Miền nam gọi là “rắn mối”, miền bắc gọi là “thằn lằn bóng”. Chúng thuộc họ Scincidae (skink), gồm những loài tương tự như thằn lằn nhưng cổ ngắn, chi nhỏ, kích thước dưới 35 cm.
Những năm gần đây, rắn mối được xem là một món đặc sản hot khan hàng tại Việt Nam. Đặc biệt là người Sài Gòn thì rắn mối đã trở thành một món ăn nhậu lạ và ngon. Thịt rắn mối rất thơm, ngọt và có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món như: nướng mọi, nướng muối ớt, nướng lá chanh, nướng lá lốt, băm xào sả ớt, nấu cháo…
Ngoài giá trị dinh dưỡng thì rắn mối còn có công dụng trị nhiều bệnh như Bệnh đau lưng, hen xuyễn, đau nhức cơ thể, vô sinh…. Đặc biệt rắn mối là một trong 7 loại thần dược phòng the được lưu truyền trong dân gian nên được nhiều người săn lùng.
Chính vì giá trị dinh dưỡng và công dụng của rắn mối mà ở Việt Nam, mô hình nuôi rắn mối đang được nhân rộng trên toàn quốc và đã có rất nhiều hộ chăn nuôi làm giàu từ rắn mối. Nuôi rắn mối có đầu ra, chi phí ban đầu thấp, dễ chăm sóc, ít bị dịch bệnh…
Nếu có ý định làm trang trại chăn nuôi rắn mối thì dưới đây là những việc bạn cần chuẩn bị.
Tìm hiểu về rắn mối và mô hình nuôi rắn mối
Đây là việc bạn cần phải làm trước tiên, tìm hiểu về loài rắn mối có độc không, đặc tính sinh trưởng, khí hậu, điều kiện tự nhiên, sinh sản, thức ăn cũng như cách làm chuồng trại, đầu ra bao tiêu sản phẩm là những nơi nào, cách chế biến rắn mối, công dụng của rắn mối, phòng bệnh cho rắn mối…
Bạn có thể tìm hiểu những thông tin này qua các mô hình trang trại rắn mối nổi tiếng đã thành công hoặc qua sách báo, internet, các diễn đàn trao đổi có rất nhiều.
Từ đó quyết định xem có đáp ứng được nhu cầu sinh trưởng, sinh sản của loài rắn mối hay không để bắt tay vào làm mô hình trang trại này.
Nghiên cứu thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm
Hãy xem xét khu vực xung quanh hoặc lân cận đã có trang trại rắn mối nào chưa, tình hình chăn nuôi, kinh doanh của họ ra sao, chất lượng sản phẩm con giống thế nào, thế mạnh của họ là gì…
Không chỉ xem xét đối thủ, bạn cần phải xem xét nhu cầu thị trường có hay không, thị trường bao tiêu sản phẩm có tiềm năng là những nơi nào, bạn có thể liên hệ với các nhà hàng, khách sạn, quán nhậu, quán ăn… để tìm đầu ra cho sản phẩm, xem xét các sản phẩm từ rắn mối có khả thi và tiêu thụ tốt hay không…
Sau khi có sự nghiên cứu về thị trường khu vực và tìm được đầu ra cho sản phẩm thì việc chăn nuôi và kinh doanh sau này của bạn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.
Chuẩn bị vốn
Vốn để làm trang trại rắn mối không quá lớn. Để nuôi 1000 con rắn mối chi phí đầu tư ban đầu chỉ vào khoảng 10 đến 15 triệu đồng, sau 4 tháng theo đúng quy trình nuôi rắn mối có thể thu lợi lên tới vài trăm triệu đồng.
Bước đầu bạn có thể chăn nuôi quy mô nhỏ, đủ dùng cho gia đình và làng xóm để tránh rủi ro trong trường hợp thiếu đầu ra. Sau đó khi đã phát triển hơn thì mới mở rộng hơn và nhân giống.

Chuồng nuôi
Chuồng trại là yếu tố đầu tiên và là yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo một môi trường hài hòa và thân thiện để rắn mối phát triển tốt nhất. Chuồng trại để nuôi rắn mối đầu tư cũng rất thấp. Chỉ cần xây tường gạch cao khoảng 1 mét, đào móng sâu khoảng 0.8 mét, xây 1 ao cạn nhỏ để rắn mối tắm và uống nước, dùng gạch ống chồng thành từng chồng để rắn mối làm nơi trú ẩn…
Chuồng nuôi 1000 con rắn mối bố mẹ, có diện tích tối thiểu là 20m2 và tối đa là 100m2 ( rộng quá thì khó quản lý). Khi nuôi nên nuôi 100 con /1m2.
