Xã Tân Long và các xã vùng Lìa (H.Hướng Hóa, Quảng Trị) nổi tiếng là “vương quốc chuối” của miền Trung. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua nơi đây còn tấp nập kẻ bán người mua thì nay lâm cảnh đìu hiu vì giá chuối rớt thê thảm…
Giá rớt hơn 2/3
H.Hướng Hóa có diện tích trồng chuối khoảng 3.800 ha, tập trung ở xã Tân Long và các xã vùng Lìa. Suốt nhiều năm qua, mỗi năm nơi đây xuất hàng ngàn tấn chuối đi Trung Quốc, một số nước ASEAN và tiêu thụ trong nước. Cây chuối thực sự đã mang lại ấm no cho người dân địa phương. Ví như chỉ riêng tại xã Tân Long, địa phương có khoảng 1.900 ha chuối, mỗi năm thu từ chuối xấp xỉ 100 tỉ đồng.
Trong dịp Tết Canh Tý 2020, chuối Hướng Hóa đã xuất khẩu sang Trung Quốc và phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước. Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu chuối sang Trung Quốc qua các cửa khẩu bị ngưng trệ. Từ đó, giá chuối cũng bắt đầu tụt dốc. Ông Trương Đình Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết trước Tết Nguyên đán thị trường chuối sôi động, giá chuối khá cao, từ 7.000 – 8.000 đồng/kg. Sau tết, giá chuối tụt xuống mức 4.000 -5.000 đồng/kg và những ngày giữa tháng 4 này chỉ còn 2.000 – 2.500 đồng/kg. “Mức giá thê thảm này đã khiến doanh nghiệp, tiểu thương và người trồng chuối trên địa bàn gặp nhiều khó khăn”, ông Tùng nói.
Người trồng chuối ở H.Hướng Hóa lao đao vì giá rớt thê thảm |
Theo phân tích của ông Tùng, sở dĩ chuối rớt giá thê thảm ngoài nguyên nhân xuất khẩu qua Trung Quốc (thị trường chủ lực) gặp khó thì lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm bởi các lễ hội trong nước tạm dừng tổ chức; nhà hàng, quán ăn, doanh nghiệp đóng cửa; học sinh nghỉ học… Thậm chí, có thời điểm, thương lái nhiều ngày không nhập chuối khiến các hộ dân không bán được.
Trong khi đó, một số người dân chán nản cho biết: “Giá như vậy chẳng bõ công lên rẫy cắt chuối chở ra chợ”.
Mò mẫm tìm hướng đi
Trước tình hình trên, một số tiểu thương đã tìm cách đưa mặt hàng chuối quả tươi sang thị trường Lào, Thái Lan và các tỉnh, thành trong nước để tiêu thụ. Ông Võ Văn Cương, Phó chủ tịch UBND xã Tân Long, cho rằng không thể quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên chuyển hướng qua 2 thị trường này là hướng đi đúng. Tuy nhiên, ông Cương cũng thừa nhận sau một thời gian đầu khá sôi động thì trong 1 tháng trở lại đây lượng chuối quả tươi đưa sang hai thị trường Lào và Thái Lan cũng giảm xuống khá nhiều do ảnh hưởng của Covid-19 cùng một số lý do khác.
Để tháo gỡ khó khăn, Phòng NN-PTNT H.Hướng Hóa đang vận động doanh nghiệp, tiểu thương, người dân tìm các mối tiêu thụ nhỏ lẻ và chuyển đổi mô hình sản xuất. Theo đó, hoặc là người dân đưa chuối sang bán tại các tỉnh thành lân cận của Quảng Trị, hoặc liên hệ để xuất bán chuối vào các chuỗi siêu thị… Một hướng đi khác cũng được khuyến khích là giải quyết đầu ra bằng việc đầu tư hệ thống chế biến. Chị Trần Thị Hoài Nhung, chủ cơ sở chế biến chuối sấy khô ở xã Tân Thành (H.Hướng Hóa), cho biết các cơ sở chế biến chuối trên địa bàn là địa chỉ tin cậy giúp người nông dân yên tâm sản xuất. “Hiện lượng chuối tươi mua vào và lượng chuối sấy khô xuất ra có mức tiêu thụ tương đối ổn định. 2 năm trước sản phẩm mới làm ra người ta còn chưa biết đến, năm vừa rồi địa phương hỗ trợ tem, nhãn mác, xây dựng thương hiệu nên việc tiêu thụ đã tốt hơn”, chị Nhung thông tin.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Công thương Quảng Trị, cho biết ngành công thương đang tích cực kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà phân phối để hỗ trợ, giúp đỡ nông dân tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Ngành cũng đề nghị các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu nông sản mới để tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Sở Công thương đang theo dõi sát sao diễn biến cung cầu của thị trường nhằm tham mưu UBND tỉnh có phương án chỉ đạo, bình ổn thị trường”, ông Hưng thông tin.