Trong bối cảnh rất nhiều người trẻ sẵn sàng lập nghiệp bằng cách bán hàng rong, mở một xe bán nước giải khát di động, chạy xe cho hãng Grab, hay kiếm tiền lẻ trên mạng (make money online – MMO), những gương khởi nghiệp số dưới đây rất đáng được trân trọng và nhân rộng.
Một nhóm sinh viên nghiên cứu sản xuất máy bay trực thăng |
Khởi nghiệp, tiếng Anh gọi là startup, là quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa và có khả năng tăng trưởng nhanh.
Như vậy, bản chất của startup là mô hình của đam mê, sáng tạo, có khả năng mở rộng và phát triển mạnh, khác với lập nghiệp, là việc gầy dựng cơ nghiệp bằng cách lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể có cùng mô hình kinh doanh với vô số doanh nghiệp, hộ gia đình khác đã và đang làm, như mở nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, tiệm hớt tóc, tiệm tạp hóa…
Nhìn ra thế giới
Có thể thấy các đại công ty như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook, Amazon… đều ra đời và phát triển mạnh mẽ nhờ sáng tạo đột phá và tận dụng công nghệ mới của kỷ nguyên internet trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba.
Một trường hợp minh họa rõ nét gần đây là các công ty Uber, Grab đã tạo nên một mô hình kinh doanh và quản lý lĩnh vực dịch vụ vận tải hoàn toàn mới, dựa trên công nghệ số, với hiệu suất quản lý cao, nhanh chóng trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty vận tải taxi truyền thống.
Một ví dụ khác là Airbnb, viết tắt của cụm từ AirBed and Breakfast, một startup với mô hình kết nối người cần thuê nhà, thuê phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới thông qua ứng dụng di động tương tự ứng dụng chia sẻ xe Uber.
Ngày 4/12/2018, nghiên cứu của hãng đầu tư mạo hiểm Atomico đưa ra tại Hội nghị công nghệ Slush ở Helsinki (Phần Lan) cho biết tình hình khởi nghiệp công nghệ ở châu Âu năm 2018 đang rất khả quan. Số đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của các startup công nghệ châu Âu nhiều gấp đôi số đợt IPO của các startup công nghệ Mỹ. Giá cổ phiếu trung bình của các hãng công nghệ này tăng đến 222%.
Atomico cũng ước tính mức đầu tư kỷ lục lên đến 23 tỷ USD rót vào ngành công nghệ châu Âu trong năm 2018, so với mức 5 tỷ USD cách nay 5 năm.
Những “đốm sáng” ở Việt Nam
Khởi nghiệp đang là vấn đề lớn rất được Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương hết sức quan tâm. Một số trường đại học cũng “ăn theo”, thành lập quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, các chính sách, quy chế cũng như việc triển khai trong thực tế rất cần dựa trên các căn cứ khoa học và thực tiễn. Nếu không, chúng rất dễ trở thành phong trào, không thực chất. Chẳng hạn, việc giảng dạy về khởi nghiệp hoặc đánh giá các dự án khởi nghiệp được giao cho những người “tay ngang” thì chẳng có tác dụng gì.
Có vẻ như ở Việt Nam thời gian qua, bên cạnh việc triển khai rầm rộ các phong trào như vậy, vẫn tồn tại đồng thời một xu hướng khởi nghiệp từ đổi mới công nghệ khá thầm lặng nhưng bền bỉ và hiệu quả. Đã xuất hiện một số trường hợp khởi nghiệp điển hình, phần lớn đều xuất phát từ những người trẻ tuổi.
Sản phẩm tay giả của Nguyễn Trung Dũng |
Hẳn chúng ta còn nhớ, Hùng Trần được trao giải Ba giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2014 về ứng dụng di động Snap & See, nay đã là người lãnh đạo cao cấp của Got IT – một startup hàng đầu về giáo dục khởi nghiệp thành công ở nước ngoài tại Thung lũng Silicon của Mỹ.
Một trường hợp khởi nghiệp ở Việt Nam được phát trên truyền hình BBC World trong loạt phóng sự The Boss là nữ doanh nhân trẻ Trương Thanh Thủy với ứng dụng Whiteboard – một app vẽ giúp người dùng trình bày ý tưởng trên các thiết bị di động và ứng dụng Tappy để tương tác nhóm trong một cộng đồng ảo.
