Mở xưởng làm đậu phụ ở nông thôn cần chuẩn bị gì?

0
12074

Đậu hũ (đậu phụ) là món ăn bình dân, nhiều chất dinh dưỡng và lành tính nên được nhiều gia đình mua về ăn cũng như các quán ăn bình dân, nhà hàng, quán ăn chay… tiêu thụ rất nhiều.

Ý tưởng mở xưởng sản xuất đậu phụ ở nông thôn được cho là khá khả thi vì đây là mặt hàng bình dân, dễ tiêu thụ, phù hợp với thu nhập của người nông thôn. Nhất là khi khu vực quanh nơi bạn định kinh doanh còn ít hoặc chưa có nhà làm đậu nào thì bạn hoàn toàn có thể bắt tay vào sản xuất mặt hàng này.

Dưới đây là những việc bạn cần chuẩn bị khi muốn mở xưởng sản xuất đậu phụ.

Tìm hiểu về quy trình làm đậu phụ

Điều quan trọng nhất trong kinh doanh là phải yêu nghề và nắm rõ về nghề. Muốn mở được xưởng thì bạn phải đi học nghề, làm công để học hỏi.

Để thực hiện ý tưởng thì bạn nên đi làm thuê, học việc ở xưởng sản xuất đậu phụ một thời gian nhằm nắm rõ về nghề qua đó cũng va chạm nhiều để biết chính xác mình có yêu nghề thực sự hay không…

Hãy học cách làm đậu phụ để sao cho đậu phụ thơm, mềm, béo hấp dẫn, để làm được điều này cần phải có vài năm kinh nghiệm trong nghề. Làm đậu hũ có rất nhiều công đoạn từ ngâm hạt đến xay, nấu, gói, ép khuôn đến đổ ra… Thông thường mỗi người đảm nhiệm một công đoạn và bạn phải làm thành thạo mới thơm ngon được.

Bạn nên làm đến khi chất lượng thật ngon và như ý thì hãy bắt tay vào mở xưởng của riêng mình.

Nghiên cứu thị trường, khách hàng, xem xét quy mô

Mở xưởng sản xuất đậu phụ (đậu hũ) vốn không quá nhiều nhưng quan trọng là thị trường đầu ra và tay nghề làm đậu ngon, sạch sẽ.

Hãy tìm hiểu quanh khu vực bạn sinh sống đã có nhà nào làm đậu phụ chưa? Sản phẩm có đảm bảo không? Giá cả thế nào? Lượng khách mua ra sao? Nhu cầu về mặt hàng này có lớn không? Có thể cạnh tranh được hay không?…

Từ đó bạn có thể xem xét để kinh doanh nếu thuận lợi, có thể tìm ra điểm khác biệt cho sản phẩm của mình khi tung ra thị trường, ví dụ làm đậu phụ sạch khi chưa có ai trong vùng làm, thêm các sản phẩm tào phớ, nước đậu sạch cung cấp ra thị trường.

Hãy tính toán xem thị trường bạn cung cấp là thị trường nào: các chợ, các bếp ăn (bếp ăn văn phòng, bếp ăn KCN), nhà hàng (quán bia là nơi tiêu thụ tương đối lớn)… Việc lựa chọn thị trường phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm khu vực bạn định cung cấp sản phẩm, thị trường bạn định cung cấp, số lượng sản phẩm người dân sử dụng trong tỉ lệ các bữa ăn, tỉ lệ các hộ sử dụng…

Bên cạnh việc xem xét thị trường, khách hàng tiềm năng, bạn phải tính được số lượng sản phẩm (năng suất) bạn cần phải sản xuất mà bạn có thể bán được trong thời gian tuổi thọ của sản phẩm vì đậu để lâu sẽ nhanh bị chua.

Từ đó bạn mới lựa chọn được hình thức sản xuất: thủ công, bán thủ công, tự động (một số công việc trong sản xuất đậu phụ truyền thống gần như là bắt buộc phải do con người làm), xem xét lựa chọn một số thiết bị máy móc phục vụ trong sản xuất đậu phụ…

Chuẩn bị vốn

Nghiên cứu thị trường, khách hàng tiềm năng cũng là bước để bạn tính được số vốn cần đầu tư và giá thành đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Đậu phụ cũng như các sản phẩm khác, số lượng sản phẩm cần sản xuất càng lớn và liên tục thì chi phí giá thành đầu vào càng giảm.

