Trước đây, ông Mai Huy Tân là một tiến sĩ toán học. Năm 1988 là một thời điểm rất khắc nghiệt của giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới. Tại cơ quan ông công tác, Bộ cắt bớt một nửa quỹ lương, nên cơ quan phải tự làm kế hoạch 3 để lo lương cho một nửa số cán bộ còn lại.
Với ý thức tự trọng của một nhà khoa học và tâm đắc với lời kêu gọi “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, ông Tân tự nguyện xung phong vào số phải tự lo lương bằng các hoạt động khác, đương nhiên là “phi toán học”.
Sau 30 năm làm việc cho cơ quan nhà nước, ông Tân quyết định rời bỏ công chức và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh vào năm 2000. Khi đó, vị tiến sĩ này đã bước qua tuổi 50.
Xuất phát từ suy nghĩ “Đời người ai cũng phải ăn, phải uống và phải chết”, trong đó “nhu cầu ăn là mãi mãi”, ông quyết định sản xuất thực phẩm ăn uống.

Từng du học tại Đức nên ông quyết định hợp tác cùng với người bạn của mình sản xuất xúc xích Đức. Ông phân công nhiệm vụ: người bạn Đức lo máy móc, đưa chuyên gia làm xúc xích sang Việt Nam, còn mình lo phần việc ở Hà Nội là thuê xưởng và chuẩn bị sản xuất.
Với số vốn khiêm tốn, Công ty TNHH Đức Việt được thành lập trong một xưởng nhỏ với diện tích hơn 200m2 tại quận Thanh Xuân – Hà Nội.
Sau 8 tuần lễ với một núi công việc, xưởng của ông đã cho ra lò mẻ xúc xích đầu tiên từ 2 con lợn. Đây là tốc độ làm việc đáng kinh ngạc mà báo chí Đức khi đưa tin về sự kiện này cũng phải thừa nhận.
Nhưng sản phẩm ra đời, thị trường tiêu thụ là vấn đề mà ông phải đối diện và tìm cách mở rộng. Xúc xích là thực phẩm đồ ăn, không bảo quản được lâu và siêu thị từ chối bán xúc xích chưa có thương hiệu, nên khâu bán hàng lúc đó là cấp bách nhất. Ông đã đưa ra những cách tiếp thị khởi đầu sáng tạo.
Là ông chủ, đích thân ông Tân phải vừa điều hành công ty, vừa mặc đồng phục nhân viên tiếp thị đi mời khách ăn thử xúc xích ở các quán bia. Công ty phải đăng quảng cáo trên báo Nhi đồng và mua báo phát ở một số trường học kèm phát xúc xích miễn phí. Tiếp đó, ông mở cửa hàng đầu tiên ở vị trí đông dân cư và thành công bất ngờ.
Nhờ đó, thương hiệu xúc xích Đức Việt được phổ biến rộng rãi, đến nay trở thành sản phẩm xúc xích chiếm thị phần số 1 tại Hà Nội hiện nay.
Năm 2002, với số vốn đầu tư của nước ngoài, công ty của tiến sĩ Tân chuyển đổi thành Công ty Liên doanh Đức Việt.
Cũng năm 2002, vào dịp Tết, ở cửa hàng tại 22 Triệu Việt Vương, khách hàng mua hàng xếp dài cả sang phố khác, thì một quyết định táo bạo của doanh nhân Mai Huy Tân được đưa ra.
Ông quyết định xây dựng nhà máy sản xuất có quy mô 1000 tấn xúc xích/năm, gấp 50 lần so với công suất dự kiến ban đầu của xưởng cũ. Để thực hiện quyết định táo bạo này, ông đã bán căn nhà ở phố Huế và vay thêm tiền ngân hàng mở nhà máy mới. Ông tâm sự đó là quyết định mạo hiểm nhưng có tính toán nên ông không cảm thấy sợ hãi.
Nhà máy sản xuất mới được xây dựng ở Hưng Yên trên khuôn viên có tổng diện tích 36.000 m2. Tốc độ xây dựng nhanh đáng kinh ngạc như xưởng sản xuất đầu tiên. Sau Tết năm 2004, nhà máy được khai trương. Hết năm 2008, công ty Đức Việt đã trả hết cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng.
Năm 2008, công ty chuyển đổi thành Công ty CP Thực phẩm Đức Việt với nhiều cổ đông tham gia góp vốn vào công ty. Số lượng cán bộ công nhân tăng lên 300 người, với gần 60 loại sản phẩm bao gồm xúc xích và thịt cắt lát hong khói.

Từ đó cho đến nay, hệ thống phân phối của Đức Việt được mở rộng tại khắp các tỉnh thành trên cả nước. Các sản phẩm Đức Việt ngày càng được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Cùng với Vissan và CP, Đức Việt được đánh giá là 1 trong 3 “ông lớn” trên thị trường xúc xích Việt Nam hiện nay, trong đó Đức Việt đặc biệt chiếm ưu thế ở phân khúc xúc xích tươi.
Con đường thành công rực rỡ ấy không hề bằng phẳng mà vẫn có nhiều rủi ro, thất bại. Hè năm 2010, Đức Việt cho gần 400 cán bộ nhân viên đi nghỉ mát, khi trở về thì xảy ra hỏa hoạn cháy một góc nhà máy, thiệt hại lớn về vật chất. Trong cái rủi luôn tiềm ẩn vận hội mới: sau vụ hỏa hoạn, việc cải tạo nhà máy được tiến hành nhằm nâng cao công suất. Cuối năm 2013, công ty Đức Việt mỗi ngày sản xuất 20 tấn xúc xích, bằng sản lượng của cả năm đầu tiên.
Sau 13 năm kinh doanh, đến nay sản phẩm xúc xích Đức Việt đã khẳng định được chỗ đứng vững chắc trên thị trường: Trong nhiều năm liên tục tăng trưởng tăng 3 con số, đoạt giải thưởng Sao vàng đất Việt, hàng Việt Nam chất lượng cao và trong top FAST 500 của 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất (2010)…
Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, doanh nhân Mai Huy Tân cho biết: Mọi việc phải được tính toán kỹ lưỡng để có lợi ích nhất, dám chấp nhận mạo hiểm có tính toán, phải rất nâng niu từng đồng tiền đầu tư thì tiền mới đẻ ra tiền. Nếu chỉ làm giàu, doanh nhân có thể không cần xây dựng thương hiệu, nhưng để xây dựng một doanh nghiệp lớn phát triển bền vững, đem lại lợi ích cho nhiều người thì thương hiệu là vấn đề rất quan trọng. Và trên hết, chất lượng sản phẩm phải được đặt lên hàng đầu.
[…] Hành trình khởi nghiệp của Tiến sĩ Toán thành triệu phú… […]