Theo Nikkei Asia, Grab là nhà đầu tư hàng đầu trong vòng gọi vốn Series B trị giá 100 triệu USD của LinkAja. Các nhà đầu tư khác bao gồm hãng vận tải nhà nước Indonesia Telkomsel cùng đơn vị đầu tư mạo hiểm của Ngân hàng nhà nước Indonesia và Ngân hàng Mandiri.
“Chúng tôi muốn củng cố cam kết của mình thông qua khoản đầu tư vào LinkAja”, Neneng Goenadi, Giám đốc điều hành Grab tại Indonesia cho biết và tin thương vụ này sẽ giúp Grab có thêm bước tiến trong việc xây dựng một hệ sinh thái kĩ thuật số cho Indonesia.
Thông tin này được đưa ra sau khi Grab khai trương một trung tâm công nghệ mới ở Thủ đô Jakarta, Indonesia. Trung tâm mở dựa trên nguồn vốn cam kết của SoftBank Group – cổ đông lớn nhất của Grab. Năm ngoái tập đoàn này đã đầu tư 2 tỷ USD vào thị trường Indonesia thông qua công ty Singapore.
Nhu cầu giao dịch thanh toán kỹ thuật số của Indonesia đã tăng 78% vào năm ngoái: Ảnh: Akira Kodaka. |
Giới khởi nghiệp Indonesia đánh giá thương vụ sẽ dẫn tới việc tái tổ chức lại thị trường ví điện tử đang phát triển chóng mặt tại đây. Hiện Indonesia là thị trường nước ngoài lớn nhất của Grab. Trước đó không lâu hãng đã trở thành cổ đông lớn của OVO, một trong những công ty thanh toán di động hàng đầu ở quốc gia vạn đảo.
LinkAja ra đời hồi tháng 6/2019 trên cơ sở sáp nhập các dịch vụ thanh toán di động của 5 doanh nghiệp nhà nước khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên LinkAja nhận dòng vốn đầu tư từ một cái tên ngoài Indonesia. Điều này có thể tạo nhiều hiệu ứng trái chiều bởi chính phủ nước này đang siết chặt kiểm soát các startup ví điện tử.
Startup này có phần hụt hơi trước GoPay, dịch vụ thanh toán của Gojek, và OVO, bởi các nền tảng này quá lớn và được hậu thuẫn về cả tài chính, công nghệ. Do đó, khoản vốn đầu tư của Grab vào LinkAja sẽ giúp doanh nghiệp này tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Khoản đầu tư của Grab vào LinkAja được cho là sẽ tách riêng với thương vụ OVO – DANA bởi Grab không có ý định đưa các công ty thanh toán này vào ngồi chung bàn với nhau.
Thị trường ví điện tử Indonesia cũng đã chứng kiến Shopee Pay, đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán của Tập đoàn SEA Singapore, đổ bộ trong một vài tháng trước. Là người mới song Shopee Pay bằng các chương trình khuyến mãi hoàn tiền rầm rộ đã nhanh chóng chiếm được thị phần đáng kể.
Thành Dương (theo Nikkei)