Ngay từ khi bắt đầu với quán cà phê chỉ rộng 30 m2 trong một khu vắng vẻ, Founder …Ka Coffee Vũ Trường Giang đã có tầm nhìn rằng mô hình tối giản của mình có thể nhân chuỗi được. Anh cho biết mọi người thường nghĩ nguồn vốn là vấn đề khó khăn khi mở chuỗi, nhưng thực ra không phải.
…Ka Coffee là một trong những thương hiệu F&B tiên phong cho phong trào kinh doanh cà phê rang xay chất lượng cao, được thành lập từ năm 2020 và hiện có 4 quán tại Hà Nội, 1 quán tại TP. HCM.
Ngay từ cuối năm 2019, Founder …Ka Coffee Vũ Trường Giang đã bắt đầu suy nghĩ về một mô hình nhỏ gọn, tinh giản, phù hợp với giới trẻ. Thay vì mở cửa hàng quy mô lớn, anh muốn bán cà phê ngon. Để làm được điều đấy thì những thứ xung quanh nên tối giản để khách hàng tập trung vào cà phê. Thêm vào đó rủi ro kinh doanh cũng thấp. Mặt bằng quán đầu tiên của …Ka chỉ rộng 30 m2 nên không tốn nhiều chi phí.
“Mình bắt đầu với một tầm nhìn khá lớn. Ngay từ lúc đó chúng tôi đã nghĩ rằng mô hình tối giản như thế này có thể nhân rộng được, nhưng kiểm soát rủi ro khá chặt”, anh Vũ Trường Giang chia sẻ trong series Chapter0 của Rising Vietnam.
“Một quán độc lập rất khó tồn tại ở thời đại bây giờ”
Sau khi đã mở được 5 cơ sở của …Ka Coffee, anh Giang bày tỏ mong muốn truyền cảm hứng tới những chủ quán độc lập rằng nên có tham vọng mở chuỗi, bất kể quy mô nhỏ, trung bình hay lớn.
“Với thời đại kinh doanh hiện nay, tôi thấy mô hình chuỗi bền vững hơn, dựa vào nhiều yếu tố. Thứ nhất, khi làm chuỗi bạn sẽ có đủ vị trí và doanh thu để giữ chân những nhân sự đủ tốt trong 5-10 năm. Nếu làm một quán thì không bao giờ đủ tiền để giữ nhân sự 3-5 năm hoặc lâu hơn. Như thế business của mình không đủ bền vững.
Thứ 2, khi đã nhân được chuỗi, thương hiệu của bạn dần trở thành một tài sản. Bạn có thể mất 1-2 quán vì vấn đề mặt bằng, nhưng thương hiệu vẫn còn và vẫn nhân được tiếp. Còn khi chỉ có một quán, mất mặt bằng đó coi như mình mất hết.
Thứ 3, bạn sẽ vừa có động lực, vừa có kinh tế để tập trung vào kiểm soát nguyên liệu và R&D (nghiên cứu và phát triển) sản phẩm. Đó chính là một cái lõi nữa để mình tồn tại lâu dài.
Từ ba điểm đó, tôi rất muốn truyền cảm hứng tới mọi người rằng phải có tham vọng hơn, mở thành chuỗi, không thì một cửa hàng độc lập rất khó để tồn tại ở thời đại bây giờ”, Founder của …Ka phân tích.
Anh Giang nêu ra ngoại lệ một số quán may mắn theo đúng trend hoặc quy mô lớn thì thành công được trong 1-2 năm, nhưng thời gian đó chưa đủ để hoàn vốn trong ngành kinh doanh quán cà phê.
Theo ông chủ của …Ka, những quán hoạt động tốt thì 2 năm hoàn vốn, trung bình cần khoảng 3 năm, kém hơn nữa thì 4-5 năm là chuyện bình thường. Sau vài năm, giả sử bị lấy lại mặt bằng, chủ những quán độc lập coi như mất quán. Đó là lý do anh cho rằng mở chuỗi chính là lời giải.
Nguồn vốn không phải vấn đề khó khăn khi nhân chuỗi
Đề cập đến điều kiện để mở chuỗi cà phê, anh Giang cho biết ngay từ khi thành lập, người làm đã phải đào sâu về sản phẩm và định hướng thương hiệu nhất quán. Hai yếu tố này sẽ tạo ra sức mạnh để mở chuỗi. Những quán tiếp theo sản phẩm vẫn nằm trong menu đấy, vẫn thương hiệu đấy. Khách hàng đến vì 2 thứ đó, vấn đề là phải làm đủ sâu.
“Mọi người hay nghĩ vấn đề khó khăn là vốn, nhưng thực ra lại không khó khăn. Người Việt mình có nhu cầu mở quán cà phê rất lớn, nên chỉ cần một quán đủ tốt, số người muốn đầu tư tiền để bạn mở thêm quán nữa rất nhiều, và mình có quyền được chọn. Cho nên vấn đề ở đây không phải vốn mà là cách hợp tác, khả năng đưa ra cơ chế và thực thi cơ chế đấy với các đối tác một cách tốt nhất”, anh Giang nêu quan điểm.
Trước câu hỏi làm sao để tối ưu vận hành, anh Giang chỉ ra rằng cần chuẩn bị nhân sự thật tốt, đặc biệt là người quản lý, thay vì chỉ tập chung vào những nhân viên pha chế.
“Để quản lý một cửa hàng đòi hỏi những bộ kỹ năng phải được chuẩn bị một cách rõ ràng, ví dụ như quản lý con người, truyền động lực cho nhân viên, tạo ra uy tín… Những thứ đó không đào tạo các bạn không làm được. Cách đây 1 năm, tôi tự viết giáo trình về cách quản lý vận hành các cửa hàng, dùng giáo trình đấy để đào tạo nội bộ.
Đối với người founder, dần dần thay vì làm các công việc trực tiếp thì mình lùi lại, làm những việc gián tiếp để giúp những bạn làm trực tiếp làm tốt hơn. Ví dụ như đào tạo, R&D, tìm kiếm các nguồn lực và đối tác. Hiện giờ 50-70% thời gian của tôi là làm đào tạo. Tôi nghĩ sau này các chủ quán khác cũng sẽ thế, vì người hàng ngày gặp khách hàng đâu phải mình, mà là nhân viên, barista, quản lý quán”, anh Giang chia sẻ.
Founder …Ka nói thêm rằng việc nhân chuỗi xuất phát từ tham vọng. Khi có tham vọng và mục tiêu, cách hành động cũng sẽ thay đổi. Người sáng lập sẽ biết rằng mình không thể nào tự làm tất cả, mà phải chuyển sang đào tạo cho người khác làm và quản lý được. Thêm vào đó, anh lưu ý không được sai trong việc chọn mặt bằng cho cửa hàng thứ 2 và thứ 3, để tránh bị đứt quãng nhân chuỗi ngay tại đó.
Minh Anh