Thông thường nếu chỉ quy mô gia đình, nhỏ lẻ và bỏ mối cho các quán ăn, chợ thì bạn cần vốn ban đầu từ 20 triệu trở lên. Khi kinh doanh thì vốn càng nhiều càng tốt. Khi vốn của bạn ổn thì khả năng thành công càng cao, vốn nhiều có thể giúp bạn vượt qua được sóng gió trong kinh doanh, giúp bạn đứng lên từ những vấp ngã.

Đậu phụ là món ăn bình dân được nhiều gia đình ưa chuộng
Đậu phụ là món ăn bình dân được nhiều gia đình ưa chuộng

Tìm địa điểm kinh doanh

Thông thường ở thôn quê, nhà rộng rãi, có không gian thì bạn có thể kinh doanh và mở xưởng sản xuất đậu phụ ngay tại nhà mình để tiết kiệm, đỡ tiền thuê địa điểm.

Kinh doanh tại nhà cũng sẽ thuận lợi hơn vì bạn có thể ngủ sớm, dậy sớm và bắt tay làm đậu phụ mà không cần phải đi xa, di chuyển vất vả và hàng xóm xung quanh có thể mua tại nhà luôn, các mối lấy bán ngoài chợ cũng sẽ đến trực tiếp nhà bạn lấy hàng.

Còn nếu chưa có địa điểm kinh doanh thì bạn có thể thuê ở gần nhà hoặc địa điểm gần chợ, gần đường giao thông nhiều người qua lại để có thể bán được nhiều hơn. Không cần diện tích quá rộng, chỉ cần đủ để bạn để máy móc làm đậu, bày sản phẩm sau khi làm xong, lưu ý nguồn nước đầy đủ và sạch sẽ, thoáng mát. Địa điểm ở vùng quê, nông thôn chắc chắn sẽ không quá khó khăn như ở các nơi khác.

Tìm nguồn nguyên liệu, mua máy móc

Nguyên liệu làm đậu phụ là đậu nành, bạn nên tìm kiếm nguồn hàng đảm bảo, đậu sạch, đều hạt, giá cả phải chăng, có nguồn gốc rõ ràng để sản xuất. Đậu phụ có tươi và ngon hay không một phần lớn cũng là do nguyên liệu ban đầu.

Nếu có thể lấy nguồn nguyên liệu ngay từ làng quê của bạn thì sẽ thuận lợi hơn và rẻ hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó bạn phải tìm mua một số máy móc, nguyên vật liệu chuẩn bị làm đậu. Hãy liên hệ với nơi nào có giá cả hợp lý và chất lượng máy tốt.

Kinh doanh, vận chuyển, bảo quản sản phẩm

Quãng đường mà cần phải vận chuyển sản phẩm và hình thức vận chuyển cũng là cả một vấn đê, bởi vận chuyển sản phẩm này luôn có nước đi kèm nên rất cồng kềnh và dễ nát sản phẩm.

Công thức tính giá thành đậu phụ thường là: trung bình tỉ lệ thu hồi trong sản xuất đậu phụ là 1:3 (1kg đậu tương đưa vào sản xuất thu được 3kg sản phẩm đậu phụ thủ công + 0.5kg bã + nước sau đông kết).

Khâu quan trọng nhất trong sản xuất đậu phụ là bảo quản sản phẩm. Đậu phụ có thời gian bảo quản rất ngắn, thời gian bảo quản càng cao thì chi phí đầu vào càng lớn.

Hiện nay ngoài phương pháp truyền thống còn có một số phương pháp sản xuất tương tự của Nhật Bản, thời gian bảo quản của sản phẩm có thể kéo dài từ 3-5 ngày. Khi bảo quản có thể đóng hộp dán màng, để trong tủ mát. Tuy nhiên, sản phẩm đậu phụ rất giàu khoáng chất và protein nên dễ bị tấn công bởi các vi khuẩn trong môi trường và trong bản thân sản phẩm nên dù có bảo quản tốt đến mấy thì chất lượng sản phẩm cũng giảm dần theo thời gian bảo quản. Tốt nhất khi đến cuối ngày, còn lại bao nhiêu sản phẩm bạn nên tìm một đầu mối đổ lại cho người ta với giá ưu đãi hoặc hòa vốn để thu hồi vốn.

Sản phẩm của quá trình sản xuất đậu phụ không chỉ có thành phẩm đậu phụ mà còn bao gồm cả bã sau khi say và nước sau khi đông kết, 2 sản phẩm này đều có giá thành nhất định nếu có đầu ra. Nước và bã có thể nuôi heo hoặc bón cho cây rất tốt, bã có thể sử dụng làm bánh quy hoặc lương khô…

Mở xưởng làm đậu phụ ở nông thôn cần chuẩn bị gì?
3 (60%) 1 vote

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here