Bài học nào cho doanh nhân qua vụ ly hôn của vợ chồng ‘vua cà phê’ Trung Nguyên?

0
1279

Bỏ qua những luận bàn về “thế thái nhân tình” ai đúng, ai sai, những ngỡ ngàng, bình phẩm về khối tài sản chung khổng lồ gần 8 ngàn tỷ đồng, vụ án ly hôn của vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên hết sức kỳ thú và có nhiều bài học rất giá trị cho các doanh nhân Việt trên con đường phát triển sự nghiệp kinh doanh.

Những ngày qua, báo chí và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vụ án ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, là chủ của Tập đoàn Trung Nguyên do Tòa án TP. HCM xét xử công khai từ ngày 20/2/2019.

Điểm mấu chốt gay gắt nhất dẫn đến không thể hòa giải giữa hai vợ chồng, đó là chia cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ đòi chia 70% cổ phần, bà Thảo đòi 51% cổ phần. Cổ phần không chỉ có giá trị về mặt tài sản mà còn có giá trị đặc biệt về quyền biểu quyết, điều hành phát triển Trung Nguyên trong tương lai.

Với ông Vũ thì mục tiêu cần nắm quyền điều hành là quan trọng nhất vì Trung Nguyên là đứa con tinh thần, là sự nghiệp, là khát vọng xây dựng cà phê phải khác biệt, đặc biệt, duy nhất trên thế giới, nên ông Vũ đòi chia 70% cổ phần và muốn mua lại phần 30% của bà Thảo. Còn bà Thảo dường như muốn tất cả: nhà đất, tiền trong ngân hàng, cổ phần, con cái và cả quyền điều hành Trung Nguyên.

“Cuộc chiến” giữa hai vợ chồng đã bắt đầu bùng nổ từ năm 2015 khi ông Vũ cùng Hội đồng quản trị bãi nhiệm bà Thảo với chức danh Phó TGĐ điều hành. Cho đến giờ thì ông Vũ, bà Thảo và các công ty của Trung Nguyên Group có đến hàng chục vụ tranh chấp trên khắp các mặt trận và đang chờ tòa án xét xử.

Ông Vũ cho rằng mình xứng đáng được hưởng 70% cổ phần vì ông là người đại diện, chủ tịch HĐQT, là trụ cột điều hành, là linh hồn của cà phê Trung Nguyên và điều này là hiển nhiên – không tin “hãy hỏi tất cả những người anh em trong Tập đoàn”.

Trên hồ sơ, giấy tờ pháp lý của 07 công ty dưới đây cũng thể hiện ông Vũ đang sở hữu nhiều cổ phần hơn bà Thảo. Cụ thể như sau: Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH) kết quả thẩm định giá là hơn 4.208 tỷ đồng; trong đó ông Vũ chiếm 63%, bà Thảo chiếm 27%.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) kết quả thẩm định giá là 5.431 tỷ đồng; trong đó ông Vũ chiếm 21% , bà Thảo chiếm 9%.

Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (TNCF), kết quả thẩm định giá là 85 tỷ đồng; trong đó ông Vũ chiếm 10,5%, bà Thảo chiếm 4,5%.

Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (TNHT) gồm hai nhà máy, kết quả thẩm định giá Nhà máy Dĩ An, là 407 tỷ đồng và Nhà máy Bắc Giang là 172 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 10,5%, bà Thảo chiếm 4,5%.

Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising (TNF), kết quả thẩm định giá là 16 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 10,5%; bà Thảo chiếm 4,5%.

Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê (Đặng Lê), kết quả thẩm định giá là 59 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 21%; bà Thảo chiếm 9%.

Công ty Vũ Nguyên Đắk Nông (Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê), kết quả thẩm định giá là 6,8 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 21%; bà Thảo chiếm 9%.

Bà Thảo đòi chia 51% cổ phần với lý do bà cũng có nhiều công sức đóng góp cho Trung Nguyên qua việc giữ chức vụ Phó TGĐ, tham gia điều hành nhiều năm và đặc biệt bà Thảo bám vào Luật Hôn nhân gia đình “tài sản chung chia đôi”. Ông Vũ tuy sở hữu nhiều cổ phần hơn bà trong các công ty nhưng cổ phần của ông Vũ cũng là tài sản chung vợ chồng – tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa là dù là cổ phần của ông Vũ thì bà cũng được hưởng 50%.

Luật Hôn nhân gia đình, Điều 59 – Nguyên tắc giải quyết chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn ghi rõ: “2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”.

