Chủ tịch ngân hàng Sacombank Dương Công Minh
Từ phá sản vì buôn xoài đến cơ duyên với bất động sản
Với cách nói chuyện giản dị và khá cởi mở về quãng thời gian tuổi trẻ của mình, ông Minh tiết lộ ông là người hội tụ đủ những yếu tố để có thể làm quan: Tốt nghiệp đại học chính quy, sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, người đỡ đầu của ông khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Song “con đường làm quan không thành” do ông yêu vợ bây giờ vốn là con gái của một gia đình quan chức chế độ cũ ở Sài Gòn. Trước sự can ngăn của đơn vị, cơ quan, ông vẫn quyết cưới người mình yêu và điều đó đồng nghĩa với việc ông khó có thể thăng tiến trong sự nghiệp, con đường công danh của ông từ đó gần như đã kết thúc.
Hết nghĩa vụ quân sự, ông Minh về quê Bắc Ninh và gặp một người bạn cùng học đại học dẫn lên Lạng Sơn chơi. “Lên đây, tôi thấy thương lái Trung Quốc đi mua chuối, sau đó tôi với bạn mới bàn về xuất khẩu chuối sang Trung Quốc. Và tôi đi buôn chuối từ ngày đó”, ông Dương Công Minh nhớ lại.
Sau xuất khẩu chuối, ông Minh và bạn lại tiếp tục xuất khẩu xoài, thanh long. Ông Minh cho biết, hồi đấy, xoài rất là hiếm chứ không phải sản xuất hàng hóa như bây giờ, chủ yếu tự cung tự cấp là chính, thương lái Trung Quốc khi đó mua rất nhiều xoài.
“Mấy năm đầu, tôi xuất khẩu 2 – 3 xe rất lời, nếu trong mùa xoài thì mua một lời một. Đến năm thứ hai, chúng tôi xác định mở rộng kinh doanh, xuất khẩu 10 xe, mỗi xe lời 20 triệu đồng. Vào năm 1989, số tiền đó rất lớn.
Vì quá ham do lợi nhuận cao, bạn ông đã đi vay tiền làm 110 xe xoài. Tuy nhiên, do thu mua xoài non nên toàn bộ xoài đến nơi bị thối hết. Cuối cùng ông bị lỗ sạch vốn, dẫn đến phá sản.
Kết quả là ông phải bán nhà đi trả nợ. Tuy nhiên, cũng chính nhờ việc bán nhà mà ông Minh đã nhận thấy những cơ hội làm giàu từ bất động sản. Những ý tưởng đó về sau đã giúp ông xây dựng nên Công ty CP Him Lam – Him Lam Group, một trong những tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam cho đến hiện nay.
Có “gan to” mới có thể làm giàu
Tại toạ đàm “Khởi nghiệp công nghệ bất động sản: Người thay đổi cuộc chơi” tổ chức mới đây, khi được hỏi về câu chuyện khởi nghiệp của mình, ông Minh cho rằng may mắn chiếm 30% sự thành công, nhưng may mắn không phải tự nó tới mà do chính chúng ta tạo ra.
“Tôi vẫn hay nói với nhân viên rằng ‘há miệng chờ sung’, nhưng chúng ta phải nằm dưới gốc cây sung há miệng thì mới có cơ hội chứ không phải chúng ta đi ngoài đường có con chim nó rơi quả sung vào miệng”.
Do đó, thực chất, 30% may mắn là do quá trình vận động của mình tạo ra. Quan trọng nhất là khi có được cơ hội may mắn đó mình có tinh thần máu lửa, dám nghĩ, dám làm để biến cơ hội thành thành công hay không.
Nhớ lại thời kỳ đầu bắt tay vào lĩnh vực mới sau khi phá sản với việc đi buôn xoài, ông Minh nhớ lại: “Thời đó tôi rất mạnh dạn, không có tiền thì tôi đi vay nóng, lãi suất rất cao. Tôi thuê kiến trúc sư, kỹ sư vào làm. Lúc đó có thể khó khăn, thua lỗ, công ty âm về tài sản nhưng dương về kiến thức, trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh”.
