Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre ký tặng ông Nguyễn Hiếu Thiện vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương giai đoạn năm 2021 – 2022.
Ông Nguyễn Hiếu Thiện kể: “Tôi có người chú ở tỉnh Vĩnh Long, trồng nhãn tiêu quế bị bệnh “chổi rồng” vào năm 2006 và kéo dài nhiều năm. Trong đó, có 1 cây không hề bị bệnh “chổi rồng”. Tôi nghe ông chú nói: Cây này cho trái rất nhiều, ăn rất ngon, chứ tôi không thấy trái vì khi tôi đến thì trái đã qua mùa thu hoạch. Tôi bầu vài nhánh đem về trồng vào năm 2017”.
Năm 2019, mấy cây nhãn mà ông Hiếu Thiện bầu nhánh từ cây nhãn của ông chú đã cho trái. “Tôi không ngờ nó cho trái rất to, cơm dày (chiếm 74% trọng lượng trái), trái càng chín hột càng nhỏ lại. Nhãn này chín có mùi thơm như nhãn long. Vỏ trái có màu giống nhãn tiêu quế”, ông Hiếu Thiện cho biết.
Ông Hiếu Thiện chia sẻ cách chăm sóc cây trồng: Tôi thường sử dụng phân chuồng và một ít phân NPK để bón. Khi nhãn ra bông, đậu trái khoảng 15 ngày, tôi xịt thuốc sinh học để ngừa sâu đục cuốn trái. Tôi đã cân thử từ 35 – 40 trái/1kg, có khi 40 – 45 trái/kg. Độ ngọt của nhãn “Long Phụng Châu” này tôi đã đem đo đạt 22% brix, vị ngọt thanh.
Ông Nguyễn Hiếu Thiện cho biết vườn nhãn trái “Long Phụng Châu” còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch.
Theo ông Hiếu Thiện, để nhận biết nhãn “Long Phụng Châu” dựa vào lá có màu xanh đậm, thuôn dài gần giống lá nhãn Ido. Khi trồng không xử lý cây vẫn cho ra trái tự nhiên. Vì vậy, tiết kiệm rất nhiều chi phí xử lý và chăm sóc. Từ lúc ghép cây đến lúc bán được là 60 ngày, giá cây giống 120 ngàn đồng/cây. Trong vườn nhãn của ông Hiếu Thiện có cây đầu dòng để nhân giống bán. Ông Hiếu Thiện đã bán cây giống được 2 năm qua. Mỗi năm bán khoảng 7 ngàn cây giống, thu về khoảng 84 triệu đồng từ nhãn “Long Phụng Châu”. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở miền Đông Nam Bộ và tỉnh Đồng Tháp.
Cây được 5 năm tuổi cho trái khoảng 100kg/cây. Vụ thuận của nhãn từ tháng 5 – 8 âl hàng năm. Nhưng với kỹ thuật chăm sóc, ông Hiếu Thiện đã cho cây đậu trái quanh năm bằng cách cho ra trái vào vụ nghịch. Giá bán trái hiện tại 80 ngàn đồng/kg.
Được hỏi vì sao đặt tên nhãn này là “Long Phụng Châu”, ông Hiếu Thiện vui vẻ trả lời: “Sau khi biết nó ngon đến thế, chống lại bệnh “chổi rồng” và say trái nên tôi đặt “Long Phụng Châu”. Hơn nữa tôi đặt tên này vì có mùi thơm của nhãn long. Còn phụng (trong tứ linh: long – lân – qui – phụng), châu (trân châu). Hình ảnh “lưỡng long tranh châu” vì quả châu thu hút công danh tài lộc; có được quyền cao chức trọng trong công việc và cuộc sống. Châu cũng có thể hình dung như viên ngọc có ánh sáng rực rỡ và thể hiện sự cao quý. Quý hiếm cho nên phải gìn giữ, phát huy và nhân rộng”.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh nhận xét: “Ông Nguyễn Hiếu Thiện là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông luôn cần cù trong lao động, chịu sưu tầm, nhân giống cây ăn trái quý hiếm, điển hình là nhãn “Long Phụng Châu”. Loại nhãn này ông Hiếu Thiện đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền 3 chữ “Long Phụng Châu” với Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.