5 hướng khởi nghiệp ngành nông, đặc sản

0
1299

Bài viết của chị Nguyễn Phi Vân (Founder tại Retail & Franchise Asia) đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Việt Nam là nước có 65-70% dân số sống bằng nghề nông. Vậy, có nên nghĩ đến khởi nghiệp bằng chính lợi thế của mình?

Nhân câu chuyện thương hiệu sôcôla Marou đưa cacao Việt Nam bước ra thế giới, có lẽ chúng ta cũng nên đặt lại câu hỏi: lý do tại sao start-up này lại của 2 người Pháp mà không phải là của người Việt Nam?

Nhìn từ góc độ của người đã phát triển thị trường thế giới nhiều năm, tôi cho rằng sự khác biệt chính là ở tư duy chiến lược.

Nhìn nhu cầu, đoán tương lai

Các tập đoàn, công ty chuyên nghiệp thường sẽ nghiên cứu xu hướng thế giới, nghiên cứu và dự đoán nhu cầu tiêu dùng của thị trường mục tiêu trước khi xây dựng sản phẩm, thương hiệu phù hợp với nhu cầu hiện tại hoặc tương lai. Vì thế, việc quảng cáo, quảng bá chỉ mang tính chuyển tải thông tin về điểm khác biệt cơ bản và lợi ích độc đáo của sản phẩm mà doanh nghiệp thiết kế riêng cho người tiêu dùng mục tiêu của mình. Đó là cách mà Marou làm với thị trường thế giới. Trong khi đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường tập trung sản xuất ra sản phẩm, sau đó mới tìm cách quảng cáo, quảng bá và bán hàng. Qui trình kinh doanh này hoàn toàn trái ngược với qui trình của các công ty chuyên nghiệp. Do đó, nếu muốn start-up thành công, muốn đạt được sự phát triển bền vững, và nhất là muốn bước ra thế giới, start-up Việt cần học cách tư duy chuyên nghiệp như doanh nghiệp nước ngoài.

Với nông nghiệp và các ngành thực phẩm, thủ công mỹ nghệ truyền thống, Việt Nam có nhiều thế mạnh khác biệt, có thể phát triển bền vững và bước ra thế giới. Thiết nghĩ, đây là ngành start-up tiềm năng cho doanh nghiệp và các bạn trẻ Việt Nam. Tuy nhiên, để start-up ngành này thành công, cần tham khảo một số xu hướng chung của ngành trên thế giới.

Xu hướng 1: Made In Nature – nguồn gốc và sản phẩm từ thiên nhiên

Trong một thời gian dài, sự phát triển của công nghiệp và tự động hóa đã đẩy mạnh phong trào sản xuất sản phẩm hàng loạt, dành cho số đông. Giờ đây, đã xuất hiện sự đảo ngược của phong trào từ fast food (ăn nhanh) sang slow food (ăn chậm). Xu hướng thế giới ngày nay lại trả người ta về lại với thiên nhiên, với cách nuôi trồng, gặt hái, chế biến truyền thống của các thế hệ đi trước, một cách khoa học hơn.

Người tiêu dùng ngày nay đề cao tính địa phương. Cà phê trồng ở đâu, thổ nhưỡng thế nào, cho ra khẩu vị tương ứng ra sao. Người tiêu dùng quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm tự nhiên, hữu cơ, không có những hoạt chất được liệt kê một cách mập mờ với những dòng chữ nhỏ li ti, không ai hiểu trên nhãn sản phẩm.

Người tiêu dùng trân trọng tính thủ công, tính dân dã, tính cộng đồng và mong muốn được thông tin, được nhìn tận mắt, nghe tận tai về những con người thật, những cộng đồng thật, những lợi ích thật đằng sau từng sản phẩm.

Từ góc độ chuyên gia, tôi đánh giá xu hướng này hết sức thuận lợi cho start-up Việt Nam. Các bạn có thể bắt đầu rất nhỏ, từ cộng đồng và vùng miền sẵn có của mình để nghiên cứu, phát triển và xây dựng thị trường. Làm ở qui mô lớn như các tập đoàn hàng tiêu dùng nổi tiếng đã có nhiều năm phát triển thì khó, nhưng, nếu biết làm thật chi tiết, tự nhiên, thủ công thì doanh nghiệp nhỏ thật ra sẽ có nhiều lợi thế hơn. Tuy nhiên, làm nhỏ nhưng tư duy phải lớn, phải chuyên nghiệp thì mới đi xa được.

