Phạt nặng hành vi vệ sinh cá nhân không đúng nơi quy định; quy định mới về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội… là những chính sách quan trọng có hiệu lực từ tháng 2/2017.
1. Quy định mới về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội
Thông tư số 42/2016/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương, thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) do Bộ Lao động, thương binh và xã hội ban hành chính thức có hiệu lực từ ngày 11/2/2017.
Theo Thông tư này, có 2 nhóm đối tượng được điều chỉnh tiền lương đóng BHXH.
Với người tham gia BHXH bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian tham gia BHXH, có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017.
Cụ thể, tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội đối với nhóm đối tượng trên được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định của từng năm X Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, BHXH một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 1/1/2017 đến ngày 31/12/2017.
Thu nhập tháng đã đóng BHXH đối với những người trên được điều chỉnh theo công thức sau:
Thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện sau điều chỉnh của từng năm = Tổng thu nhập tháng đóng BHXH của từng năm X Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Theo Thông tư mức điều chỉnh (tiền lương và thu nhập tháng) của năm 2017 là 1,00.
(Thông tư 42/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH).
2. Thời gian huấn luyện lần đầu về an toàn, vệ sinh lao động
Từ ngày 20/2/2017, Thông tư 02/2017/TT-BQP do Bộ Quốc phòng ban hành chính thức có hiệu lực thi hành.
Theo Thông tư này, đối tượng tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được chia làm 6 nhóm, bao gồm:
– Nhóm 1: Người làm công tác chỉ huy, quản lý
– Nhóm 2: Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động
– Nhóm 3: Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thực hiện theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.
– Nhóm 4: Người lao động không thuộc các nhóm thực hiện theo quy định tại các nhóm 1, 2, 3 và nhóm 5 (bao gồm cả người lao động nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp quốc phòng, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; người học nghề, tập nghề, thử việc tại các đơn vị; lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên khi làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh).
– Nhóm 5: Người làm công tác y tế.
– Nhóm 6: Người tham gia mạng lưới an toàn, vệ sinh viên (an toàn, vệ sinh viên).
Thời gian huấn luyện lần đầu được quy định như sau:
– Ít nhất là 16 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đối với nhóm 1, nhóm 4.
– Ít nhất là 48 giờ, bao gồm cả thời gian huấn luyện lý thuyết, thực hành và kiểm tra đối với nhóm 2.
– Ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra đối với nhóm 3.
– Ít nhất là 56 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra (Trong đó, thời gian huấn luyện cấp Chứng chỉ chứng nhận chuyên môn y tế lao động ít nhất là 40 giờ, nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động ít nhất là 16 giờ) đối với nhóm 5.
– Ít nhất là 4 giờ ngoài nội dung đã được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động đối với nhóm 6.
3. Hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh
Từ 25/2, hộ nông dân, người nuôi trồng thủy sản, diêm dân, chủ trang trại… bị thiệt hại trực tiếp do thiên tai, dịch bệnh sẽ được hỗ trợ để khôi phục sản xuất.
Theo đó, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha với diện tích lúa thuần bị thiệt hại trên 70%; trường hợp thiệt hại từ 30 – 70%, hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Với diện tích mạ lúa thuần bị thiệt hại trên 70%; diện tích lúa lai bị thiệt hại trên 70% và diện tích mạ lúa lai bị thiệt hại trên 70%, mức hỗ trợ lần lượt là 20 triệu đồng/ha; 3 triệu đồng/ha và 30 triệu đồng/ha.
Đối với sản xuất lâm nghiệp và nuôi thủy, hải sản, hỗ trợ 4 triệu đồng/ha với diện tích cây rừng, cây lâm sản ngoài gỗ trồng trên đất lâm nghiệp, vườn giống, rừng giống bị thiệt hại trên 70%; mức hỗ trợ với diện tích cây giống được ươm trong giai đoạn vườn ươm bị thiệt hại trên 70% là 40 triệu đồng/ha; hỗ trợ từ 4,1 – 6 triệu đồng/ha diện tích nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm lúa, tôm sinh thái, tôm rừng, tôm kết hợp) bị thiệt hại trên 70%…
(Nghị định 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh).
4. Phạt đến 10 triệu đồng nếu chở hàng hóa không che chắn
Nghị định 155/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định từ 1/2, mức phạt với hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường là từ 7 triệu đến 10 triệu đồng. So với quy định cũ, mức xử phạt tăng từ 6 triệu đến 8 triệu đồng.
Ngoài ra, mức phạt với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng trong quá trình vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa làm rò rỉ, phát tán ra môi trường là từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, cũng tăng mạnh so với quy định hiện hành (từ 5 triệu đến 8 triệu đồng).
5. Vứt rác thải ra đường bị phạt tới 1 triệu đồng
Nghị định số 155 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 1/2.