Chuồng nuôi rắn mối nên làm bằng nền đất 100%, trong chuồng nhiều cỏ và chuồng nuôi phải có ông thoát nước, tránh để nước đọng lại trong chuồng.
Mặt trong thành chuồng nên gắn gạch men trơn để rắn mối không thể bò ra ngoài. Bằng không phải đậy lưới ở bên trên. Bên trong bố trí gạch ống, ngói bể làm chỗ trú ẩn. Bên trên lót rơm hoặc lá chuối khô làm chỗ tắm nắng. Gạch phải cách thành chuồng 30 cm để rắn mối không nhảy ra ngoài.
Chuồng nuôi, 1/3 chuồng lợp mái tôn để rắn mối trú mưa và buổi tối vào trong đó để ngủ. Ban đêm chong đèn tròn để sưởi ấm, đồng thời dụ côn trùng làm thức ăn cho rắn mối.
Mua con giống
Bạn có thể mua con giống đã thuần dưỡng ở các trại nuôi rắn mối hoặc bắt con giống ở địa phương. Ưu tiên bắt con giống tại địa phương vì chúng hợp với thủy thổ.
Để việc nuôi rắn mối được thành công và đạt hiểu quả kinh tế cao bạn nên chọn mua con giống ở những trang trại uy tín, có bao tiêu sản phẩm cho người nuôi để có thể an tâm về mặt đầu ra.
Chọn những con to, khỏe và không bị khuyết tật, có kích thước từ ngón tay cái trở lên.
Phân biệt đực cái: rắn mối đực có đầu và các chi to, mình thuôn, thân và đuôi dài; rắn mối cái có đầu và các chi nhỏ, bụng to, thân và đuôi ngắn, cử động chậm chạp hơn rắn mối đực. Rắn mối cái có đốm trắng chạy hai bên hông dọc lưng.
Thức ăn cho rắn mối
Rắn mối là loài ăn thịt, chủ yếu là côn trùng như mối, cào cào, dế, gián, sâu bọ… nhưng món khoái khẩu nhất vẫn là mối (bởi vậy nên mới có tên là rắn mối ). Một số loài còn ăn cả trùn, ốc, tép, rết, chuột nhắt, ếch nhái con, vụn cá, thịt heo băm nhỏ, trùn quế, cơm và thức ăn viên công nghiệp… và cả những loài thằn lằn nhỏ khác.
Nguồn thức ăn tự nhiên không thể đủ. Có người còn nuôi dế và sâu gạo để cung cấp thức ăn thường xuyên cho rắn mối. Tuyệt đối không nên cho ăn cơm trộn trứng vì rắn mối chỉ ăn mùi tanh của trứng chứ không phải ăn cơm. Nếu cho ăn cơm thì một tuần một lần vì nếu ăn nhiều rắn mối không tiêu hóa cơm được sẽ bị bệnh và chết.
Rắn mối cho ăn vào buổi sáng, buôi trưa và chiều rắn mối sẽ phơi nắng để tiêu hóa thức ăn.
Chăm sóc rắn mối
Vệ sinh chuồng rắn mối bằng cách, khoảng 2 đến 3 ngày thay lá chuối hoặc cây cối làm chổ trú ẩn cho rắn mối một lần. Để tạo môi trường sạch cho rắn môi sinh sản và phát triển tốt.
Sinh sản: Rắn mối trưởng thành ở 6-7 tháng tuổi, bắt đầu sinh sản ở 8-9 tháng tuổi. Mỗi năm sinh sản 3 lứa. Chúng sinh sản mạnh vào mùa mưa khi lượng thức ăn dồi dào. Để rắn mối sinh sản được nhiều con chúng ta nên chia tỉ lệ đực cái là 1 – 1 hoặc 1 – 2, để tăng khả năng thụ thai của rắn cái.
Khi rắn mối sinh sản thì nên cho thêm lá chuối và hoa dừa vào làm chổ trú ẩn để rắn mối sinh sản được thuận lợi.
Rắn mối con rất dễ bị tổn thương nên trong quá trình nuôi cần trồng nhiều cỏ trong chuồng và thức ăn chủ yếu của rắn mối con là côn trùng nhỏ và cơm với cá tạp.

Thị trường rắn mối
*Giá mua tại các trại tham khảo:
Rắn mối giống: 10.000 – 12.000 đ/con
Rắn mối nhỏ: 8.000 đ/con
*Rắn mối trưởng thành 35-40 con/kg. Giá bán 400.000-450.000 đ/kg.
*Rắn mối có thể chế biến thành nhiều món ăn như chiên, nướng, xào lăn, rô-ti, cháo… cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu…