Tham dự lớp tập huấn có gần 200 nữ giảng viên thuộc các trường đại học khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chương trình được bảo trợ bởi Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, tổ chức hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh (Wise).
Nữ doanh nhân khởi nghiệp thành công “truyền lửa” cho các giảng viên Startups.
Trong 2 ngày tham dự, các học viên sẽ được chia sẻ kỹ năng cơ bản và công cụ hỗ trợ phát triển khởi nghiệp; Kinh nghiệm khởi nghiệp và quản lý kinh doanh ở địa phương; Phân tích cơ hội kinh doanh dựa vào tài nguyên bản địa và sản phẩm đặc trưng trong khu vực ĐBSCL; Xây dựng mối liên hệ giữa nhà giáo và doanh nhân; Xây dựng cộng đồng Nhà giáo – Nhà tư vấn – Nhà kinh doanh; Đưa ra phương pháp áp dụng hiệu quả cho các giảng viên nữ, đang làm việc tại các cơ sở giáo dục khác nhau trong khu vực.
Chương trình chọn ba nhóm ngành phổ biến tại ĐBSCL gồm dịch vụ nông nghiệp, thực phẩm và du lịch đồng thời lựa chọn các gương điển hình khởi nghiệp ở địa phương trên 3 lĩnh vực này tham gia chia sẻ kinh nghiệm thực tế bản thân, “truyền lửa” cho các giảng viên Startups. Mục tiêu của chương trình là giúp học viên có nhận thức thực tế phù hợp, để có thể truyền đạt lại cho học trò của mình, như một tư vấn viên khởi nghiệp theo mô hình “TRAIN THE TRAINERS”.
Ông Nguyễn Phương Lam cho biết hai nhóm ngành có nhiều cơ hội khởi nghiệp tại khu vực là công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Chia sẻ với lớp tập huấn về “nhận thức đúng về khởi nghiệp, trong thời đại công nghiệp 4.0; sử dụng hiệu quả phương pháp và công cụ khởi nghiệp trong điều kiện địa phương vùng ĐBSCL”, ông Nguyễn Phương Lam, Phó giám đốc Phụ trách VCCI Cần Thơ cho biết: cả nước hiện có hơn 500.000 doanh nghiệp. Thực hiện mục tiêu Chính phủ đặt ra: đến 2020 nhân đôi doanh nghiệp hiện có là một thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, khởi nghiệp khác với lập nghiệp hay khởi sự kinh doanh. Khởi nghiệp muốn thành công trong điều kiện hiện nay thì phải gắn liền với đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ, đây là một xu hướng tất yếu trong thế kỷ XXI.
“Đối với khu vực ĐBSCL: hiện nay do cách làm nông nghiệp của ta còn rất thủ công, tốn kém nhiều chi phí không cần thiết, yếu sức cạnh tranh. Nếu khu vực nông nghiệp được “tiếp sức” bằng việc ứng dụng công nghiệp công nghệ trong nuôi trồng, chế biến, quảng bá, tiếp thị thì sẽ gia tăng giá trị lên gấp nhiều lần trong khi chi phí sản xuất sẽ được tiết kiêm hơn rất nhiều, đây cũng là lý do vì sao trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ sinh học ở các quốc gia, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc rất muốn hợp tác phát triển lĩnh vực này tại khu vực ĐBSCL“, ông Lam phân tích thêm.