Theo quy định này, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Một số hành vi sẽ bị phạt nặng như: Vứt, thải, bỏ đầu mẫu thuốc là không đúng nơi quy định vị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng; vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện không đúng quy định vị phạt 1-3 triệu đồng; vứt, thải, bỏ rác sinh hoạt không đúng nơi quy định bị phạt 3-5 triệu đồng; vứt thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải bị phạt 5-7 triệu đồng…
(Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực thi hành từ 1-2).
6. 200 tỷ đồng mới được kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
Từ ngày 15/2, để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng cho người nước ngoài, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ tối thiểu là 200 tỉ đồng; đồng thời phải đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch và đăng ký kinh doanh ngành, nghề trò chơi điện tử có thưởng theo quy định.
Ngoài ra, phạt tiền 90-100 triệu đồng với cá nhân kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Phạt từ đến 200 triệu đồng đối với doanh nghiệp tổ chức kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng không đúng địa điểm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép kinh doanh…
(Nghị định 175/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 15/2)
7. Miễn phí truy cập cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản
Từ 1/2, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng Danh mục thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) hoặc khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được công khai, phổ biến rộng rãi qua mạng Internet, trang điện tử sẽ không phải trả phí.
Đối với các thông tin, dữ liệu còn lại, tổ chức, cá nhân muốn khai thác, sử dụng phải được cấp quyền truy cập khai thác, sử dụng qua mạng Internet, trang điện tử; tài khoản truy cập tra cứu thông tin, dữ liệu sẽ được gửi cho cá nhân, tổ chức trong thời hạn tối đa 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu hoặc thời điểm cá nhân, tổ chức thanh toán chi phí sử dụng dịch vụ (nếu có).
(Thông tư 27/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc quy định chi tiết một số điều của Nghị định 117/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản).
8. Hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự
Từ ngày 12/2/2017, Thông tư 43 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về hướng dẫn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành dự án phát triển kinh tế – xã hội bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, thanh niên có nhu cầu đào tạo nghề được chi hỗ trợ tiền ăn, đi lại theo Thông tư 152/2016/TT-BTC. Cụ thể, mức hỗ trợ tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học; Mức hỗ trợ tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo ở xa nơi cư trú từ 15km trở lên.
9. Miễn thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng với hàng tạm nhập bán tại cửa hàng miễn thuế
Tại Nghị định 167/2016/NĐ-CP về kinh doanh hàng miễn thuế có hiệu lực từ ngày 15/02/2017, Chính phủ quy định người xuất cảnh, quá cảnh, hành khách trên các chuyến bay quốc tế xuất cảnh từ Việt Nam hoặc người chờ xuất cảnh được mua hàng miễn thuế không hạn chế số lượng và trị giá, nhưng phải tự chịu trách nhiệm về thủ tục và định lượng để nhập khẩu vào nước nhập cảnh.
Hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế bao gồm hàng hóa tạm nhập khẩu vào Việt Nam; hàng hóa sản xuất tại Việt Nam; hàng hóa đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu được phép lưu thông theo quy định của pháp luật. Trong đó, hàng hóa tạm nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế được miễn thuế nhập khẩu, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng; hàng sản xuất tại Việt Nam đưa vào bán tại cửa hàng miễn thuế được hưởng các chính sách thuế như đối với hàng tạm xuất. Với hàng nhập khẩu đã nộp thuế nhập khẩu đưa vào cửa hàng miễn thuế, được xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định.
Cũng theo Nghị định này, các mặt hàng thuốc lá, xì gà, rượu, bia bán tại cửa hàng miễn thuế phải dán tem “VIET NAM DUTY NOT PAID” do Bộ Tài chính phát hành; tem phải được dán trước khi bày bán tại cửa hàng miễn thuế hoặc trước khi giao cho đối tượng mua hàng trong trường hợp hàng được xuất thẳng từ kho chứa hàng miễn thuế đến đối tượng mua hàng.
10. Khách sạn phải đăng ký tạm trú cho người nước ngoài qua mạng
Đây là yêu cầu của Bộ Công an tại Thông tư 53/2016/TT-BCA ngày 28-12-2016 quy định cách thức thực hiện khai báo, tiếp nhận thông tin tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/02/2017.
Cụ thể, cơ sở lưu trú là khách sạn phải thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở lưu trú khác được lựa chọn cách thức khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử hoặc bằng Phiếu khai báo tạm trú; tuy nhiên, khuyến khích thực hiện qua trang thông tin điện tử.
Theo đó, người khai báo tạm trú truy cập trang thông tin điện tử, cung cấp thông tin của mình và của cơ sở lưu trú để nhận tài khoản khai báo. Sau khi có tài khoản, người khai báo đăng nhập tài khoản để thực hiện việc khai báo thông tin tạm trú với các nội dung như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, thời gian dự kiến tạm trú của người nước ngoài. Việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua trang thông tin điện tử phải được thực hiện ngay khi người nước ngoài đến đăng ký tạm trú.