Xu hướng 2: Do tôi, cho tôi và vì tôi

Cá nhân hóa là xu hướng mới trên thị trường quốc tế, cũng là xu hướng đi ngược lại phòng trào sản xuất hàng loạt từ trước đến nay. Cá nhân hóa cho phép người tiêu dùng chọn sản phẩm phù hợp với mình, theo ý mình và theo định kỳ mà mình mong muốn. Đó cũng là lý do vì sao dịch vụ đăng ký định kỳ (subscription) hiện nay đang rất thịnh hành trên thế giới.

Ví dụ, khi tôi yêu thích gạo Anh Ba của Đồng Tháp, tôi muốn đặt hàng định kỳ, mỗi tháng 5kg chẳng hạn và giao vào mỗi cuối tháng. Hình thức dịch vụ tương tác thường xuyên và cung cấp sản phẩm định kỳ vừa giúp doanh nghiệp có một hệ thống khách hàng và doanh thu ổn định, vừa có thể dễ dàng giới thiệu các dòng sản phẩm mới khi cần.

Xu hướng 3: Từ nông trại đến bàn ăn

Công nghệ đang tạo ra những thay đổi lớn và nền tảng nhất cho thế giới. Nhờ công nghệ, hành trình cung ứng giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng ngày càng ngắn lại. Sản phẩm nông – đặc sản giờ đã có thể di chuyển trực tiếp từ nông trại đến bàn ăn một cách nhanh chóng. Đây là xu hướng phổ biến hiện nay trên thế giới nhờ vào các app đặt hàng. Ví dụ tại Úc, người tiêu dùng có thể mua các thực phẩm tương ứng theo nông trại, theo địa phương và được giao hàng tận nơi. Với cách làm này, start-up Việt Nam trong ngành công nghệ và nông – đặc sản có thể kết hợp với nhau để tạo nên một thị trường hoàn toàn mới.

Xu hướng 4: Giá trị cộng thêm

Người tiêu dùng hiện tại và tương lai không đánh giá và lựa chọn thương hiệu chỉ bằng sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, thời gian và trải nghiệm là vô giá. Người tiêu dùng quan tâm hơn đến việc sản phẩm đó tạo ra giá trị trải nghiệm gì cho bản thân, cho gia đình, tương xứng với thời gian mà họ bỏ ra. Như vậy, vấn đề không phải là sản phẩm ra sao. Vấn đề là mua sản phẩm rồi sao nữa? Doanh nghiệp có xây dựng những kênh đối thoại để hỗ trợ khách hàng sử dụng, tìm hiểu, thắc mắc, chia sẻ về sản phẩm hay không. Nếu thiếu đi những kênh đối thoại này, doanh nghiệp chỉ khai thác được khách hàng một lần chứ không giữ và khai thác được khách hàng cho cả vòng đời mua sắm.

Xu hướng 5: Sức khỏe và di động

Khi con người làm việc hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn thì đồng thời họ cũng có thể có ít thời gian hơn, cuộc sống vội vã hơn. Do đó, sức khỏe trở thành hàng hóa quan trọng nhất. Vì thế, người tiêu dùng đi tìm những thứ để ăn và khỏe, hưởng thụ và khỏe, tiện lợi mọi lúc mọi nơi và khỏe. Đây là một trong những xu hướng đang phát triển mạnh mẽ nhất hiện nay. Các sản phẩm tiêu dùng vì thế được đóng gói nhỏ, tiện dụng cho một lần, dễ dàng mang theo bất kỳ lúc nào khi cần và dùng được ngay chứ không cần qua chế biến gì thêm nữa.

Cũng là nông – đặc sản, nếu các start-up có thể hiệu chỉnh lại cách tiếp cận, xu hướng này sẽ giúp cho sản phẩm phục vụ đúng nhu cầu thị trường, qua đó có thể phát triển bền vững hơn.

Cuối cùng, dù xu hướng thế giới có thay đổi thế nào, khi bắt đầu gây dựng doanh nghiệp của mình, cần nhớ một điều quan trọng: doanh nghiệp nhỏ, nhưng tư duy không được nhỏ. Nếu nghĩ mình là một start-up và mình nhỏ, cách tiếp cận của một tiểu thương sẽ không mang doanh nghiệp và thương hiệu đi xa. Dù chỉ start-up và siêu nhỏ, cần phải bắt đầu với một tư duy lớn, chuyên nghiệp, hiểu xu hướng thế giới và hiểu rõ nhu cầu tiêu dùng tương lai trước khi phát triển.

Hình ảnh: Dự án vừa được giải thưởng xuất sắc nhất của tạp chí eVolo, Mashambas Skyscraper – farm cao tầng có thể lắp ghép dễ dàng và di dời từ nơi này sang nơi khác. Một farm cao tầng như vậy có thể trồng trọt và cung cấp cho cả một thị trấn tại châu Phi.

5 hướng khởi nghiệp ngành nông, đặc sản
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here