Thạc sĩ về nước gây dựng thương hiệu mắm “Thuyền nan”

1
1838

Con đường khởi nghiệp của chị Đào Thị Hằng là hành trình từ miền quê nghèo vươn lên làm giàu với ý tưởng khôi phục lại nghề mắm truyền thống.

Quyết tâm thay đổi tương lai

Chị Đào Thị Hằng sinh ra trong một gia đình nghèo khó có 7 anh chị em tại Triệu Phong, Quảng Trị. Hàng ngày phải chứng kiến cuộc sống cơ cực của cha mẹ và làng xóm, chị đã luôn khao khát thi đỗ đại học. Vì chị tin chỉ có con đường học vấn mới có thể giúp chị thoát được cái nghèo.

Nghĩ là làm, học hết cấp 3, chị Hằng thi vào ngành Nuôi trồng thủy sản của Đại học Nha Trang vì muốn gắn bó với cá tôm. Nhưng cánh cửa đại học đã không mỉm cười với chị ngay lần đầu tiên.

Chị trở lại công việc thường ngày, xin đi làm thêm ở lò gạch. Chị tính sẽ kiếm tiền lấy chút vốn rồi học cắt tóc. Giữa trưa hè, cái nóng rát của gió Lào thổi hầm hập trong lò gạch khiến chị đuối sức. Đây sẽ là tương lai của mình sao? Chị tự hỏi và trả lời: “Không”. Và chị Hằng quyết định ôn thi lại.

Ở lần thứ 2 thi, chị Hằng chọn ngành Khoa học cây trồng, Đại học Nông lâm Huế. Với điểm số 26, cánh cửa Đại học không chỉ mở toang mà Hằng còn là thủ khoa của trường. Chị Hằng cũng cho biết, ngay từ thời sinh viên chị đã khao khát được đi du học. Vì vậy vừa tốt nghiệp chị đã khăn gói vào Đà Nẵng tìm việc làm thêm và học tiếp ngoại ngữ để có thể xin được học bổng du học.

Những nỗ lực, may mắn cùng với kinh nghiệm làm việc giúp chị vượt qua 1.000 hồ sơ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương để trở thành một trong 20 học sinh Việt Nam nhận học bổng Năng lực lãnh đạo trị giá 112.000 USD của Bộ Ngoại giao Úc.

Chị Hằng theo học thạc sĩ về Phát triển bền vững, khác hoàn toàn với tấm bằng kỹ sư nông nghiệp trước đó. “Sẽ có rất nhiều ngã rẽ trong quá trình học và làm việc do đó không nên nghĩ rằng học một ngành là phải gắn bó với nó suốt đời, cứ theo đuổi điều mình yêu thích, cơ hội sẽ đến”, chị Hằng chia sẻ.

Chị học 2 năm ở đại học Adelaide. Vừa hoàn thành luận án, một suất học bổng tiến sĩ đang chờ chị. Con đường học vấn đang rộng mở thì chị lại quyết định về nước phát triển thương hiệu mắm truyền thống.

Mắm thuyền nan
Chị Hằng trở về Việt Nam phát triển mắm truyền thống

Thương hiệu mắm “Thuyền nan”

Khi chia sẻ ý tưởng làm mắm, chị Hằng gặp phải sự phải đối mạnh mẽ của mọi người. Nhưng với quyết tâm và tình yêu với nước mắm chị đã quyết tâm lựa chọn và đi trên con đường riêng của mình.

Trước khi bắt tay vào làm, chị dành ra 7 tháng để đi dọc vùng biển từ Cát Bà, Hải Phòng cho đến Phú Quốc để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm làm mắm cũng như văn hóa mắm của mỗi vùng miền để rồi phát hiện ra rất nhiều điều kỳ thú về mắm và cả những thực trạng bất cập của ngành mắm Việt Nam và thế Giới.

Chị còn vào từng căn bếp tìm những lu, những hũ mắm. Thật may mắn, chị được người dân tận tình chỉ bảo kinh nghiệm làm mắm ruốc, nước mắm. Những kiến thức ấy đã giúp chị rất nhiều trong công việc sau này.

Rồi chị tìm hiểu cách tiếp thị, đóng gói sản phẩm, thiết lập đường dây vận chuyển hàng, hạch toán chi phí… Những hũ mắm đầu tiên xuất ra thị trường được khách hàng phấn khởi đón nhận. Họ thích thú vì tìm được hương vị nước mắm và ruốc truyền thống. Những lô hàng được bán đều đặn đã giúp nhiều gia đình ở quê chị có thu nhập tốt.

Chị đặt tên thương hiệu mắm của mình là Thuyền Nan. Chị giải thích: “Thuyền nan là hình ảnh truyền thống của những ngư dân và có ý nghĩa đặc biệt với bản thân, gia đình mình”. Cho đến nay sau hơn 3 năm, Mắm Thuyền Nan đã có hơn 10,000 gia đình tin dùng trên toàn quốc và ngày càng nhiều khách hàng tìm đến Thuyền Nan, bởi họ tin vào những gì mà Thuyền Nan đã và chị đang làm.

Chị Hằng chia sẻ: “Từ chiếc Thuyền Nan trên sông Thạch Hãn ấy, tôi đỗ thủ khoa vào đại học. Cũng từ chiếc Thuyền Nan ấy tôi đến nước Úc bằng học bổng toàn phần của chính phủ Úc. Và tôi quay về để viết tiếp câu chuyện Thuyền Nan, đó là hành trình không mệt mỏi của tôi và gia đình trong suốt 20 năm qua. Và chắc chắn, hành trình này không chỉ dừng lại ở đó…”

Thạc sĩ về nước gây dựng thương hiệu mắm “Thuyền nan”
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here