DN cần gì để trở thành “cao thủ” chốn thương trường?

0
1117

Bài viết của anh Vũ Minh Trường – Nghiên cứu sinh Lãnh đạo Chiến Lược ĐH James Madison, đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

CAO THỦ SỐ 1 – ANH CẦN GÌ?

Các câu truyện kiếm hiệp luôn hấp dẫn và thú vị với người đọc. Nhưng ngoài các yếu tố ly kỳ, hoa mỹ, rất nhiều bài học còn có thể áp dụng vào trong kinh doanh để đạt thành công.

Vậy doanh nghiệp cần điều gì để trở thành “cao thủ” chốn thương trường?

Trong truyện kiếm hiệp, các nhân vật anh hùng thường là những người có những bộ võ công thượng thừa, độc đáo cùng với nội công thâm hậu. Chỉ cần một bước chân, một câu nói có thể trấn áp quần hùng. Nhìn qua kinh doanh, mỗi doanh nghiệp cũng cần có một bộ “võ công” tuyệt thế và “nội lực” dồi dào để thành danh trên thương trường.

1/ “Bí kíp võ công” – Chiến lược kinh doanh

Mỗi công ty đều có một chiến lược kinh doanh riêng phù hợp với bản thân, dù là tự sáng tạo hay học từ người khác.

Cốt lõi của chiến lược kinh doanh là phát huy tối đa ưu thế của bản thân. Ví dụ, bạn tay khoẻ thì nên tìm những bộ võ công như “Hàng Long Thập Bát Chưởng”, hay “La Hán quyền” mà tập. Chân ngắn mà lại ham tập “Phong Thần cước” thì chỉ phí thời gian, lúc không thể dùng thì lại trách trời.

Đừng phát triển chiến lược chỉ để đánh vào điểm yếu của đối phương. Chiến lược là cách phát triển bản thân. Chiến thuật mới là cách tấn công đối phương. Lúc nào cần tấn công, tuỳ vào nguồn lực, tình huống mà bạn có mà đề ra chiến thuật phù hợp. Bước vào trận đánh, có cả trăm ngàn đối thủ, mạnh yếu khác nhau. Chẳng có điều gì là yếu điểm của tất cả. Bạn mà cứ chạy theo mọi người thì mãi mãi chỉ là người đến sau.

Chiến lược kinh doanh khi đã thành thục, vô địch thiên hạ thì chưa thể nhưng muốn “bắt nạt” bạn thì cũng khó. Vi Tiểu Bảo có bộ võ công “Thần Hành Bách Biến”, dùng để đánh nhau thì không được nhưng để chạy trốn là số một. Khi bị cao thủ đánh, Vi Tiểu Bảo đều né được.

Thế nên với chiến lược kinh doanh tốt thì dù phải đối mặt với người khổng lồ như Google hay Youtube, thì khả năng tồn tại của bạn vẫn cao. Hơn nữa, với thị trường đa phần là các doanh nghiệp SME vừa và nhỏ như ở Việt Nam, có chiến lược kinh doanh cụ thể là bạn đã làm được điều mà rất nhiều doanh nghiệp không hề có. Nói tóm lại, luyện thành thục bí kíp võ công của riêng mình, bạn ít nhất là cao thủ trung hạng rồi.

2/ “Nội công” – Nguồn lực tài chính

Nói về tài chính thì doanh nghiệp nào cũng hiểu tầm quan trọng của nó. Có nội công thâm hậu thì chỉ cần một cú đấm bình thường cũng đủ hạ gục đối phương. Trương Quân Bảo – sau này là Trương Tam Phong chỉ dùng một cú đấm cơ bản trong “La Hán Quyền” mà đẩy lùi “Côn Luân Tam Thánh” Hà Túc Đạo cũng nhờ nội lực tinh thuần của “Cửu Dương Thần Công”. Muốn đạt tới vị trí dẫn đầu thì không thể nào có nguồn lực tài chính yếu được. Đừng để những câu nói như “Uber-công ty vận tải lớn nhất nhưng không sở hữu một chiếc xe nào; Alibaba-nhà bán lẻ giá trị nhất nhưng không sở hữu kho hàng nào” đánh lừa. Họ đều là những người khổng lồ, với nội lực là hàng tỷ đô xanh. Không thiếu những trường hợp trên thương trường, “đấu nội lực” – đo nguồn vốn với nhau. Các công ty chấp nhận lỗ, giảm giá để hạ gục đối thủ. Và tất nhiên, ai chịu lỗ được lâu hơn, trường vốn hơn thì người đó là người tồn tại.

Quan điểm cá nhân thì mình không thích cách làm trên vì nó ít nhiều đều gây tổn hại cho công ty. Có nguồn lực lớn thì cần biết cách dùng hợp lý để đạt hiệu quả lớn nhất, thay vì thi “ném tiền qua cửa sổ”. “Mãnh hổ nan địch quần hồ” – một doanh nghiệp dù lớn đến đâu cũng không thể đấu “thí mạng” từ năm này qua năm khác với mọi đối thủ được.

3/ “Nội lực” và “Võ công” – tu luyện thiên về cái nào?

Với đặc thù, start-up hay các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ, gia đình, rất nhiều bạn đã hỏi mình câu này vì nguồn lực có hạn. Câu trả lời ngắn là phải tu luyện cả hai. Dù thương trường là chiến trường, bạn có thể chọc mắt, đá hạ bộ của đối phương (trong phạm vi luật pháp cho phép) nhưng những đòn hiểm không thể giúp bạn tồn tại lâu. Chưa kể việc những đòn hiểm bị bắt bài, danh tiếng của bạn tổn hại thì nếu tất cả đối thủ liên minh lại thì bạn cũng khó sống sót.

Khi mới khởi nghiệp thì có thể bạn tập trung về chiến lược kinh doanh hơn, nhưng sau đó từ từ sẽ phải nâng cao nguồn lực tài chính. Trước khi đưa cho Chu Chỉ Nhược luyện “Cửu Âm Chân Kinh”, Diệt Tuyệt sư thái có dặn rõ – Phương pháp tu luyện trên là do Hoàng Dung sử dụng trí tuệ của mình để đốt cháy giai đoạn, võ công tập luyện thiếu nội lực làm căn bản. Sau này khi xong việc, cần tự huỷ võ công, tập luyện lại căn bản từ đầu.

Nói đến đây, bạn đã hiểu lúc nào cần xây dựng nội lực cho mình rồi chứ? Còn nếu bạn chỉ có vốn mà thiếu chiến lược kinh doanh, kết quả mình đã nói ở phía trên.

DN cần gì để trở thành “cao thủ” chốn thương trường?
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here