Thời gian gần đây, khái niệm khởi nghiệp, startup, lập nghiệp… đang khiến cho nhiều người “hoang mang”, lẫn lộn. Bài viết của anh Trần Quốc Khánh (Host, Producer, Content Creator tại KAT MEDIA và FBNC) đăng trong Group Quản trị và Khởi nghiệp sẽ giúp bạn hiểu hơn về những khái niệm này.
Tuần vừa rồi bác Trương Gia Bình có phát biểu khiến cộng đồng dậy sóng, đại loại bác bảo bán cà phê, bán phở thì không thể gọi là “Khởi nghiệp” được. Thật ra câu chuyện lằng nhằng giữa startup và khởi nghiệp đã có từ lâu, cũng một phần do các nhà báo mảng khởi nghiệp sử dụng không thống nhất khiến độc giả đôi khi hoang mang.
Người thì bảo startup là startup, đừng đánh đồng với khởi nghiệp SME (các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Người thì bảo khởi nghiệp cũng có nghĩa là lập nghiệp, bắt đầu một sự nghiệp.
Thật ra chuyện tranh cãi về khái niệm công ty Startup hay công ty SME cũng phổ biến trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Rất nhiều cá nhân, tổ chức đưa ra định nghĩa riêng cho mình về startup. Cho nên chắc mà khó mà có một cái kết luận chung đúng cho tất cả. Do đó ở đây xin nói chuyện ở Việt Nam cái đã.
Theo tôi chuyện này rất đơn giản, nó giống như chuyện gọi tên các cầu thủ hay đội bóng nước ngoài trên sóng truyền hình Việt Nam vậy. Có những thứ không đúng nhưng vì gọi riết thì độc giả quen tai và cho nó là đúng. Tức là dù gọi sai thì người nghe vẫn hiểu đúng. Kiểu như đội A sơ nồ hay Át sô nan, sân Ô tra phớt hay sân Ô trát pho vậy. Câu chuyện cuối cùng thì vẫn là làm sao để khán giả không hiểu sai là được.
Người Việt chúng ta có một điểm yếu: ít khi hiểu về bản chất mà lại hay thích bắt bẻ hình thức. Do đó luôn có những cuộc tranh cãi bất tận. Quan trọng là làm sao các đơn vị truyền thông báo chí thống nhất được cách gọi tên và thấu hiểu bản chất khi đưa tin thì những khán giả ngoài cuộc mới không nhầm lẫn.
Câu chuyện này một lần nữa phản ánh một sự thật: tiếng Việt đang bị quá thiếu từ và quá phụ thuộc vào từ Hán Việt!
Okay, bắt đầu bằng chữ Khởi Nghiệp. Khởi là khởi đầu, nghiệp là sự nghiệp nên hiểu khởi nghiệp là khởi đầu một sự nghiệp thì không có gì sai. Ví dụ: sau khi tốt nghiệp đại học vừa xin được việc làm thì đó cũng là khởi nghiệp. Cứ bắt đầu có một công việc thì cũng có thể coi là khởi đầu một sự nghiệp, dù đó chỉ là làm thuê.
Về mặt chữ nghĩa là vậy, nhưng về mặt cách hiểu và thói quen hiểu của phần đông người Việt Nam thì sao? Rõ ràng từ nhiều năm qua, khi nói “Tôi khởi nghiệp” thì phần đông người ta sẽ hiểu ngay là bạn bắt đầu làm chủ, bắt đầu mở công ty. Không ai vừa xin được việc làm thì nói tôi vừa khởi nghiệp cả, dù rằng về mặt chữ nghĩa nói vậy không sai. Do đó tôi nghĩ, chúng ta cũng như truyền thông báo chí hãy thống nhất với nhau, khi nhắc đến chữ “Khởi nghiệp” thì ý nói đến việc làm chủ, mở công ty riêng, tự đứng ra kinh doanh, dù một mình hay hùn hạp….Vì tôi tin phần đông chúng ta có thể chấp nhận cách hiểu đó. Không nên lăn tăn đến cái cách hiểu “khởi đầu một sự nghiệp làm thuê hay bắt đầu một công việc làm thuê nữa.
Okay, giờ chuyển sang khởi nghiệp, SME hay là startup. Đầu tiên hãy hiểu cho đúng bản chất chữ startup. Có ty tỷ định nghĩa về startup, nhưng tôi thích định nghĩa như sau “Startup là một doanh nghiệp mới thành lập, đáp ứng được nhu cầu của thị trường bằng cách tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ hay một quy trình đổi mới sáng tạo, đồng thời có khả năng tăng trưởng nhanh vũ bão về quy mô”. Một nôm na, Startup là một SME, nhưng SME thì chưa chắc là Startup.
Và thông thường, chỉ là thông thường chứ không phải luôn luôn, các doanh nghiệp công nghệ là doanh nghiệp có khả năng đáp ứng định nghĩa trên. Điều này bắt nguồn từ đợt bong bóng các công ty công nghệ tại Mỹ nhưng năm cuối 1990s. Thật dễ hiểu, một ứng dụng trên mobile, hay một mạng xã hôi như Facebook hay nói chung là một sản phẩm công nghệ thì khả năng nhân rộng quy mô lớn của nó sẽ luôn dễ hơn việc mở rộng một quán phở, quán cà phê thành một chuỗi. Và cơ hội tăng trưởng nhanh về doanh thu của nó cũng lớn hơn rất nhiều.
