻ tại sự kiện.

Chuyên gia khởi nghiệp Tony Wheeler chia sẻ tại sự kiện.

”Australia có văn hóa đề cao tính cá nhân, làm việc độc lập. Các startup trong nước thường cạnh tranh với nhau hơn là với doanh nghiệp ngoại”, ông Tony chia sẻ. ”Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, khoáng sản, khai thác dầu mỏ, việc cạn kiệt tài nguyên đặt ra yêu cầu bức thiết về tái tạo năng lượng, nghĩ ra các mô hình kinh doanh theo hướng sáng tạo tại Australia”, vị chuyên gia cho biết, đồng thời liên hệ sang Việt Nam: ”Các doanh nghiệp Việt cần ngồi lại với nhau, tìm ra những điểm mạnh của văn hóa để tận dụng, phát triển”.

Mặt khác, theo ông, việc đi sau trên con đường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể coi là lợi thế của Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước.

Đầu tư thiên thần trong khởi nghiệp

Từ việc phân tích môi trường khởi nghiệp tại Queensland, Australia, vị chuyên gia chỉ ra các thành tố cần thiết cấu thành nên hệ sinh thái điển hình, bao gồm Chính phủ, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, công ty khởi nghiệp…

Nói về đầu tư khởi nghiệp, ông Tony khẳng định đây là một hoạt động rủi ro, đặc biệt với nhà đầu tư thiên thần.

Tọa đàm bàn về thực trạng nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam.

Tọa đàm bàn về thực trạng nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam.

Vị chuyên gia dẫn ra thống kê, tại Australia, nhà đầu tư thường đầu tư 10 dự án cùng lúc, thường 5 -10 nghìn AUD cho mỗi công ty, hầu hết đều thất bại, theo tỷ lệ 7:2:1, có nghĩa là 7 dự án lỗ, 2 dự án hòa vốn, một dự án có thể mang lợi nhuận gấp 10 lần.

Để chọn được một dự án mang lợi nhuận đó, ông cho hay: ”Nhà đầu tư thường lựa chọn dựa trên đội ngũ sáng lập còn hơn là ý tưởng”. Đội ngũ cần có kỹ năng quản lý tài chính, nắm được rõ doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận, chi phí… Bên cạnh đó, chiến lược bán hàng, nghiên cứu và phát triển thị trường cũng cần chú trọng.

Tại Australia, Chính Phủ nước này còn đưa ra nhiều luật lệ, quy định điều kiện trở thành nhà đầu tư thiên thần, về kiến thức, kinh nghiệm, khối tài sản để đảm bảo hoạt động đầu tư tài chính, giảm thiểu rủi ro. Các startup khi ”chọn mặt gửi vàng” các nhà đầu tư thiên thần, nên cân nhắc nhiều tiêu chí, trong đó có ”smart money”.  Có nghĩa là, nhà đầu tư cũng đóng vai trò là mentor (nhà cố vấn), giúp đưa ra lời khuyên tốt nhất.

Ông Tony cũng chia sẻ về mô hình Câu lạc bộ đầu tư và ”Hợp tác xã đầu tư thiên thần” tại Australia. Chuyên gia cho hay, tại nước này, các nhà đầu tư sẽ tập hợp thành nhóm từ 5 đến 10 người và lựa chọn đầu tư ít nhất là 10 dự án cùng lúc để giảm thiểu rủi ro cũng như tăng cơ hội thành công. Các địa phương còn tổ chức những ”startup weekend”. Theo đó, các dự án sau khi được thuyết trình ý tưởng tại các câu lạc bộ, tổ chức, sẽ ngay lập tức được ”ra đường”, tiếp cận người dân để thử nghiệm phản ứng của thị trường, từ đó đánh giá được độ khả thi.

Cũng nằm trong khuôn khổ sự kiện, mô hình thí điểm sàn gọi vốn cộng đồng lấy cổ phần (equity-based crowdfunding) được bà Phan Hoàng Lan – đại diện Văn phòng Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo – Bộ Khoa học và Công nghệ) giới thiệu đến các nhà đầu tư và các Startup Hà Nội, nhằm lấy ý kiến về các nội dung như tổ chức đứng ra thực hiện và quản lý sàn, công nghệ thực hiện cũng như quy định đối với các nhà đầu tư tham gia sàn.

Sự kiện thu hút nhiều nhà đầu tư, sáng lập startup, đại diện quỹ đầu tư, vườn ươm.

Sự kiện thu hút nhiều nhà đầu tư, sáng lập startup, đại diện quỹ đầu tư, vườn ươm.

Bình luận về chủ đề này, các nhà đầu tư hầu như đều thống nhất quan điểm về việc có một hệ thống pháp lý đủ mạnh để đảm bảo cho sàn gọi vốn được hoạt động một cách minh bạch và hiệu quả. Theo đó, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn Quản Lý Việt (VMCG) chia sẻ: ”Việc hình thành một sàn gọi vốn cộng đồng là rất cần thiết vì nhu cầu gọi vốn của Startup cũng như nhu cầu của chính các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhưng cũng cần có một hệ thống pháp lý rõ ràng để quản lý và đảm bảo quyền lợi cũng như phòng tránh rủi ro cho các bên thực hiện và tham gia sàn gọi vốn”.

Chuỗi hội thảo ”Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển mạng lưới đầu tư thiên thần cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được tổ chức bởi Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đề án 844 (Bộ Khoa học và Công nghệ), phối hợp với Startup Vietnam Foundation (SVF – Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam), eSpace Coworking, The Vuon và Swiss Entrepreneurship Program (Swiss EP).

Phạm Vân

Chuyên gia Australia: ‘Startup Việt cần có tư duy quốc tế ngay từ ý tưởng’
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here