Anh Bùi Văn Tuyên ở xóm Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) là một trong những hộ nuôi nhiều hươu ở xã cho biết: Mỗi năm trong chuồng của gia đình luôn có từ 30 – 40 con hươu. Thời điểm này, gia đình tôi đã cho cắt được trên 6 kg nhung hươu. Với giá lộc nhung hươu bình quân 1,8 triệu đồng/lạng, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Theo anh Tuyên: Mùa cắt nhung hươu thường bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch, nhưng rộ nhất là vào tháng 2 âm lịch.
Năm nay, thị trường lộc nhung hươu nhộn nhịp hơn mọi năm, ngay từ dịp trước Tết đã đông khách tìm đến mua nhung hươu. Để chăm sóc đàn hươu lấy nhung, ngoài cho hươu ăn lá cây trên rừng, anh Tuyên còn trồng thêm 1 mẫu cỏ voi để cung cấp thức ăn cho hươu…
“Nuôi hươu lấy nhung cũng đơn giản, lá cây, cỏ trong vườn, trên rừng đều có thể làm thức ăn cho hươu. Tuy nhiên, để chất lượng nhung hươu đảm bảo, trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng tôi phải bổ sung lượng thức ăn tinh bột như ngô, lạc, khoai cho đàn hươu” – anh Tuyên cho hay.
Vài năm gần đây, trên địa bàn xã Cúc Phương đã hình thành những tổ, nhóm chuyên đi cắt lộc nhung hươu. Khi khách hàng đã ưng ý cặp nhung nào, chủ hươu nhờ tổ “hái” lộc đến giúp sức.
Trong tổ, khoảng 5 – 6 người đến vật chú hươu xuống và dùng cây cưa nhỏ cưa đoạn lộc nhung hươu vừa lên, tuyệt đối không được đụng đến phần gốc. Công việc cưa nhung hươu tuy đơn giản nhưng phải là người khéo tay mới làm được.
Theo kinh nghiệm dân gian, khi cắt nhung hươu phải cắt từ điểm cách đáy nhung 3 – 4cm. Trong quá trình cắt nhung, máu chảy ra có thể dùng để pha rượu uống rất tốt cho sinh lực nam giới.
Nếu muốn không chảy máu nữa thì dùng mực tà trộn cùng than gỗ thoa vào đầu chỗ cắt, băng lại bằng vải gạc sạch. Thông thường khách đặt hàng, chọn ngày cắt lộc nhung hươu và chuẩn bị bình thủy tinh, rượu trắng, mật ong hay sâm để thợ chế biến ngay tại chỗ.
Anh Đinh Quang Hậu ở xóm Nga 2, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình là một trong những hộ nuôi hươu lâu năm cho biết: “Khi hươu bắt đầu ra lộc nhung, gia đình thường xuyên chăm sóc bằng cách bổ sung thêm những thức ăn giàu chất béo nên lộc nhung lên rất nhanh, chất lượng cũng cao hơn.
Nếu tính từ khi những lộc nhung hồng tơ nhô lên đẩy bung mảnh sừng do vết cắt cũ tạo nên đến khi thu hoạch khoảng 43 – 45 ngày. Vào mùa cắt lộc nhung hươu khi chưa gặp khách bán cũng phải cắt, sau đó bảo quản trong tủ đông, nếu để lộc nhung “già” chất lượng nhung sẽ không đạt yêu cầu”.
Ngày cắt nhung cũng là ngày vui nhất của gia đình. Vui vì sau những ngày chăm sóc, giờ là lúc thu về thành quả lao động. Với giá từ 1,6 – 1,8 triệu đồng/lạng lộc nhung, cặp nhung thường có trọng lượng từ 0,5 – 1kg, chủ nhà sẽ thu về 8 – 15 triệu đồng/1 con hươu.
Ông Nguyễn Đức Anh, một khách hàng đến từ Hà Nội cho biết: “Nhung hươu Cúc Phương là sản phẩm đã có thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng rất tin tưởng. Năm nào, dịp đầu xuân năm mới, tôi cũng về đây “hái lộc” nhung hươu.
Nhung hươu hay lộc nhung là một trong tứ đại danh dược của Việt Nam (gồm nhân sâm, nhục quế, lộc nhung, bạch phụ tử) có công dụng bồi bổ sức khỏe, chữa nhiều bệnh lý, làm chậm lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
Theo ông Đinh Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cúc Phương (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình): hiện xã Cúc Phương có hơn 200 hộ dân nuôi hươu, với hơn 600 con hươu lấy nhung.
Điển hình các xóm có số lượng nuôi hươu lấy nhung nhiều như Nga 1, Nga 2, Nga 3, Bãi Cả. Năm nay, thị trường nhung hươu có phần nhộn nhịp hơn năm trước, thu hút nhiều du khách gần xa về cắt lộc, đặc biệt là các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa…
Nghề nuôi hươu lấy nhung truyền thống nhiều năm trở lại đây đã giúp người dân xã miền núi Cúc Phương thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Nhẩm tính với số lượng hươu như hiện nay, người dân Cúc Phương có thể thu về gần 7 tỷ đồng từ khai thác nhung hươu.
Để tiếp tục phát triển đàn hươu, chính quyền xã đã có phương án hỗ trợ người chăn nuôi. Đặc biệt, năm 2020, nhung hươu Cúc Phương đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận thương hiệu.