Chia sẻ với TheLEADER, anh Trung tự nhận mình là một ông chủ sầu riêng hơi có chút kỳ lạ. Sau gần 20 năm bôn ba kinh doanh từ Việt Nam đến Singapore, cách đây 4 năm, anh phát hiện ra rằng sở thích thứ hai của mình sau kiếm tiền chính là làm nông dân.
Ở Tiền Giang, Hà Duy Trung là một ông chủ sầu riêng lão luyện có thế lực khi sở hữu nhiều khu vườn sầu riêng với tổng diện tích gần 30.000 m2, bậc thầy về giám định sầu riêng, trên bàn nhậu cũng “khề khà” vào loại giỏi. Nhưng khi về TP. HCM, anh lại trở thành một thương nhân bận rộn đầy hoài bão như cách đây hơn 15 năm khi anh đứng ra cùng thành lập CLB Doanh nhân Sài Gòn.
Anh Hà Duy Trung bên những trái sầu riêng vừa được thu hoạch. |
Sau hơn 3 năm cắm rễ ở Tiền Giang để gây dựng giang sơn sầu riêng cho riêng mình, mỗi khi lên TP. HCM có việc, càng ngày anh càng thấy thành phố này lạ lẫm và nhanh nhớ “Sầu Cốc” của mình hơn.
Anh có thể tiết lộ đôi chút về chiến lược kinh doanh trong năm 2019 của sầu riêng 9 Phẻ?
Anh Hà Duy Trung: Mục tiêu trong năm 2019 của sầu riêng 9 Phẻ là tiếp tục hoàn thiện chuỗi cung ứng của riêng mình. Trong năm 2018, công ty đã mở rộng được nhiều diện tích vườn hợp tác và cùng với vốn sẵn có đã có thể cung cấp khoảng 50% sản lượng cho 5 điểm bán sầu riêng 9 Phẻ tại TP. HCM cùng những đơn hàng bán qua mạng trên khắp cả nước.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục phân loại chi tiết hơn chất lượng của sầu riêng để định giá chính xác từng loại. Hiện tại, 5 điểm bán của 9 Phẻ tại TP. HCM chủ yếu bán sầu riêng giống Ri6 giá từ 200 ngàn – 300 ngàn/kg, nhưng sắp tới sẽ có loại trên 400 ngàn/kg, tùy chất lượng của sầu và giống.
Theo đánh giá của tôi, giống sầu riêng Sáu Hữu là ngon nhất Việt Nam và đây cũng sẽ là loại sầu riêng mới mà 9 Phẻ sẽ giới thiệu cho các tín đồ sầu trong năm 2019. Tuy nhiên, cứ không phải giống ngon thì sẽ cho ra trái ngon mà còn tùy vào cách chăm sóc cũng như quản lý khu vườn. Do đó, 9 Phẻ sẽ mang quy trình quản lý chặt chẽ mà mình đang áp dụng cho giống 6 Ri lên sầu riêng Sáu Hữu, tất nhiên, giá của nó phải xứng tầm với chất lượng.
Ngoài ra, công ty cũng đang khởi động chiến dịch xây dựng chuỗi đại lý ở các tỉnh, nhất là tại Hà Nội. Hiện 9 Phẻ đang tìm kiếm những người yêu sầu riêng, muốn Việt Nam có một nền nông nghiệp sạch khỏe, nôm na là những người cùng chí hướng để bàn chuyện hợp tác.
Nếu thực hiện thành công cùng lúc ba mục tiêu này, tôi sẽ tự tin hơn cho việc xuất khẩu sầu riêng vào năm 2020.
Kế hoạch xuất khẩu của sầu riêng 9 Phẻ dự định sẽ tập trung chính vào thị trường nào thưa anh. Anh có dự định sẽ xuất khẩu chính bằng đường tiểu ngạch qua Trung Quốc như hầu hết thương lái ở miền Tây thời điểm hiện tại?
Anh Hà Duy Trung: Chiến lược của tôi là xuất qua đường chính ngạch với việc làm vùng trồng một cách bài bản và bằng sầu riêng chín tự nhiên chứ không phải sầu riêng nhúng thuốc. Hiện tôi đã tiếp xúc với một vài bạn hàng tại Singapore và các nước khác, tuy nhiên, cho phép tôi được giữ lại thông tin này.
Có vẻ như anh đang định mở ra một con đường mới cho sầu riêng Việt Nam nhằm giúp nâng cao giá trị của nó trên thị trường quốc tế. Đi ngược dòng luôn không dễ dàng, việc có được những vùng trồng quy mô lớn hiện vẫn là việc khó đối với nhiều nhà xuất khẩu trái cây Việt Nam, đặc biệt với cây sầu riêng “đỏng đảnh”?