2 năm sau, trong danh sách Top 18 startup tiêu biểu năm 2016, phần lớn các đơn vị đều phát triển và cung cấp dịch vụ trên nền tảng internet. Dịch vụ họ cung cấp khá đa dạng, từ y tế với 3 công ty ViCare, Plasma Việt Nam và mediThank, đến bất động sản, vận tải, tiêu dùng, dịch vụ ăn uống, giúp việc nhà, giáo dục, du lịch, mô hình kinh tế chia sẻ online.
Một số mô hình sản xuất, kinh doanh khá mới mẻ ở Việt Nam đã được giới thiệu, như máy phát tia plasma lạnh phối hợp điều trị vết thương “made in Vietnam”, phát triển hệ thống robot công nghiệp của Robotics 3T của Trương Công Toại, ứng dụng tài trợ Dobody chỉ ra các vùng khó khăn trên cả nước đang thiếu những gì để nhà hảo tâm đáp ứng đúng nhu cầu của người dân địa phương đó.
Hay là ứng dụng Perkfec gắn kết nhân viên, giữ người tài của chàng trai 9x Nguyễn Văn Toản. Perkfec gồm 3 chức năng chính là ghi nhận, thử thách và tặng thưởng. Theo đó, mỗi khi đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc công việc, bạn có thể gửi lời ghi nhận kèm theo điểm để khích lệ hoặc gửi lời cảm ơn kèm điểm khi nhận được sự giúp đỡ từ đồng nghiệp.
Các nhân viên có thể thử thách lẫn nhau và tặng điểm khi hoàn thành mục tiêu, giúp xây dựng môi trường làm việc thi đua, gắn kết giữa các nhân viên, điểm nhân viên nhận được có thể tích lũy để đổi quà như vé xem phim, ăn uống, du lịch, áo thun, ngày nghỉ… Những ghi nhận hoặc thử thách đều được đăng tải công khai để các nhân viên khác có thể đọc và được chia sẻ. Quyền ghi nhận hoặc thử thách cũng chia đều cho mọi thành viên để đảm bảo không mang tính chủ quan từ quản lý. Cách làm đó còn tăng gắn kết giữa các phòng ban.
Phương pháp này đã được rất nhiều công ty lớn trên thế giới áp dụng và chứng tỏ hiệu quả như Google với hệ thống nội bộ “gThanks” – nơi nhân viên có thể ghi nhận, cảm ơn lẫn nhau của Google. Phương pháp này giúp mọi người lựa chọn cống hiến và ở lại với Google lâu hơn là thưởng tiền mặt.
Sản phẩm của Trương Trọng Toại |
Một trong những xu hướng đáng quan tâm khác là lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp sạch qua việc tìm hoặc lai giống mới, chọn nhân giống và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới đối với các sản phẩm quý hiếm, giá trị cao như tỏi đen, nấm linh chi, cá giống lăng nha…hay trường hợp anh Nguyễn Phương Nam với thành công trong sản xuất than củi từ trấu, sau đó là sản xuất than tổ ong không độc, không khói.
Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia 2018 (Techfest 2018) diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 29/11 đến 1/12/2018, có thể thấy những tín hiệu mới đáng quan tâm. Bên cạnh công nghệ in 3D tạo hình, làm ra các mẫu sản phẩm dễ dàng gia công, có thể ứng dụng cho điêu khắc, đồ gia dụng, hay những mẫu robot đồ chơi lắp ráp giành cho trẻ em, người ta còn thấy công nghệ sử dụng thiết bị bay siêu nhẹ ứng dụng trong nông nghiệp nhằm mục đích bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho nông dân, hay sản phẩm tay giả chức năng dành cho người khuyết tật và tay giả thẩm mỹ do Nguyễn Trung Dũng và nhóm 4 sinh viên năm nhất ở Hà Nội thiết kế.
Một ví dụ khác là sản phẩm đèn chiếu sáng kích thích tăng trưởng và phát triển của cây trồng, thông qua việc cung cấp cho mỗi loại cây một bước sóng cố định của nhóm Agrilight với 6 thành viên Đại học Công nghệ Hà Nội.
Trong bối cảnh rất nhiều người trẻ sẵn sàng lập nghiệp bằng cách bán hàng rong, mở một xe bán nước giải khát di động, chạy xe cho hãng Grab, hay kiếm tiền lẻ trên mạng (make money online – MMO), những gương khởi nghiệp nói trên rất đáng được trân trọng và nhân rộng.
Mặc dù phần lớn các dự án khởi nghiệp đó còn có quy mô nhỏ lẻ, chưa có tính đột phá, chưa được phát triển rộng rãi và toàn cầu hóa, song chúng vẫn như những đốm sáng đem đến niềm hy vọng lạc quan về những con người trẻ đang bền bỉ hướng về “con tàu Industry 4.0”.