Theo vị lãnh đạo này, một doanh nghiệp khởi nghiệp có kiến thức, có cơ hội nhưng “gan nhỏ” thì cũng không làm được. “Do đó, bất cứ khi nào thấy cơ hội, doanh nghiệp phải phải máu lửa lên, không có gan to, không thể thành công”.
Ông kể lại câu chuyện về một người cùng họ Dương rằng người này có nghiên cứu ra một sản phẩm nano nghệ rất tốt, sản phẩm rất thành công nhưng không tiêu thụ được. Người bạn này có đến nhờ ông tư vấn và ông nhận định là thất bại do “thiếu máu lửa”.
“Bây giờ cậu đi ra đường ngoài kiếm thêm ba cô bồ. Khi nào cậu dám đem ba cô đó về khoe vợ thì mới là có gan, mới bằng một phần của anh. Chắc chắn khi đó, mới có thể thành công”, ông Minh hài hước kể lại câu chuyện đã nói với người cùng họ.
Không có cơ duyên với việc làm quan nhưng “có gan để làm giàu”, ông Minh thành lập Công ty Him Lam vào năm 1994. Đây là một trong những doanh nghiệp tư nhân đầu tiên kinh doạnh bất động sản tại TP. HCM. Ông tiết lộ, hiện doanh nghiệp đang làm khoảng 75 dự án, phần lớn đã hoàn thành, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng, kinh tế, lúc nào muốn bán lại cũng đều có lãi.
Kim chỉ nam của công ty là làm ra sản phẩm tốt nhất đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng với chất lượng hoàn hảo. Cũng theo ông Minh, hiện công ty đang mở rộng thêm các sản phẩm ở Hà Nội, tập trung tại Long Biên. Dự kiến dự án sẽ ra mắt từ năm 2021 và duy trì lượng hàng trong vòng 10 năm.
Nói về sự phát triển của thị trường bất động sản, ông Minh cho rằng, sau thời gian phát triển sôi động, hiện thị trường đang đi ngang cả về nguồn cung và giao dịch, tuy nhiên vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.
Vị lãnh đạo này lấy ví dụ, một năm có một số lượng rất lớn tân sinh viên đến học tập tại Hà Nội, TP. HCM, đa số trong số này sau khi ra trường đều có nhu cầu ở lại các thành phố này. Đây chính là nguồn khách hàng tiềm năng cho thị trường bất động sản trong tương lai.
Trong đó, đối với mỗi phân khúc thị trường từ cao cấp, trung cấp, nhà giá rẻ hay nhà cho thuê đều có những đối tượng khách hàng nhất định và triển vọng phát triển trong thời gian tới. Quan trọng là các doanh nghiệp có dám làm, dám đầu tư.
Minh chứng cho điều này, ông Minh nhắc đến thành công của Vingroup mà ông cho rằng đây là doanh nghiệp dám tạo nên những sản phẩm thị trường chưa từng có, như các đại đô thị VinCity với đầy đủ tiện ích như một thành phố thu nhỏ hay chính sách cho vay mua nhà trả góp lên đến 35 năm.
“Vingroup là nhà phát triển bất động đầu tiên tại Việt Nam tạo nên các đại đô thị, điều mà các chủ đầu tư trước đó chưa thể làm được. Sau đó, đơn vị thứ hai làm điều này sẽ là Him Lam với dự án Him Lam City”, ông Minh tiết lộ.
“Chúng tôi, Him Lam, Novaland hay cả HD Mon Holdings đều muốn được như Vingroup”, ông Minh bày tỏ sự khâm phục với cách làm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Vingroup và cho rằng các doanh nghiệp cần học hỏi Vingroup để tạo nên những sản phẩm bất động sản đặc biệt, chất lượng trên thị trường.