Ở vùng ngoại thành Hà Nội, gia đình 3 người nhà ông Hiếu sử dụng gần 120 kWh điện cho các thiết bị tối thiểu trong nhà như quạt, tivi… “Nhà không có các thiết bị điện như tủ lạnh, máy giặt… nhưng tháng nào thấp nhất nhà tôi cũng 80 kWh điện, cao thì trên 100 kWh, chả bao giờ dưới 50 kWh theo định mức bậc 1 cả”, ông Hiếu nói. Theo ông, 50 kWh không đủ để một hộ gia đình như nhà ông xem tivi, dùng quạt… trong một tháng.
Trường hợp ông Hiếu không phải cá biệt khi nhu cầu dùng điện và tỷ trọng sử dụng điện của người dân hiện gia tăng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Liêm – Đại học Bách Khoa TP HCM, định mức dùng điện bậc 1 chỉ giới hạn ở 50 kWh là khá thấp với mức sống hiện tại. Với các thiết bị điện thông thường của hộ gia đình như quạt điện, tivi… thì giả sử một thiết bị điện có công suất 1.000W, chạy hơn 2 ngày (50 giờ) là hết định mức 50 kWh tối thiểu.
“Định mức điện ở bậc 1 quá thấp là điểm bất hợp lý khi nhu cầu sử dụng điện đang tăng nhanh hiện nay”, ông Liêm nói. Ông cũng đồng tình quan điểm, rằng việc đưa ra bậc tối thiểu 50 kWh trước đây nhằm giúp những hộ gia đình khu vực nông thôn, vùng núi… có điều kiện được dùng điện giá thấp. “Song, thực tế nhu cầu dùng điện đang tăng lên và nên xem xét, điều chỉnh lại phù hợp hơn”, ông nói và cho rằng nên “nới” định mức dùng điện ở bậc 1 lên gấp đôi hiện nay, 100 kWh, và giữ nguyên giá ở bậc này, thì người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều hơn.
Từ tháng 6/2014 biểu giá điện bậc thang 6 bậc được áp dụng theo Quyết định 28/2014 của Thủ tướng. Giá bán lẻ điện cho hộ sinh hoạt hiện đang được chia thành 6 bậc theo chỉ số sử dụng bậc 1 từ 0 đến 50 kwh, bậc 2 là 51-100 kwh, 101-200 kwh là bậc 3. Bậc 4 từ 201 đến 300 kwh, bậc 5 là 301-400 kwh và bậc 6 từ 401 kwh trở lên.
Việc áp giá điện 6 bậc thang, theo lý giải của nhà chức trách ở thời điểm đó nhằm giúp người có thu nhập thấp được hưởng mức giá thấp nhất, ít chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá điện, trong khi đó các hộ gia đình ở mức thu nhập cao sẽ phải trả nhiều tiền điện hơn.
Ông Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, chính sách giá điện bậc thang là cần thiết trong điều kiện buộc phải tiết kiệm năng lượng. Không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia cũng đang áp dụng biểu giá luỹ tiến. “Điện là loại hàng hoá đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ không cùng thời điểm, không thể dự trữ nên cần sử dụng tiết kiệm”, ông nói. Tuy nhiên theo ông, sau 5 năm áp dụng biểu giá này đã tới lúc cần sửa để phù hợp với điều kiện thực tế tỷ trọng dùng điện giữa các hộ, nhất là số hộ dùng dưới 50 kWh đã ít hơn trước.
Phân tích điểm bất hợp lý ở biểu giá điện luỹ tiến hiện nay, ông Trần Đình Long – Phó chủ tịch Hội Điện lực nhìn nhận, các bước chênh lệch giá “chưa hợp lý, không đi theo thông lệ chung”.
Ông phân tích, biểu giá điện luỹ tiến hiện nay, người dùng ở 2 bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp; dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh – được coi là nhóm người giàu, trả tiền cao nhất. Nhưng xét ở mức chênh lệch giá giữa các bậc thì bậc 1 và 2 chênh nhau 56 đồng một kWh, còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. Giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 là 522 đồng, trong khi bậc 6 cao nhất chỉ chênh với bậc liền kề trước đó 93 đồng một kWh.