Chính vì thế, khi nhắc đến startup thì người ta thường hiểu là doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Tất nhiên, một doanh nghiệp bán phở mà phát triển được một công nghệ nào đó đột phá hoặc cách tiếp thị phục vụ nào đó khác biệt giúp bán được nhiều tô phở hơn thì chúng ta cũng có thể gọi nó là startup. Startup là cái tư duy chứ không phải là khái niệm.
Tôi cho rằng ý của bác Bình trong trường hợp này là thế. Bác nói bán phở cà phê không thể gọi là khởi nghiệp được thì chữ “Khởi nghiệp” trong câu của bác có thể hiểu là startup, tức phải có một sản phẩm đột phá có khả năng tăng trưởng quy mô nhanh chóng.
Nếu thật sự hiểu về bản chất thì chúng ta sẽ không mất nhiều thời gian để bắt bẻ câu chữ, từ ngữ nữa.
Nhưng chuyện nhà báo hay người đời nhầm lẫn mấy khái niệm này thật sự cũng chả quan trọng. Quan trọng là người đang khởi nghiệp có thật sự biết mình đang làm gì và hiểu được bản chất của vấn đề ra sao.
Bỏ qua hết những định nghĩa, khái niệm, câu từ, chữ nghĩa… điều quan trọng với người khởi nghiệp cuối cùng chính là doanh nghiệp của mình có tăng trưởng được không, sản phẩm có bán được không, lợi nhuận được sinh ra thế nào…
Với lý do đó, tôi nghĩ mọi doanh nghiệp khởi nghiệp, dù là bán phở hay công nghệ cũng nên có một cái tư duy startup. Đó là tạo ra một sản phẩm, một dịch vụ, hay một quy trình, mô hình thật sự đổi mới sáng tạo.
Sẽ luôn có trăm hàng ngàn người khởi nghiệp, nhưng bao nhiêu trong số họ thật sự có sự đột phá trong sản phẩm, dịch vụ hay cách làm, cách bán hàng, cách marketing? Hay bao nhiêu trong số họ thật sự suy nghĩ về chữ đột phá, khác biệt?
Số thất bại phá sản thì không nói làm gì nữa, còn lại một số rất rất nhiều doanh nghiệp, rất nhiều ông chủ bà chủ giống như đang bị mắt kẹt, đang bị struggle, đang bị loay hoay… với cái mình đang làm. Kiểu như cực chết bà mà cuối cùng chẳng được bao nhiêu. Nhiều khi thấy nản.
Cái này giống trong cuốn Không Đến Một của Peter Thiel mà tôi vừa dịch, đại loại là họ đang ngụp lặn và bơi trong cái mớ hỗn độn của sự cạnh tranh, một bể cá có quá nhiều con cá na ná giống nhau và xúm nhau xé nhỏ phần thức ăn ngày càng teo đi.
Nhiều bạn khởi nghiệp nhưng bị mắt kẹt trong cái tư duy nhỏ lẻ, nên cứ mãi loay hoay, mãi không nâng tầm lên được. Cứ mãi bị cuốn vào vòng xoáy kinh doanh mà ít khi dành thời gian suy nghĩ, điều mình đang làm có gì thật sự khác biệt để khách hàng chú ý đến? Đã mất công sức làm kinh doanh rồi, sao không làm cái gì cho đáng? Khi nỗ lực mãi mà không thành thì đôi khi xem lại sự lựa chọn ban đầu. Hãy lựa chọn một thị trường đúng, lựa chọn một cách làm mới, một hướng đi mới xem sao?
Khác biệt đâu chỉ trong sản phẩm, có thể đến từ đội ngũ con người, đến từ cách bán hàng, đến từ cách marketing, đến từ cách phân phối, đến từ ứng dụng công nghệ… Đến giờ vẫn còn có người than với tôi, mô hình kinh doanh của tao bao đời nay thế rồi, khó mà có gì khác biệt được nữa!
Mà thực tế, chính nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam về mặt bản chất cũng chưa có gì đột phá để xứng đáng với khái niệm startup. Báo chí nhầm lẫn thật ra cũng chả sao, bản thân người khởi nghiệp nhầm lẫn và không hiểu mình đang làm gì mới là đáng quan ngại. Trong khi một số doanh nghiệp không phải công nghệ nhưng có những cách làm khác biệt, đổi mới sáng tạo thì vẫn tăng trưởng quy mô đúng chất startup.
Bởi thế, là người tiêu dùng, tôi chấp nhận sự nhập nhằng lung tung một chút về cách gọi tên, về khái niệm cũng chả sao. Tôi chỉ mong những người khởi nghiệp hiểu được bản chất và biết mình đang làm gì, để tôi được hưởng lợi nhiều hơn từ sản phẩm và dịch vụ của họ. Startup, Khởi Nghiệp, SME… cái gì cũng được, cuối cùng là bạn có bán được sản phẩm và có tồn tại được không?
[…] Khởi nghiệp, Startup hay SME: Hiểu thế nào cho đúng? […]