Mở quán bún chả cần chuẩn bị những gì?

1
18138

Bún chả là món ăn quen thuộc của người Hà Nội, đơn giản, dễ ăn nên được khá nhiều người lựa chọn. Nếu muốn mở quán kinh doanh bún chả, chắc chắn bạn phải chuẩn bị những bước sau.

1. Học cách làm bún chả

Muốn kinh doanh món ăn ngon, tự bạn phải am hiểu về món ăn cũng như biết cách chế biến sao cho thật ngon. Chất lượng món ăn là yếu tố hàng đầu quyết định việc kinh doanh của bạn thành hay bại.

Kinh doanh quán ăn bạn phải là người sành ăn, biết gia giảm gia vị cho vừa vặn và hấp dẫn nhất. Bạn có thể tham gia 1 khóa học nấu bún chả hoặc học hỏi cách nấu bún chả ở các cửa hàng lớn, có tiếng, tự mình mày mò, học hỏi từ người thân nếu thấy ăn ngon…

Có rất nhiều cách để bạn học được bí quyết làm bún chả ngon và nâng cao tay nghề của mình sau nhiều lần tập luyện.

Cách làm món bún chả không quá phức tạp, với các khâu chế biến khá đơn giản. Nhưng làm thế nào để bún chả ngon và đặc biệt thì còn tùy thuộc vào bí quyết và kinh nghiệm nấu nướng khác nhau của mỗi người.

Một suất bún chả ngon phải đảm bảo những điều cơ bản như:

Với chả miếng, nên chọn loại thịt nạc vai, thịt mềm, không quá mỡ nhưng lại không quá nạc. Khi nướng nên sẽ thơm và rất mềm. Với chả băm, bạn nên tự xay thịt hoặc băm thịt vì thịt băm mua tại chợ thường bị xay nhuyễn quá, khi nướng miếng chả dễ bị khô.

Khâu nướng chả cũng hết sức quan trọng, lửa phải to và đảo nhanh tay tránh cháy chả.

Bên cạnh chả, có thể làm thêm nem rán, chả lá lốt, chả xương sông để khách ăn kèm và món ăn phong phú hơn.

Nước chấm pha sẵn, phải còn hơi nóng bay lên, có hương vị riêng và được pha chế vừa vặn. Đu đủ xanh muối được thả vào món nước chấm vừa giòn vừa chống ngấy.

Bạn nên học hỏi công thức ướp thịt và pha nước chấm để có tỉ lệ vàng, từ sau làm cứ thế mà làm cho nhanh, gia giảm thêm nếu cần. Cần đảm bảo công thức này ngon, hợp khẩu vị nhiều người. Đây là yếu tố làm nên hương vị chính thơm ngon của món bún chả.

2. Chuẩn bị vốn

Tùy quy mô quán nhỏ hay lớn để bạn dự trù vốn kinh doanh phù hợp. Tất nhiên vốn càng lớn thì sẽ càng thuận lợi hơn. Để mở quán bún chả, thông thường cần từ 70 – 100 triệu trở lên.

Số tiền dùng để chi cho các khoản: Thuê mặt bằng, trang trí quán, mua các vật dụng cần thiết, mua nguyên liệu, thuê nhân công, tiền vốn để xoay trong vòng 3-6 tháng vì mở quán phải kiên trì và chưa chắc đã có lượng khách ngay.

3. Địa điểm, khảo sát thị trường

Mở cửa hàng ăn uống nên chọn địa điểm mặt bằng gần chợ, trường học, bệnh viện hoặc khu chung cư sầm uất, còn không phải tìm ở các nơi có vị trí thuận tiện giao thông (dễ nhận biết như ngã 4 hoặc ngã 3 cung đường hai chiều), hoặc trong hẻm nhưng cần phải có nhiều văn phòng cao ốc bên cạnh, có nơi để xe cho khách… như vậy quán của bạn mới có khách vào ăn và phát triển thuận lợi hơn.

Bạn cũng nên xem xung quanh đó có quán nào kinh doanh mặt hàng này chưa, thức ăn của họ ra sao, giá cả thế nào, mật độ khách vào ăn có đông không, nên đến và xem cách phục vụ, xem hương vị món ăn để đánh giá và có sự điều chỉnh.

Món bún chả đơn giản nhưng không phải ai cũng nấu ngon
Món bún chả đơn giản nhưng không phải ai cũng nấu ngon

4. Nguồn lấy hàng

Bạn nên dự trù những nguyên liệu chính lấy về để kinh doanh: thịt, bún, rau sống, gia vị… Thịt lấy về chế biến món ăn bạn có thể liên hệ các lò mổ có uy tín và được kiểm dịch rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bún yêu cầu sợi bún trung bình (không lấy loại nhỏ quá và to quá), bún phải tươi và sản xuất trong ngày, không được sử dụng các hóa chất tẩy và bảo quản độc hại.

Để biết được chất lượng bún có mẹo như sau: bạn chỉ cần mua 1 kg về nhà để ngoài khoảng 8 tiếng xem trạng thái bún có thay đổi gì không, nếu bún bị hôi là do vệ sinh máy móc không sạch nên bún bị chua, bún hẩm màu là bún cũ đã tẩy. Khi lấy hàng bạn cũng nên yêu cầu cung cấp giấy tờ VSATTP và giấy xét nghiệm khi chọn bún về bán.

Yếu tố chất lượng phải đặt lên hàng đầu, do đó tránh vì giá rẻ mà chọn nguyên liệu kém chất lượng hoặc cơ sở không uy tín sẽ khiến hoạt động kinh doanh bạn bị ảnh hưởng rất lớn.

Bạn nên công khai nguồn nguyên liệu sạch, đảm bảo cho khách hàng thấy rõ để lấy niềm tin khi kinh doanh.

Mua sắm vật dụng, trang trí quán

Bạn nên xem xét cân nhắc khi mua sắm vật dụng cho quán của mình. Bàn, ghế, quầy bán, tủ lạnh nên chọn loại phù hợp màu sắc và kích cỡ cho quán.

Khi chọn trang thiết bị nhà bếp cho việc chế biến, tùy thuộc vào giá bán và đối tượng phục vụ mà bạn có thể chọn loạị thiết bị (tô, nồi, xoong chảo, đũa, muỗng, đĩa, rổ, thau…) phù hợp, chi phí cho công đoạn này khoảng từ 10-15 triệu tùy thuộc vào độ sang chảnh của quán bạn.

Quán nên thoáng mát, gọn gàng, sạch sẽ dễ gây thiện cảm cho khách đến thưởng thức.

Thủ tục pháp lý

Nếu bạn không thuê nhiều hơn 10 nhân viên thì hãy làm các thủ tục để thành lập hộ kinh doanh cá thể.

Thứ 2 là bạn làm ngành nghề kinh doanh liên quan tới thực phẩm đều phải xin thêm giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm cho quán ăn của mình để kinh doanh được suôn sẻ hơn.

Định giá sản phẩm

Khi kinh doanh, bạn phải tính toán, cân đối giá bán với chi phí, đặt ra chỉ tiêu lãi. Dựa trên khu vực bạn bán hàng, bạn có thể lên đơn giá và dự tính số lượng bán để có lợi nhuận mong muốn.

Trên đây là những bước cơ bản nhất nếu muốn mở quán bún chả Hà Nội ngon, kinh doanh đồ ăn uống nên đặt chất lượng lên hàng đầu, món ăn ngon thì “tiếng lành đồn xa”, bạn sẽ có thêm nhiều khách hơn.

Mở quán bún chả cần chuẩn bị những gì?
5 (100%) 1 vote

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here