Đường Lê Trọng Tấn (Hà Nội) dài 1,5 km bắt đầu từ nút giao với đường Tôn Thất Tùng đến sông Lừ, vừa được khánh thành đi vào hoạt động, được thí điểm xây dựng theo hình mẫu tuyến đường văn minh đô thị. Theo đó, tuyến đường sẽ được đồng bộ màu sắc, kích thước nhà cửa, biển bảng quảng cáo hai bên đường.
Các biển quảng cáo tại tuyến phố này được quy hoạch với chiều cao trung bình của các loại bảng biển quảng cáo so với mặt đất được cố định khoảng 3,2m – 3,3m. Chiều cao bảng biển là 1,1m, được sơn 2 màu xanh và đỏ.
Các biển hiệu trên đường Lê Trọng Tấn được thiết kế chung một kiểu chữ màu trắng trên nền xanh hoặc đỏ. Dọc tuyến đường, có hàng trăm biển quảng cáo nhưng đều na ná như nhau, kể cả biển hiệu của các cơ quan nhà nước cũng được thiết kế đồng bộ.
Những tấm biển hiệu quảng cáo có cùng kích thước chiều cao, nối liền nhau, chỉ có hai màu xanh và đỏ tại tuyến phố mới mở ở thủ đô đang thu hút sự chú ý của nhiều người đi đường.
Bên cạnh những ý kiến khen, chỉ ra điểm tốt, đa số người dân bắt đầu nhận thấy sự bất cập của việc quy hoạch tuyến đường kiểu mẫu này.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc quy hoạch đồng bộ như vậy sẽ làm bớt đi sự lem nhem mặt phố, đảm bảo mỹ quan đô thị, sẽ làm cho thành phố văn minh hơn, đẹp hơn. Khi cả tuyến phố treo biển giống nhau sẽ tránh được tình trạng nhếch nhác, nhà treo biển to, nhà dựng biển nhỏ lộn xộn như trước kia. Với sự đồng bộ quy củ, tuyến phố Lê Trọng Tấn mở rộng trở nên khang trang, đẹp hơn trong mắt người dân Thủ đô.
Tuy nhiên bên cạnh việc đảm bảo mỹ quan, rất nhiều hộ kinh doanh đã chỉ ra khó khăn khi tuân thủ theo quy định này. Biển quảng cáo rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh, nó thể hiện một phần bộ mặt của cửa hàng.
Vì vậy, mỗi cửa hàng sẽ có một thiết kế, phong cách riêng, nhiều khách hàng còn lựa chọn điểm dừng dựa vào biển hiệu. Việc cơ quan chức năng quy hoạch tất cả biển quảng cáo của các cửa hàng, doanh nghiệp đều cùng một màu sắc sẽ tạo nên cảm giác buồn, thiếu tính phong cách.
Tuyến đường này tuy đã đảm bảo yếu tố đồng bộ nhưng còn chưa đẹp mắt, nhất là hệ thống các biển quảng cáo dọc vỉa hè khá đơn điệu và thiếu sự sáng tạo.
Về phía doanh nghiệp, biển hiệu là thứ dễ nhận ra nhất của cửa hàng, thông thường mỗi quán sẽ có thiết kế riêng, làm sao để bắt mắt nhất, độc đáo nhất. Chưa kể đến việc sau khi thay đổi biển mới, logo của thương hiệu đều không còn vì các biển đều chung một kiểu chữ. Khi biển hiệu nào cũng như nhau thì nhận diện của doanh nghiệp không còn, qua đó mất đi lợi thế quảng cáo, chưa kể những lý do màu sắc biển hiệu không phù hợp với “mệnh” của gia chủ, tâm lý làm ăn thua lỗ, không suôn sẻ sẽ đeo bám thay vì sử dụng màu sắc hợp mệnh như trước đây.
Về phía khách hàng, khi đến tuyến phố, cửa hàng bán quần áo, bán phở, bán điện thoại hay nước giải khát… cũng đều y chang như nhau. Muốn tìm cửa hàng mình định vào thì phải nhìn và đọc thật kỹ. Những biển quảng cáo quá giống nhau sẽ khiến khách hàng không nhận ra được.
Chưa kể có nhiều doanh nghiệp và thương hiệu lớn với những màu sắc đặc trưng nhận diện thương hiệu, khi đặt cửa hàng ở tuyến phố văn minh này chỉ có 2 màu xanh và đỏ thì không biết họ sẽ làm sao?
Thiết nghĩ có thể ủng hộ sự thống nhất về kích cỡ kiểu dáng và độ dày của bảng biển quảng cáo như trên con phố này nhưng không nên có sự áp đặt màu sắc sẽ hạn chế được nhiều mặt bất cập hơn.