Món bún bò Huế là món ngon và dễ ăn nhất, dễ cảm nhận với nhiều người. Vì vậy mở một quán bún bò Huế với một khẩu vị đậm đà, thơm ngon, phục vụ tận tình chắc chắn sẽ thu hút nhiều thực khách.
Nếu đang ấp ủ mở một quán bún bò Huế thì dưới đây là những việc bạn cần chuẩn bị.
1. Tìm hiểu cách làm món bún bò Huế ngon nhất
Bạn nên am hiểu về ẩm thực, đặc biệt nghiên cứu kỹ về món bún bò Huế. Món bún bò Huế có thể được xem là đặc sản ẩm thực của xứ Huế, nhiều người nhận định phải là người Huế chính gốc mới có thể nấu ngon được. Tuy nhiên nếu bạn chịu khó nghiên cứu và học hỏi, bạn có thể nấu tốt như người Huế chính gốc.
Bạn có thể học hỏi từ các mô hình kinh doanh Bún bò Huế thành công hoặc có thể học nghề từ các đầu bếp có kinh nghiệm nấu bún bò Huế lâu năm, tham gia lớp học nấu ăn tại các trung tâm…
Cách nấu Bún bò Huế đòi hỏi nhiều công đoạn và có những bí quyết để nấu một nồi Bún bò Huế thơm ngon, mang đậm hương vị Huế.
Nấu nước lèo là công đoạn quan trọng nhất, gần như quyết định nhiều nhất để có 1 tô Bún bò Huế thơm ngon. Nước lèo cần dậy mùi thơm của bò, cây sả; Vị đậm đà và ngọt của thịt bò, mắm Huế.
Ngoài nước lèo, cách trình bày, cọng bún bò (bún lớn), rau sống (rau muống bào, bắp chuối, giá, rau Huế, rau râm và hành tây bào nhuyển), nước mắm nêm thêm, chanh, ớt, sa tế… sẽ tạo nên một tô Bún bò Huế thơm, ngon.
2. Nghiên cứu thị trường, khách hàng tiềm năng
Hãy xem xét khu vực bạn định kinh doanh có quán bún bò Huế nào chưa, số lượng khách ra sao, giá cả, hương vị của bún bò Huế có đậm đà không, các loại bún chủ đạo, thời gian bán… để lựa chọn cho mình hướng đi chính, cạnh tranh tốt với các đối thủ khác.
Bên cạnh đó, bạn cần lập kế hoạch kinh doanh kỹ càng, xác định về thời gian bán, chỉ vào buổi sáng hoặc bán cả ngày? Tập trung kinh doanh 1 món bún bò Huế hay mấy loại bún? Lượng khách có khả quan không, mặt bằng dân trí cao hay thấp, giá cả bao nhiêu là phù hợp…
Lên kế hoạch về marketing (băng rôn, tờ rơi, quảng cáo..), kế hoạch tuyển dụng nhân viên và phương án quản lý kinh doanh chi tiết (quản lý nguyên vật liệu đầu vào, quản lý thu ngân, điều hành nhân viên)…
Lập kế hoạch doanh thu, chi phí, lợi nhuận cho từng tháng, dự trù kinh doanh lỗ trong 3 tháng đầu tiên.
3. Chuẩn bị vốn
Tùy khu vực, nếu bạn khởi nghiệp tại các khu vực trung tâm thành phố thì vốn đầu tư ban đầu bạn cần sẽ từ 100 triệu trở lên, vốn đầu tư ban đầu để chi các khoản:
Tiền đặt cọc thuê mặt bằng và tiền thuê mặt bằng tháng đầu tiên;
Chi phí sửa chữa mặt bằng và thiết kế, mua sắm bàn ghế, dụng cụ và trang trí quán;
Dự phòng chi phí hoạt động cho 3 tháng đầu tiên…
4. Chọn địa điểm, mặt bằng kinh doanh
Mặt bằng, địa điểm là yếu tố quan trọng quyết định thành bại của kế hoạch kinh doanh. Bạn nên lựa chọn kỹ càng, lưu ý chọn nơi đông dân cư, thuận lợi giao thông, có nơi để xe cho khách vào quán, không gian quán ăn thoáng mát, đủ rộng rãi, sạch sẽ khi mở quán ăn…
5. Tuyển nhân viên
Nếu quy mô nhỏ, bạn nên cân nhắc việc thuê nhân viên vừa đủ, tránh chi phí lớn trong giai đoạn đầu. Trong giai đoạn đầu, cần có các vị trí: nấu và múc nước lèo, phục vụ, rửa chén, thu ngân. Trong đó, đầu bếp đóng vai trò hết sức quan trọng, cần tuyển người nấu ngon và có tâm huyết với nghề.