Từ quy định pháp luật nêu trên và với kinh nghiệm thực tế nhiều năm làm luật sư, tôi cho rằng trong vụ án này Tòa án phán quyết tỷ lệ chia cổ phần cho ông Vũ, bà Thảo thế nào là rất khó đoán. Bởi pháp luật không định lượng, áp dụng thế nào phụ thuộc vào quan điểm của Thẩm phán. Thậm chí cùng một vụ án, quyết định của Tòa án các cấp cũng khác nhau. Như vậy, ông Vũ được chia bao nhiêu, liệu có giữ được quyền điều hành, chèo lái con thuyền Trung Nguyên hay không? Câu trả lời giờ không còn nằm trong tầm kiểm soát của ông Vũ, có lẽ phải “cầu may” vì “hồi sau chưa rõ”.

Bài học nào cho doanh nhân qua vụ ly hôn của vợ chồng
Luật sư Đỗ Đăng Khoa

Qua vụ án này, đứng từ góc nhìn của doanh nhân, muốn kiểm soát được sự nghiệp kinh doanh của mình thì phải làm gì để tránh khỏi cảnh “mất lái khi ly hôn”?

Đã từ lâu tại nhiều quốc gia, hợp đồng tiền hôn nhân thường được các tỷ phú, người nổi tiếng hay giới nhà giàu sử dụng nhằm bảo vệ tài sản trước những biến cố không lường trước khi ly hôn. Quy định của hợp đồng này khá rộng và đa dạng, nhưng thường tập trung vào hai vấn đề chính là chia tài sản và tiền trợ cấp sau ly hôn.

Trong cuốn “Nghĩ lớn để thành công” của Donald Trump, Tổng thống Mỹ đương nhiệm, có viết một chương: “Anh yêu em, hãy ký tên vào cái này em nhé!”, đó chính là hợp đồng tiền hôn nhân. Trump viết: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều người bị đẩy vào bước đường cùng chỉ vì không có một bản hợp đồng tiền hôn nhân.

Lời khuyên của ông Trump có lẽ khá xa lạ và rất phản cảm trong văn hóa của người Việt Nam, nhưng pháp luật của Việt Nam nay đã khác rồi. Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, lần đầu tiên cho phép vợ chồng được thỏa thuận về chế độ tài sản khi kết hôn. Theo Điều 47 – Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực”.

Nhưng đó là với trường hợp của những người đã giàu có trước hôn nhân. Với nhiều doanh nhân đã và đang thành đạt ở Việt Nam hiện nay không nhiều người đã giàu có trước hôn nhân. Ông Vũ và bà Thảo cũng đi lên từ “một túp lều tranh hai trái tim vàng với lĩnh vực cà phê”.

Vậy những doanh nhân đã kết hôn lâu rồi và không có thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng trước khi kết hôn nếu bây giờ muốn mọi sự rõ ràng, tránh vết xe đổ của ông Vũ thì làm sao? Giờ vẫn có cách bởi vì Luật hôn nhân và gia đình, Điều 38 – Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân: “Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng”.

Như ông Trump đã khuyên: “trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi khuyên bạn hãy có một hợp đồng tiền hôn nhân. Đây không phải là chuyện bạn có tin tưởng vào người bạn đời hay không, mà đơn giản, nó giúp bạn tránh được các rắc rối về sau. Thành thật mà nói, nếu tôi không có những bản hợp đồng tiền hôn nhân với Ivana và Marla thì giờ đây tôi cũng đã trắng tay. Nhưng thật may mắn, chính những bản hợp đồng tiền hôn nhân đã giúp tôi không bị mất những khoản tiền vô lý… Không có nó, công ty tôi có thể không được như bây giờ, còn tôi có thể sẽ mất đi tất cả”.

Lời khuyên của ông Trum và vụ ly hôn của ông Vũ, bà Thảo gắn liền với thành bại của Tập Đoàn Trung Nguyên quả là một bài học đắt giá. Với quy định pháp luật hiện hành, các doanh nhân Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng để bảo vệ tài sản, sự nghiệp kinh doanh của mình bằng cách thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn hoặc thỏa thuận chia tài sản vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả: Luật sư Đỗ Đăng Khoa – Giám đốc Công ty Luật Hưng Vượng

Bài học nào cho doanh nhân qua vụ ly hôn của vợ chồng ‘vua cà phê’ Trung Nguyên?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here