Khởi nghiệp từ nấm

0
596
Trong quá trình khởi nghiệp, các DN đã phải trải qua không ít thất bại, gian nan nhưng cuối cùng, họ cũng tìm ra con đường đi đến sự thành công.
Bắt đầu từ món ăn đơn giản

Nhu cầu tiêu thụ nấm ngày càng tăng, tuy nhiên, nấm tươi rất khó bảo quản. Với mong muốn mang sức khỏe đến người tiêu dùng, nấm Tươi Cười chuyên chế biến và sản xuất các thực phẩm sạch từ nấm đã ra đời. Với nhiều lợi thế về công nghệ, công thức chế biến, chuỗi cung ứng trong và ngoài nước cùng đội ngũ cố vấn, nhân sự, nấm Tươi Cười là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm: Ruốc nấm, giò nấm, nước uống thảo dược từ nấm dược liệu và nấm ăn. Đối tượng khách hàng của nấm Tươi Cười đa số là dân thành thị, người ăn chay, ăn kiêng, người quan tâm sức khỏe, người có cuộc sống bận rộn…
 Sản phẩm nấm Tươi Cười. Ảnh: Trần Thảo.

Ra đời từ năm 2013, đến nay, nấm Tươi Cười đã bán ra thị trường gần 1 triệu sản phẩm với 230 điểm bán lẻ, 7 nhà phân phối và dữ liệu của 800 người tiêu dùng thân thuộc. Nấm Tươi Cười đã tạo thêm thu nhập cho 20 người khuyết tật, 10 người phụ nữ khó khăn. Bà chủ 8X Phạm Hồng Vân chia sẻ: “Ngày đầu khởi nghiệp, tôi đã xác định mình phải đi theo hướng là người dẫn dắt thị trường, chứ không phải chọn cách đi theo xu hướng từ những người khác tạo ra”. Tuy nhiên, do nấm Tươi Cười xâm nhập thị trường quá sớm nên không tránh khỏi những khó khăn. Nhưng qua năm tháng, khách hàng dần biết đến sản phẩm cùng với sự kiên trì của bản thân khi tham gia các cuộc hội chợ, các cuộc thi khởi nghiệp… Vân chia sẻ, đích đến của nấm Tươi Cười là năm 2020 phải ổn định được vùng nguyên liệu, không chỉ dừng ở quy mô cung cấp cho thị trường nội địa, mà phải có sản lượng lớn để có thể cung cấp những đơn hàng nấm đã qua chế biến xuất khẩu.

Ưu việt nhờ công nghệ

Từ bỏ công việc mơ ước kiếm hàng chục triệu đồng mỗi tháng để về trồng nấm, ước mơ của bà Dương Thị Thu Huệ (Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoco) không chỉ là phát triển sự nghiệp cho bản thân mà hơn thế là mong muốn cho người dân Việt Nam sẽ được sử dụng nấm sản xuất trong nước với chất lượng đảm bảo và mức giá hợp lý. Chính vì vậy, bà đã không ngần ngại đầu tư tiền của và công sức để xây dựng nhà máy sản xuất nấm hiện đại theo công nghệ Nhật Bản.

Vốn là một phiên dịch viên tiếng Nhật, năm 2002, trong quá trình nghiên cứu tài liệu về giống nấm của Nhật Bản, bà Huệ nhận thấy, tất cả những gì làm ra cây nấm đều là phụ phẩm của nông nghiệp. Nếu có thể sử dụng phụ phẩm của nông nghiệp để trồng nấm thì sẽ giải quyết được vấn đề môi trường, đồng thời đem lại việc làm cho bà con nông dân. Trong quá trình khởi nghiệp, bà Huệ đã gặp không ít khó khăn về vốn cũng như kinh nghiệm.

Quyết định ứng dụng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, với 1kg nguyên liệu sẽ cho 1kg nấm. Nhờ vậy, chỉ với 5.000m2 nhà xưởng, mỗi năm Công ty Kinoco có thể cung cấp cho thị trường từ 400 – 500 tấn nấm, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 20 lần trong lúa, gấp 10 lần trồng rau.

Tính đến cuối năm 2017, công suất của nhà máy thuộc Công ty Kinoco đạt 3 tấn nấm/ngày. Toàn bộ sản phẩm được tạo ra từ một quy trình sản xuất khép kín trong phòng lạnh có sự kiểm soát chặt chẽ về kỹ thuật, ánh sáng và nhiệt độ với tổng vốn đầu tư trên 3 triệu USD. Với việc sử dụng công nghệ máy móc thiết bị của Nhật Bản, công ty đã nhập khẩu bình nhựa 100% từ Nhật, vừa thân thiện với môi trường vừa có thể tái sử dụng với độ bền trong vòng 20 năm. Đặc biệt, sử dụng công nghệ của Nhật Bản thì mỗi lọ nuôi trồng nấm chỉ cần đưa vào khoảng 35% chất thô, còn lại 65% là các loại cám dinh dưỡng nên thành phẩm nấm cho chất lượng dinh dưỡng cao.

Khởi nghiệp từ nấm
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here