Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến thông tin về tình hình dịch tả lợn châu Phi tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 12/3.
Bộ Nông nghiệp cho biết, đến 10/3, dịch bệnh đã xảy ra ở 136 xã, 37 huyện tại 13 tỉnh gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hoà Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định với tổng số lợn bệnh và tiêu huỷ là 14.368 con. Trong đó, riêng tại Hà Nội, dịch tả xuất hiện tại 7 xã, 5 huyện, quận gồm Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn với tổng số bị bệnh và tiêu huỷ là 173 con.
Thứ trưởng thừa nhận công tác phòng chống dịch còn rất nhiều khó khăn, dẫn đến chưa hiệu quả triệt để. Giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu huỷ theo quy định là 38.000 đồng mỗi kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường. Nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng.
Trước tốc độ lan nhanh và rầm rộ của dịch bệnh, giá heo hơi mấy ngày nay cũng đi xuống. Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá heo hơi giảm từ 53.000 đồng xuống còn 45.000 đồng một kg so với tuần trước. Tại miền Bắc, giá xuống mức thấp hơn nhiều, đặc biệt, tại các tỉnh có ổ dịch, có nơi chỉ 38.000-42.000 đồng một kg.
Không chỉ về giá, nhiều hộ dân cho rằng, thời gian hỗ trợ lại kéo dài nhiều tháng, thủ tục vướng vì quy định người chăn nuôi phải có đăng ký và có xác nhận của chính quyền.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng thực tế các quy định này không khả thi vì hiện cả nước có hàng triệu hộ chăn nuôi lợn đan xen trong các khu dân cư và hầu hết không khai báo, đăng ký khi nuôi lợn, thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian. Do đó, ông cho biết có tình trạng nhiều người dân bán lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền và cơ quan thú y.
Theo Bộ Nông nghiệp, hiện cả nước có 28,1 triệu con lợn, cung cấp 3,83 triệu tấn thịt lợn. Trong đó có 2,5 triệu hộ đóng góp chiếm 42,5% sản lượng thịt.
Về hoá chất phòng, chống bệnh thì việc tổ chức đấu thầu mất nhiều thời gian. Thù lao cho người hỗ trợ phòng dịch ở nhiều địa phương không bố trí được kinh phí hoặc có nhưng thấp (chỉ khoảng 50.000 đồng mỗi ngày) nên không đủ nhân lực. Nhân lực thú y bị cắt giảm cơ học do tinh giản biên chế dẫn đến không đủ người để kiểm dịch động vật cũng như các hoạt động thú y khác. Bên cạnh đó, các thiết bị sau nhiều năm sử dụng bị hỏng, không hoạt động hiệu quả…
Ngoài đề xuất tăng cường nhân lực, kinh phí để khống chế dịch bệnh, ngành nông nghiệp cũng đề nghị các tổ chức quốc tế từng có dịch bệnh này hỗ trợ. Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp, từng địa phương cần phải có kịch bản đối phó và chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn tình hình dịch bệnh.
Theo Tổ chức Thú y Thế giới, tính từ năm 2017 đến 3/3/2019 có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh dịch tả lợn châu Phi như Nga, Trung Quốc, Mông Cổ… Ngoài ra, các nước trong khu vực nhất là nước có biên giới chung với Việt Nam cũng đã có bệnh này nhưng chưa công bố.
Nguyễn Hà