Chuyên gia tư vấn cho start-up nên chọn ra sao?

0
1356

Bài viết của anh Đỗ Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Tư Vấn và Đào tạo Nhân Việt đăng trong Group Quản trị và Khởi nghiệp dành cho những ai quan tâm đến lĩnh vực này.

Trào lưu hiện nay là có nhiều start up xuất hiện cả trong mảng công nghệ lẫn các hoạt động kinh doanh đa dạng khác. Theo trào lưu đó thì các chủ doanh nghiệp mới luôn mong tìm cho mình một người tư vấn hoặc cố vấn chiến lược để hỗ trợ mình trong con đường đi dài hạn không phải lúc nào cũng thuận lợi.

Từ kinh nghiệm trao đổi của chính bản thân với các start ups tôi thấy có một số điều phải lưu ý như sau khi chủ doanh nghiệp chọn người tư vấn:

1. Đừng dựa vào bằng cấp: tôi không phủ nhận kiến thức là rất quan trọng vì nói cho đúng thì kiến thức tới từ những tổng hợp thành bại trong kinh nghiệm thực tế. Tuy nhiên, chính vì mang tính tổng hợp, nó phải phù hợp với tất cả mọi người nên những ngóc ngách trong thực nghiệm sẽ không thể được bao quát hết.

Do vậy, bằng cấp mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để chúng ta khẳng định người trước mặt chúng ta có phải là người giúp được mình hay không. Hãy kiểm tra thêm, hãy truy vấn người đó bằng những vấn đề thực tế, để họ bộc lộ bản thân tính cách của mình. Rồi sau đó hãy quyết định đó có phải là người thực sự cần cho chúng ta hay không.

2. Đừng dựa vào sự giới thiệu hào nhoáng về bản thân: Cách đây 2 tuần một bạn có gửi cho tôi một cái CV dài 20 trang của một anh tự xưng là Tổng Giám đốc của khoảng gần 20 công ty trong khoảng 30 năm qua.

Điều tôi ngạc nhiên nhất không phải là sự phô trương khoe mẽ trong đó mà là câu hỏi của cô bạn tôi “Anh xem giúp hộ xem vì em thấy nó hoàn hảo quá!”. Cho tới giờ vẫn có rất nhiều anh chị doanh chủ trầm trồ vì thấy CV của một “chuyên gia” quá đẹp!

3. Đừng bị hình ảnh đánh lừa: Vầng trán cao, mắt sáng, đôi kính trí thức, nụ cười “uyên bác” không khó để luyện. Gần đây tôi còn được biết là người ta còn ấn tượng với các diễn giả khi họ “rũ tóc, lắc đầu, tay nắm chặt, gào lên một cách tâm huyết” nữa!

Quan trọng không phải là ngay lúc đó chúng ta cảm thấy tuyệt vời ra sao, mà là sau khi gặp thì chúng ta thu lượm được những gì! và những thứ đó có áp dụng được không?

4. Đừng bị ấn tượng do tuổi tác: cách đây 10 năm khi đi dạy tôi cũng nói những điều như hôm nay nhưng ít ai muốn nghe vì họ nghĩ tôi còn quá trẻ. Giờ thì tôi nói họ tin chỉ vì đôi khi họ nhìn thấy mặt tôi đã như “chiến trường” rồi!

Người châu Á có vô khối định kiến về mảng này. Cứ giữ như vậy thì họ sẽ không thể tiếp cận được với những người còn trẻ nhưng đã rất giỏi và rành về lĩnh vực của mình.

5. Đừng bị choáng do cách dùng từ ngữ “bí hiểm”. Người “làm trò” hay bắt chước người “giỏi” ở cách dùng từ ngữ khái quát sự vật hiện tượng. Thường thì điều này tạo ra ấn tượng mạnh ở 5 phút đầu tiên của cuộc giao tiếp. Nhưng 10 phút sau mà “chuyên gia” đó vẫn tiếp tục chỉ loanh quanh ở các khái niệm chứ không thể cụ thể hóa hơn thì nên xem lại.