Anh Hà Duy Trung: Những gì chị nói hoàn toàn chính xác. Có lẽ, tôi có chút may mắn khi làm được điều mà nhiều người khác không làm được như việc gầy dựng vùng trồng hay tự mình xây dựng được một chuỗi giá trị hoàn thiện cho cây sầu riêng.
Đầu tiên, không biết may mắn hay bất hạnh, tôi quả thật là người ngoại đạo trước khi nhảy vào làm sầu riêng cách đây 4 năm nên không có bất cứ chút kiến thức nào về việc trồng sầu riêng bằng việc sử dụng phân hóa học vô tội vạ hay bán sầu riêng chín nhờ công nghệ nhúng thuốc. Do đó, có muốn làm theo kiểu này tôi cũng chẳng thể làm được.
Trước khi về Việt Nam làm sầu, tôi đã nhiều năm kinh doanh ở Singapore cũng như qua Malaysia học cách trồng sầu riêng chất lượng cao. Từ những kiến thức học được, tôi chỉ có thể trồng sầu riêng với tiêu chuẩn chất lượng cao cũng như bán sầu riêng để chín tự nhiên – một phương thức kinh doanh bền vững và hiệu quả nhất.
Thứ hai, sau nhiều năm bôn ba trên thương trường, tôi không dễ dàng gục ngã sau những vấp váp trong thời gian đầu khởi nghiệp với sầu riêng 9 Phẻ và không bỏ cuộc ngay cả khi lỗ 3 tỷ đồng trong năm đầu tiên. Nhiều người cho rằng, tuổi đẹp để khởi nghiệp là trên dưới 40, tôi thấy cũng không sai.
Thứ ba, việc gầy dựng vùng trồng hay tự mình xây dựng chuỗi giá trị là có thể làm được, chỉ cần chi ra nhiều tiền và đủ kiên nhẫn.
Trong những ngày đầu, để có hàng thường xuyên cung cấp cho khách hàng của 9 Phẻ, tôi đã hợp tác với các nhà vườn khác, tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và nhiều nông dân không trung thực, nhiều lần tôi đã mua phải sầu riêng không đạt chuẩn và lâm vào tình trạng “bỏ thì thương, vương thì nợ”. Mới trước Tết đây, tôi đã chịu lỗ 200 triệu đồng do mua phải hai vườn sầu không đạt chuẩn 9 Phẻ nên đành phải bán rẻ lại cho thương lái làm sầu xuất đi Trung Quốc.
Ông chủ 9 Phẻ trong vườn sầu của mình tại Tiền Giang. |
Từ những bài học trên, tôi buộc phải tìm những giải pháp khác nhau nhằm có thể kiểm soát rủi ro một cách tối đa số lượng sầu riêng mình sẽ mua để cung cấp cho 9 Phẻ.
Quy trình của 9 Phẻ như sau: Tôi sẽ trình bày mục đích của mình với chủ vườn nếu nhà vườn chăm sóc vườn sầu riêng theo tiêu chuẩn 9 Phẻ đưa ra, công ty sẽ đồng ý mua với giá khoảng 100 ngàn đồng/kg, cao hơn giá trung bình thị trường năm 2018 khoảng 30 ngàn đồng/kg. Bên cạnh đó, tôi cũng tuyển thêm nhân sự để đảm bảo có đủ người thường xuyên để mắt đến các khu vườn, giúp 9 Phẻ có thể đi sâu sát quá trình chăm sóc sầu riêng của chủ vườn, nhằm điều chỉnh kịp thời khi có sự cố.
Cuối cùng, sở dĩ có thể đưa cho bà con mức giá cao hơn thị trường là vì tôi cũng là người kiểm soát đầu cuối. Giá của 9 Phẻ sẽ không “nhảy múa” theo giá sầu của thị trường nên tôi không sợ lỗ.
Vậy hẳn tất cả mọi thứ với anh và 9 Phẻ đều đang tốt?
Anh Hà Duy Trung: Không hẳn vậy, mọi chuyện chỉ mới bắt đầu, tôi sẽ phải vượt qua rất nhiều chướng ngại vật nữa mới có thể đi đến đích và đó là lý do vì sao tôi nói là cần thêm 1 năm nữa để hoàn thiện chuỗi giá trị.