Một lý do khác, theo các chuyên gia cần thay đổi biểu giá điện luỹ tiến là tỷ trọng hộ dùng điện ở nhóm khách hàng thấp đang giảm dần, nhóm trung bình và cao đang tăng lên nhanh chóng.
Số liệu của Bộ Công Thương, trong số 25,8 triệu khách hàng dùng điện sinh hoạt, tỷ lệ dùng điện dưới 100 kWh (bậc 1 và 2) chiếm 35,8%; hộ dùng 101-300 kWh (bậc 3 và 4) khoảng 40%. Hộ sử dụng trên 300kWh chiếm chưa đến 15% và trên 400 kWh chỉ 7%. Như vậy, nhóm khách hàng sử dụng điện ở mức độ trung bình (khoảng 300 KWh) là nhóm chịu bước nhảy giá lớn nhất trong bậc thang giá điện hiện hành.
“Khi tỷ trọng dùng điện thay đổi, lượng hộ dùng ít điện giảm đi và tăng mạnh ở phân khúc 200-300 kWh một tháng thì cần tính toán lại để biểu giá phản ánh sát thực tế hơn”, một chuyên gia về giá nói và đề xuất nên rút gọn số bậc và tính lại đơn giá từng bậc. Ông cũng đề nghị lấy “mốc” từ 101 đến 200 kWh là bậc 1, thay vì mức 50 kWh hiện nay, do đây là mức tiêu thụ trung bình của đa số hộ sử dụng điện sinh hoạt.
Công nhân Công ty Điện lực TP HCM sửa chữa lưới điện. Ảnh: Thành Nguyễn |
Trong khi đó, ông Trần Viết Ngãi lưu ý, việc rút gọn số bậc hay tăng thêm và chia nhỏ số bậc theo sát từng nhu cầu người dùng điện… cần tính toán kỹ lưỡng và vẫn phải đảm bảo nguyên tắc “càng dùng nhiều điện phải trả càng cao”.
Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam thì góp ý, có thể giữ nguyên các bậc thang nhưng điều chỉnh giá lũy tiến hợp lý hơn để bảo đảm công bằng giữa các bậc. Trong đó, khu vực sử dụng điện ở mức trung bình và phổ biến thì giá điện phải gần bằng với giá bình quân, còn dùng cao hơn phải áp giá mạnh. “Điều này bảo đảm cho một hộ gia đình ở thành phố với mức sử dụng thông dụng tối thiểu sẽ được hưởng giá điện hợp lý, chỉ phần sử dụng cao vọt mới bị tính giá cao”, ông nói.
Thực tế, đầu năm 2015 biểu giá điện luỹ tiến đã từng được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến sửa đổi sau hơn một năm áp dụng. Khi đó, dự thảo đề xuất 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Một là giữ nguyên 6 bậc thang như hiện nay. Hai là quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá). Ba là rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc xuống 3 bậc (hay 4 bậc) theo 5 kịch bản. Tuy nhiên, sau nhiều cân nhắc, biểu giá luỹ tiến 6 bậc vẫn được áp dụng đến hiện tại và được Bộ Công Thương đánh giá là “đảm bảo tính đa mục tiêu về an sinh xã hội, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và đơn giản trong sử dụng”.
Trả lời VnExpress, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết cơ quan này sẽ xem xét, sửa lại biểu giá điện bậc thang cho phù hợp với thực tế, giảm bù chéo giữa các hộ dùng điện sinh hoạt. Chưa rõ biểu giá điện tới đây được Bộ Công Thương đề xuất sửa theo hướng nào, tuy nhiên lãnh đạo cơ quan này khẳng định, biểu giá điện mới sẽ trên cơ sở đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, chiến lược sử dụng năng lượng hiệu quả và phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Anh Minh