Một lý do khác mà các chuyên gia kiểu này đưa ra để dứt khoát không đi sâu vào chuyên môn là họ không muốn mất đi những “tư duy” và “chất xám quý giá” do mình đã dày công tích lũy một cách đơn giản. Có người lúc tới để pitching còn không làm slide hoặc có làm thì chỉ ghi rất chung chung vì sợ người ta đánh cắp mất.

Chuyên gia thực sự, những người thực sự sống với nghề, họ sẵn sang chỉ đường hướng cụ thể cho người khác biết vì copy lý thuyết mới chỉ là bước 1, cái mà không ai ăn cắp được là cái know-how (cách làm đúng) của họ.

Hãy:

1. Tách biệt sự dễ thương cá nhân và tính hiệu quả của sự chuyên nghiệp:chủ doanh nghiệp thường là cũng có thành công nhất định rồi nên họ mang sẵn trong lòng một sự tự hào không nhỏ. Cái tự ái cá nhân đó luôn có nhu cầu được vuốt ve. Mà các chuyên gia thì không phải là người kém về khoản đó.

Khả năng “go with the flow” – theo dòng tư duy và cách nói của người đối thoại của nhiều chuyên gia tốt tới mức mà nếu nghe qua có thể chúng ta sẽ thấy họ thực sự phù hợp với doanh nghiệp của mình.

Như thể họ và ta kiếp trước “dễ cũng là anh em một nhà”. Kinh doanh là rạch ròi, hãy kiểm soát cảm xúc bản thân và tập trung vào việc mình yếu cái gì, họ có thể hỗ trợ mình về cái đó được không.

2. Để họ tiếp xúc, nghiên cứu nhanh và sơ bộ đưa ra đánh giá về hiện trạng của doanh nghiệp anh/chị trước khi xác quyết là họ có năng lực hay không. Qua đó chúng ta thấy ngay khả năng của họ khi đứng ở vị trí của chúng ta có tốt hơn ở mảng nào hay không. Tuần vừa rồi, tôi vừa tiếp xúc một doanh nghiệp mà ngay buổi đầu, sau 10 phút trao đổi họ đã yêu cầu tôi nói chuyện với các phòng ban trong công ty để đánh giá. Đó chính là một bai kiểm tra hữu ích cho cả doanh nghiệp về mặt kiểm tra năng lực của chuyên gia tư vấn. Đồng thời là dịp tốt để chuyên gia thể hiện bản lĩnh và khả năng thực thụ của mình nằm ở đâu. “Mất lòng trước còn hơn được lòng sau”!

3. Yêu cầu họ ngắn gọn đưa ra các đường hướng tư vấn cho doanh nghiệp: Chuyên gia tư vấn về quản trị có hai điều phải nắm rõ khi vào “đào xới” thông tin trong doanh nghiệp. Một là hệ thống quản trị ở đó vận hành theo kiểu nào, các phòng ban tương tác với nhau ra sao.

Hai là từ cách vận hành đó mà suy ra tính cách của chủ doanh nghiệp đó trong làm việc ra sao. Cái thứ hai đôi khi quan trọng hơn cái thứ nhất, vì ở dạng doanh nghiệp SME, văn hóa của cả tổ chức tới từ sếp là chính. Nếu sau khi đào xới mà vị “chuyên gia đáng kính” vẫn không sao vạch ra được một kế hoạch tư vấn sơ lược phù hợp với tính cách của người chủ thì có thể nói là không nên thuê họ về để làm!

4. Nếu ở mức độ cao hơn, thậm chí yêu cầu họ cho biết là nếu áp dụng đúng công thức như vậy thì kết quả đạt được tăng tối thiểu bao nhiêu % so với hiện tại. Điều này không nhất thiết phải đúng chính xác 100% mà thỉnh thoảng là dịp để thử thách tinh thần của chuyên gia xem họ có sẵn sang cam kết với những gì mà họ sẽ tư vấn hay không.

Chuyên gia tư vấn cho start-up nên chọn ra sao?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here