Doanh nghiệp xã hội ngấm đòn Covid-19

0
383

Khảo sát trực tuyến nhanh được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng CSIP thực hiện trong tháng 3, trên 78 doanh nghiệp xã hội, chủ yếu hoạt động ở Hà Nội và TP HCM, thuộc nhiều lĩnh vực như nông, lâm nghiệp, thủy sản, giáo dục đào tạo, thủ công mỹ nghệ, y tế, du lịch…

77% doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh chịu tác động nghiêm trọng hoặc vô cùng nghiêm trọng vì dịch bệnh, trong đó, 10% cho rằng đang đứng trước nguy cơ phá sán, đóng cửa.

23% còn lại đánh giá ảnh hưởng ít hoặc vẫn có thể ứng phó được ở hiện tại. Đây phần lớn là các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, không bị sụt giảm về nhu cầu, các đơn vị sản xuất nông sản chưa đến mùa thu hoạch nên chưa bị áp lực về bán hàng trước mắt. Ngoài ra, những đơn vị hoạt động ở quy mô hộ kinh doanh siêu nhỏ ở vùng nông thôn, chưa tham gia chuỗi giá trị sâu cũng ít bị ảnh hưởng trước các biến động thị trường.

Mức độ ảnh hưởng từ Covid-19 theo đánh giá của các doanh nghiệp tác động xã hội. Nguồn: CSIP.

Mức độ ảnh hưởng từ Covid-19 theo đánh giá từ doanh nghiệp xã hội. Nguồn: CSIP.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản và thủ công mỹ nghệ trong khảo sát khẳng định chưa có ảnh hưởng trực tiếp do đang thực hiện những hợp đồng giao hàng từ trước. Khó khăn lớn đến từ yêu cầu giãn cách xã hội tác động đến hoạt động vận chuyển hàng hóa. 

Khảo sát cũng đánh giá những vấn đề lớn nhất doanh nghiệp xã hội đang gặp phải trong Covid-19. Trong đó, đa số doanh nghiệp cho biết chịu tác động tiêu cực trong hoạt động bán hàng, gồm suy giảm doanh thu từ khách hàng hiện có (76,9%), gặp khó trong phát triển thị trường (59%). Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp gặp khủng hoảng trong duy trì dòng vốn lưu động chi trả cho chi phí nhân sự, vận hành doanh nghiệp (41%) và chi phí thuê mặt bằng (37,2%). Ngoài ra, giãn cách xã hội khiến cho việc vận hành doanh nghiệp bị gián đoạn (38,5%) và thiếu hụt nhân sự (34,6%).

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến nhóm yếu thế là các đối tác, người sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp xã hội. Cụ thể là việc hạn chế hoặc ngừng hoàn toàn thu mua nông sản từ hộ nông dân nhỏ. Tác động rõ thấy khác là việc làm của nhiều nhóm yếu thế như người khuyết tật, phụ nữ yếu thế bị đe dọa, việc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho nhóm này cũng bị gián đoạn, sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp nông thôn, miền núi…

Về hướng giải quyết, phần lớn doanh nghiệp xã hội cho điểm cao với những giải pháp liên quan đến thị trường và huy động nguồn lực, nhằm xử lý những vấn đề khẩn cấp trước mắt. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có nhu cầu lớn trong việc rà soát chiến lược kinh doanh trong giai đoạn hiện tại và tiến hành các hoạt động chuyển đổi số cả về vận hành và bán hàng. Nhóm doanh nghiệp cũng mong muốn được trao đổi và đối thoại với các chuyên gia trong các lĩnh vực, ưu tiên các hình thức tư vấn, trao đổi trực tiếp nhằm giải quyết cụ thể các vấn đề.

Phong Vân

Doanh nghiệp xã hội ngấm đòn Covid-19
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here