Tìm lại những nguồn tin xác tín

0
1106

Bài viết của anh Lê Quốc Vinh, Chủ tịch & CEO Le Group of Companies, đăng trong Group FB Quản trị và Khởi nghiệp.

Báo chí đang đánh mất dần uy tín và tính tin cậy. Đây không phải là vấn đề riêng của báo chí, mà còn là “thảm họa” của những người thực hành PR.

Nhìn lại báo chí đầu thập niên 1990, những tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Đầu Tư khách quan, trung thực… cùng tên tuổi của các nhà báo nhiệt huyết, tự trọng và trong sáng, cùng các thiên phóng sự điều tra, những bài bình luận sắc bén, và những bản tin nóng bỏng trên trang nhất, là những cơ sở xác tín để người dân và cộng đồng doanh nhân tin cậy và tìm đọc mỗi ngày. Ngày ấy chúng ta tin vào các bài báo và ngòi bút của các nhà báo, cũng như những người làm truyền thông cho doanh nghiệp tin rằng nếu được báo chí đăng tải thông tin thì sẽ có cơ hội củng cố niềm tin và sự thấu hiểu của khách hàng.

Sự bùng nổ của truyền thông mới, rồi mạng xã hội kéo theo sự suy thoái về hoạt động thương mại của báo chí truyền thống.

Ngay cả báo điện tử cũng không phải dễ dàng, thậm chí cũng chịu thiệt thòi khi 85% doanh thu quảng cáo rơi vào tay kẻ trung gian là Google và Facebook. Thước đo thành công của một bài báo và tác giả của nó phụ thuộc vào lượng người xem, đồng nghĩa với cơ hội có thêm thu nhập từ cơ chế quảng cáo Google AdSense (hoạt động bằng cách so khớp quảng cáo văn bản và quảng cáo hiển thị hình ảnh với trang web thông tin dựa trên nội dung và khách truy cập).

Thực tế này khiến phóng viên phải lựa chọn những chủ đề câu khách, rẻ tiền, thậm chí cố tính gây scandal hay sai lệch thông tin, loại nội dung dễ dàng được cộng đồng dễ dãi và nông nổi a dua, chia sẻ trên mạng.

Mới đây, một câu phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có trích dẫn câu nói nổi tiếng của nhà tư bản dân tộc Bạch Thái Bưởi, “Tôi muốn làm cho Hà Nội tươi đẹp như Paris”, đã bị nhiều báo rút tít thành ý của chính ông, khiến cộng đồng mạng tư duy hời hợt và ít chịu tìm hiểu ngọn ngành, lấy cớ đùa cợt, bỉ bôi.

Những ví dụ như vậy còn rất nhiều, đặc biệt nguy hiểm đối với các doanh nghiệp. Nhiều nhà báo cố tình truy vấn các sai sót của doanh nghiệp, đẩy vấn đề vượt quá phạm vi của nó, hoặc chỉ đề cập đến vấn đề mà không đả động đến giải pháp khắc phục của doanh nghiệp, khiến công chúng hoang mang vì thiếu hụt thông tin.

Một động thái tích cực chăm sóc khách hàng, triệu hồi sản phẩm có nghi vấn để sửa chữa, sẽ được đẩy thành quy kết cho sản phẩm kém chất lượng, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Một doanh nghiệp bất động sản đang thương thảo chậm nộp một khoản thuế bỗng biến thành nguy cơ tiềm tàng đối với khách hàng ngay cả khi chưa mở bán, gây tâm lý e ngại lan truyền.

Đó là chưa kể xuất hiện ngày càng nhiều những người làm báo kiếm cớ đe dọa doanh nghiệp, cá nhân để trục lợi. Họ liên kết với nhau, thành các nhóm mafia, liên kết, móc ngoặc, chia sẻ thông tin, đánh hội đồng doanh nghiệp, để rồi lại đứng ra xử lý khủng hoảng cho chính doanh nghiệp đó bằng các thoả thuận bảo trợ thông tin mờ ám.

Tất cả những thực tế ấy khiến người dân mất dần niềm tin vào báo chí. Công chúng đành tin vào những đoạn trạng thái, bình luận mà họ thấy trên mạng xã hội, mà không có điều kiện kiểm chứng thực tế.

Trong 48 triệu tài khoản Facebook tại Việt Nam, chỉ có một tỷ lệ nhỏ những người đủ công tâm và khả năng truy vấn nguồn gốc thông tin, khách quan đưa tin hoặc bình luận độc lập. Doanh nghiệp hoang mang vì mất đi kênh thông tin trung gian đáng tin cậy, bị quăng quật giữa bão tố của mạng xã hội, của tin tức giả, những phát ngôn gây thù hận và tin đồn thất thiệt. Một bánh trung thu Kinh Đô bị tố quy trình sản xuất bẩn bằng một phóng sự không có nguồn xác tín, một nước uống Sting bị tố gây ngộ độc chết người bằng hình ảnh giả mạo, một thương hiệu sữa Danlait bị vùi dập vì sự vô minh của những bà mẹ mù quáng.

Trong cái thế giới truyền thông mong manh và dễ vỡ đó, doanh nghiệp chỉ có thể tự cứu mình bằng cách tạo ra những kênh thông tin riêng, cố gắng minh bạch hoá để kiến tạo uy tín đối với công chúng. Đó có thể là một trang website thông tin, một trang fanpage, một kênh video YouTube, hay một ấn phẩm được đầu tư nghiêm túc. Chúng tôi gọi nó là owned media – những kênh truyền thông do doanh nghiệp sở hữu và phát triển.

Nhưng, trong cái thế chân kiềng 3M của owned media (kênh do doanh nghiệp sở hữu) – earned media (kênh báo chí độc lập) – pay media (các kênh trả tiền), báo chí vẫn là một kênh cực kỳ quan trọng. Đối với PR, các kênh truyền thông trung gian, trung lập và khách quan, mới là những lá bài chủ đạo để cung cấp thông tin có thật và chính xác đến với công chúng. Câu hỏi là, làm thế nào để công chúng quay trở lại, đặt niềm tin vào các kênh báo chí đó?

Trên thế giới đang hình thành những liên minh báo chí chống lại sự lũng đoạn về thương mại của Google và Facebook, như Condé Nast – Vox Media – NBCUniversal hoặc National Geographic – Mashable – the Skimm – Atlas Obscura, có lẽ cung cần có những liên minh đảm bảo cho tính trung thực, khách quan của một nhóm báo chí tiên phong. Công chúng cần những nguồn tin xác tín để tin cậy trước biển cả thông tin thực giả lẫn lộn mênh mông. Những người làm truyền thông cần những nguồn tin xác tín để gửi gắm thông tin minh bạch của doanh nghiệp mình, khách hàng của mình, nơi mà công chúng sẽ tìm đến để kiểm chứng thông tin trên mạng xã hội.

Chúng tôi gọi đó là những nguồn tin xác tín (trusted news sources). Những kênh thông tin này phải được xây dựng từ liên minh những cơ quan báo chí uy tín, cam kết khách quan và có cơ chế quản lý đảm bảo sự tác nghiệp công bằng, có sự đầu tư sâu về nội dung, và giảm thiểu bị chi phối bởi các nhóm lợi ích kinh tế.

Có thể, nhiều người cho rằng đó là ước mơ không tưởng, nhưng xin lưu ý cho rằng, chúng ta từng có những tờ báo như thế.

Tìm lại những nguồn tin xác tín
Vote 5* nếu nội dung hữu ích!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here