Ví dụ, nhiều chủ vườn không chịu hợp tác với nhân viên của tôi vì nghĩ họ còn nhỏ và chẳng biết gì về sầu riêng, thế nên cần phải thường xuyên đào tạo cho họ cả về chuyên môn lẫn cách tiếp xúc – thuyết phục đúng. Trường hợp khác, vẫn còn nhiều người dù đã ký hợp đồng xong đến thời điểm thu hoạch lại sang nhà tôi kỳ kèo, vì lúc đó giá sầu lên cao hơn so với mức giá mà cả hai đã ký kết, mặc dù năm trước tôi đã thu mua đúng giá cam kết dù giá sầu đang xuống; hay có nhiều nông dân thấy tôi giám sát không chặt, len lén bỏ thêm phân tro cho sầu….
Tôi không muốn nói xấu nhưng quả thật nhiều người nông dân ở miền Tây luôn thích đóng vai “nạn nhân”, họ luôn muốn phần lợi lớn nhất về mình và ít khi biết nghĩ cho người khác. Tôi nghĩ, đây là nguyên nhân chính khiến nhiều công ty xuất khẩu trái cây không thể gầy dựng được vùng trồng theo chuẩn khách hàng mong muốn.
Sau 2 năm, tôi đã tạo được uy tín với bà con nông dân tại 4 tỉnh Tiền Giang – Vĩnh Long – Bến Tre – Cần Thơ và cũng đã có được một hệ thống chủ vườn chịu đồng hành, nên đã không cần phải nhân nhượng với những đòi hỏi vô lý của vài chủ vườn như đã kể ở phía trên nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn còn nhiều việc phải làm như xây dựng đội ngũ nhân sự có chuyên môn tốt, kiện toàn hệ thống phân phối, liên kết chặt chẽ hơn với các hộ nông dân…
Mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn lạc quan với tương lai phía trước, bởi những khó khăn hiện nay chỉ là thứ mà những kẻ tiên phong thường gặp phải.
Anh quan niệm thế nào về kẻ tiên phong?
Anh Hà Duy Trung: Khi tôi đưa ra mức giá bán sầu riêng cao ngất ngưởng như hiện tại không ít người đã cho rằng tôi bị điên, bởi giá đó cao gấp đôi thậm chí gấp 3 giá thị trường. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, rõ ràng tôi không hề điên, mức giá đó đang ngày càng được nhiều tín đồ sầu chấp nhận. Sầu riêng 9 Phẻ thường xuyên cháy hàng, ví dụ như đợt 3 tháng trước Tết vừa qua. Thật ra, người Việt Nam mình không ngại trả tiền cao để mua sầu, quan trọng là chất lượng sầu có xứng với mức giá đó hay không.
Hiện tại, tôi đã không còn lỗ mà đã bắt đầu có chút lời. Theo kinh nghiệm của tôi, chỉ cần làm được vùng trồng tốt những như kiện toàn được chuỗi giá trị của mình, việc lấy lại vốn trong 2 đến 3 năm là hoàn toàn khả thi.
Thêm nữa, đời sống người dân Việt Nam ngày càng cao thì họ càng quan tâm tới sức khỏe bản thân và sẵn sàng trả thêm tiền để ăn sầu riêng ngon chín tự nhiên, không bị can thiệp bởi các loại hóa chất thúc chín.
Nếu thấy con đường tôi đi vừa kiếm được nhiều tiền lại có thể đóng góp cho cộng đồng, hẳn nhiều người làm sầu riêng sẽ đi theo mô hình kinh doanh của tôi. Tuy nhiên, tôi không sợ bị cạnh tranh, bởi tôi đã đi trước họ một bước cũng như đã vượt qua được thời điểm gian khó, việc xây dựng thương hiệu không phải là chuyện trong một sớm một chiều.
Anh kỳ vọng gì cho sầu riêng Việt Nam?
Anh Hà Duy Trung: Mỗi khi qua Singapore, một trong những “thú vui” của tôi là ra đường thử các loại sầu riêng khác nhau. Hiện ở Singapore, chỉ bán các loại sầu riêng Thái hay Malaysia vì sầu riêng Việt Nam chưa đủ chất lượng để chen chân vào đó và giá của chúng luôn giao động từ 500 ngàn đến 2 triệu/kg, tùy giống và chất lượng.
Thế nên, mong ước của tôi là đến một ngày nào đó, có thể trong năm 2020, sầu riêng Việt Nam có thể sánh vai với sầu riêng các nước bạn có mặt trên các sạp hàng tại Singapore và bán với mức giá bằng hoặc cao hơn. Và trong tương lai xa, tôi kỳ vọng rằng sầu riêng Việt có thể chiếm lĩnh thị trường khắp thế giới.
Quỳnh Như
BizLive