Về quản lý, ban đầu bạn nên là người quản lý để nắm rõ tình hình hoạt động của quán, để có những điều chỉnh thích hợp về khẩu vị, giá bán, dịch vụ…, khi quán đi vào hoạt động ổn định, bạn có thể tuyển Quản lý để thực hiện theo đúng những việc bạn đã thực hiện hiệu quả trước đây.

6. Hoàn thành thủ tục pháp lý
Sau khi đã thuê mặt bằng, bạn có thể đến phường, xã nơi bạn dự định mở quán để đăng ký giấy phép kinh doanh. Với hình thức cơ sở kinh doanh bạn sẽ đóng thuế khoán (Cơ quan thuế sẽ đến thu). Ngoài ra bạn cũng cần làm thủ tục xin giấy công nhận an toàn vệ sinh thực phẩm… Hoàn thành thủ tục pháp lý sẽ tạo điều kiện cho việc kinh doanh sau này suôn sẻ, thuận lợi hơn.
7. Tìm nguồn nguyên liệu
Khi kinh doanh bún bò Huế, bạn phải tìm nơi cung cấp nguyên liệu sạch sẽ, đảm bảo, có nguồn gốc rõ ràng sẽ được khách tin tưởng lâu dài.
Nên tìm mối có thể cung cấp ổn định, lâu dài, giá thành hợp lý, có giấy đảm bảo nguồn gốc sẽ tốt hơn. Lấy hàng theo ngày, không lấy quá nhiều tồn kho chế biến món ăn không còn ngon nữa.
Bạn có thể ra các chợ đầu mối tự lựa thực phẩm theo kinh nghệm bản thân hoặc các cửa hàng rau sạch, thực phẩm sạch… để chọn ra đấu mối nhập hàng phù hợp cho mình.
8. Thiết kế, trang trí quán ăn
Nên đề cao sự thoáng mát, rộng rãi, thoải mái cho khách đến ăn. Kinh doanh quán ăn không cần trang trí, thiết kế quá cầu kỳ mà gọn gàng, lịch sự, sạch sẽ, bàn ghế cao ráo, có đủ các đồ dùng cần thiết như đũa, thìa, giấy ăn, thùng rác, các gia vị đi kèm sẵn có… Bạn có thể treo các bức tranh về món ăn, bún bò Huế trên tường hoặc tạo không gian Huế đặc trưng… sẽ có sức hấp dẫn thực khách nhiều hơn.
Bạn cũng có thể cho khu nấu ăn ở ngay đầu quán để ai cũng thấy nguyên liệu tươi ngon và quy trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực khách sẽ tin tưởng hơn.
9. Quảng cáo, bán hàng
Bạn nên quảng cáo tờ rơi, quảng cáo online, có chương trình khuyến mãi cho ngày đầu mở cửa hàng, ban đầu nhờ người quen, bạn bè, người thân, sau đó sẽ có những khách hàng đến thưởng thức món ăn của quán.
Ngoài bán hàng trực tiếp, bạn có thể bán hàng online, ship đồ đến tận nơi sẽ hút nhiều khách hơn. Định giá sản phẩm phù hợp với thực khách khu vực và lên menu hấp dẫn, bạn đã có thể bắt đầu kinh doanh món bún bò Huế trứ danh.