Anh Đời kể trước đây anh chuyên nuôi bò thịt với số lượng từ 10 – 12 con, mỗi năm thu lãi tương đối khá. Thế nhưng, đến năm 2012, qua tìm hiểu một số mô hình nuôi lươn hiệu quả cao, anh quyết định chuyển sang nuôi lươn bột, lươn giống.
Trên diện tích đất 1.600 m2, anh Đời thiết kế 40 bể nuôi, mỗi bể có diện tích 30 m2, sâu 40 cm. Phía dưới đáy và chung quanh bể lót bạt ni lông, hai bên bể nuôi là hai bờ đất được trồng cỏ và phủ lá để lươn bố mẹ giao phối và sinh sản. Giữa bể anh chất đất bùn vào với chiều cao khoảng 30 cm và ngập trong nước. Điều đặc biệt ở ông “mụ” lươn vườn Nguyễn Minh Đời là đã lấy giống ban đầu từ những con lươn đồng thuần chủng; sau đó lai tạo ra dần để có lươn giống chất lượng cao, lươn tăng trưởng nhanh, chóng lớn, màu sắc đẹp. Với cách nhân giống luân phiên này, mỗi năm anh xuất bán khoảng 700.000 lươn bột (giá 750 – 800 đồng/con), trên 300.000 con lươn giống (giá xấp xỉ 2.200 đồng/con). Bình quân mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Đời thu lãi từ 500 – 600 triệu đồng.
Theo anh Đời, nuôi và bán lươn bột, lươn giống thấy đơn giản nhưng đòi hỏi sự am hiểu rất sâu về quá trình giao phối, sinh sản, phát triển, chế độ ăn… của lươn. Ngoài thức ăn công nghiệp, anh còn cho lươn ăn thêm nhiều chất khoáng và vitamin. Đặc biệt nhất là biết chọn lươn bố mẹ khỏe mạnh. Hiện tại anh đang sở hữu khoảng 1 tấn lươn bố mẹ để phát triển đàn lươn của mình.
Để có được nguồn nước sạch lưu chuyển vào các bể nuôi lươn, anh Đời xây dựng bể lắng nước sông với dung tích hàng trăm ngàn mét khối. Sau khoảng 10 ngày cho nước lắng để loại bỏ các chất độc hại, anh mới cho nước vào các bể nuôi. Bên cạnh đó, để tăng độ dinh dưỡng cho lươn, cứ 30 ngày anh Đời lại nạo vét một phần bùn đất trong bể để thay vào những lớp bùn mới.
Anh Đời cho biết lươn sinh sản nhiều nhất từ tháng 1 đến tháng 8 âm lịch. Thời gian trứng nở đến khi trở thành lươn bột là 20 ngày và thành lươn giống là 30 ngày. Thị trường tiêu thụ lươn hiện nay của anh chủ yếu là các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long…
“Năm nay tiếp tục thu lãi trên 500 triệu đồng nên tôi chuẩn bị đầu tư thêm 40 bể nuôi tương tự với kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Kinh doanh loại thủy sản này khó mà dễ, dễ mà khó. Tất cả là do mình thôi”, anh Đời chia sẻ.
Ông Trần Văn Cường, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Lộc, nhân xét anh Đời tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng có chí làm ăn, không ngại khó khăn, luôn bám sát những biện pháp chăn nuôi thủy sản tiên tiến. Bên cạnh đó, anh đã hướng dẫn hàng chục nông dân quanh vùng cách nuôi lươn giống và hầu hết đều đạt kết quả khả quan.
“Đây là mô hình làm ăn rất hiệu quả, bởi chỉ bỏ ra 1 đồng vốn nhưng thu về 4 đồng lời; không lo dội hàng và rủi ro về thời tiết. Đặc biệt, mô hình này khá phù hợp cho người ít đất sản xuất, nên chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng để nhiều người học tập, làm theo”, ông Cường thông tin thêm.